Iran khủng hoảng "hôn nhân trắng"

Thứ sáu, 12/12/2014 13:18

(Cadn.com.vn) - Bất chấp luật Hồi giáo nghiêm ngặt của Iran, số lượng các cặp đôi trẻ sống với nhau trước hôn nhân đang tăng mạnh. Tình hình trở nên phổ biến đến nỗi văn phòng Lãnh tụ tối cao ban hành tuyên bố phản đối.

"Tôi quyết định sống chung với bạn trai vì muốn hiểu hơn về anh ấy. Thật khó để hiểu rõ về người nào đó chỉ bằng cách đi đến nhà hàng và quán cà-phê với nhau", Sarah, đến từ thủ đô Tehran, cho biết.

Quyết định của Sarah, ở Iran được gọi là "hôn nhân trắng", là điều không thể tưởng tượng được vài năm trước đây. Tại quốc gia mà luật Hồi giáo nghiêm ngặt quy định, bắt tay với người khác giới là bất hợp pháp, thì sống chung là hành vi phạm tội có nguy cơ bị trừng phạt nặng. Không có con số thống kê chính thức, nhưng tình trạng này đã trở nên quá phổ biến đến nỗi Zanan, một tạp chí phụ nữ nổi tiếng gần đây đã phát hành số đặc biệt về chủ đề này.

Và hiện giờ, ngay cả Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Khamenei cũng tham gia vào cuộc tranh luận, ra tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ kêu gọi các quan chức "mạnh tay" kiểm soát chặt chẽ việc này.

Tình trạng sống thử trước hôn nhân ngày càng phổ biến tại Iran. Ảnh: BBC

Tỷ lệ ly hôn cao

Nhưng thanh niên Iran dường như không muốn lắng nghe. "Bạn phải trả cái giá khá cao khi kết hôn và thậm chí còn cao hơn nếu phải ly hôn. Tại sao tôi phải đặt bản thân mình vào điều mà tôi không chắc chắn", Ali, đến từ Tehran, người sống thử với bạn gái trong 2 năm, cho biết.

Thái độ này cho thấy, một bộ phận giới trẻ thành phố ở Iran thay đổi các giá trị Hồi giáo của thế hệ cha mẹ. "Tất nhiên sống chung không được chấp nhận. Nhưng cũng giống như nhiều nơi trên thế giới, các tầng lớp trung lưu ở Iran đang bắt đầu thích cách sống này hơn so với cuộc sống hôn nhân truyền thống", nhà xã hội học Mehrdad Darvishpour, đang làm việc tại Thụy Điển, cho biết.

Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng, tỷ lệ ly hôn tăng cao tại Iran là lý do chính giải thích tại sao một số cặp đôi không muốn vội vàng kết hôn và tại sao gia đình họ cũng đồng tình.

Sự kỳ thị xã hội

Tại Iran, gia đình chú rể là người chi trả cho đám cưới, vốn rất xa hoa và tốn kém. Chú rể cũng phải bồi thường tiền cho cô dâu nếu hôn nhân đổ vỡ. Đó là một số tiền rất lớn, vì vậy người đàn ông có thể lâm vào cảnh nợ nần trong nhiều năm sau khi ly dị. Nếu không trả được nợ, họ có thể phải ngồi tù chung thân.

Đối với phụ nữ Iran, hôn nhân đổ vỡ cũng khiến tương lai của họ vô cùng ảm đạm. Luật Hồi giáo khiến những phụ nữ ly hôn bị xã hội kỳ thị và cuộc sống sau đó không hề dễ dàng. Sarah cho biết, lý do cô quyết định sống chung với bạn trai hiện tại mà không kết hôn là vì cô đã từng đổ vỡ với người yêu trước đó.

Không ủng hộ

Nhưng quyết định sống thử không phải là một lựa chọn dễ dàng. Mặc dù một số bậc cha mẹ ở các đô thị sẵn sàng chấp nhận quyết định của con cái, sống chung vẫn được coi là bước đi quá xa trong xã hội truyền thống sâu sắc như Iran.

Marjan, người sống với bạn trai ở thành phố Arak, nói rằng, cô phải chuyển nhà 4 lần sau khi chủ nhà phát hiện ra cô và bạn trai không kết hôn. Theo luật sư và nhà hoạt động nữ quyền Mehrangiz Kaar, sống thử là bất hợp pháp, do đó không có sự hỗ trợ pháp lý cho các cặp đôi nếu mọi thứ xấu đi. Nếu một người phụ nữ bị lạm dụng trong cuộc "hôn nhân trắng", cô không thể báo cảnh sát, vì cô và người sống cùng sẽ bị bắt vì phạm tội.

Tehran đã có kế hoạch giải quyết các cuộc "hôn nhân trắng" nhằm thúc đẩy ổn định xã hội. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể được công bố.

An Bình
(Theo BBC)