Quyết tâm chống IS

Thứ ba, 18/11/2014 11:15

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 17-11 lên án vụ IS chặt đầu nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig là “tội ác kinh hoàng”, đồng thời tỏ rõ quyết tâm chiến đấu chống nhóm cực đoan này đến cùng.

Cả thế giới lại tiếp tục sục sôi vì IS khi nhóm này công bố đoạn  băng mới nhất hôm 16-11, cho thấy, hiện trường một vụ chặt đầu cực kỳ man rợ.

Nhà Trắng hôm 17-11 xác nhận, nạn nhân trong đoạn băng là nhân viên cứu trợ nhân đạo Peter Kassig. Tổng thống Obama rất tức giận, coi đây là hành động “vô cùng tàn ác”. Trong tuyên bố đưa ra trên chuyên cơ Air Force One trong chuyến bay trở về Mỹ từ Châu Á, ông Obama nhấn mạnh: “Abdul-Rahman Kassig (tên sau khi cải sang đạo Hồi của nạn nhân) bị tước đoạt mạng sống vô cùng tàn ác do nhóm khủng bố mà cả thế giới cho là “vô nhân đạo”.

Các cuộc không kích của Mỹ và liên quân vẫn chưa đủ mạnh để tiêu diệt tận gốc IS. Ảnh: EPA

Dấu hiệu tuyệt vọng?

Chuyên gia Nic Robertson nhận định: “Đây là đoạn băng man rợ nhất mà IS từng thực hiện cho đến nay”. Tuy nhiên, theo ông, việc đoạn băng được thực hiện một cách cẩn thận rõ ràng nhằm mục đích nâng cao công tác tuyên truyền trong bối cảnh nhóm cực đoan này đang tuyệt vọng từng ngày.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, giống như con thú bị thương vùng vẫy trong tức giận, IS đang cho thấy sự tuyệt vọng trong đoạn băng mới nhất này. Trên thực tế, đoạn băng được đưa ra trong thời điểm Mỹ và đồng minh chống IS tuyên bố mở rộng thêm các cuộc không kích và từ từ hỗ trợ cho lực lượng bộ binh nước sở tại chiến đấu. Đoạn băng cũng được đưa ra khi Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey đến thăm Iraq.

Điều đặc biệt là đoạn băng này khác với những đoạn băng trước. Không có hình ảnh một con tin phương Tây mặc áo màu cam nói chuyện trước máy quay trước khi bị tàn sát. Cũng không có tên nạn nhân tiếp theo của nhóm. Có khả năng, đoạn băng này chỉ có mang thông điệp dọa Syria và Iraq khi 2 quốc gia này đang tính đến chiến lược mới chống IS.

Không thể lơ là

Tuy nhiên, không vì thế mà các nước lơ là cuộc chiến chống nhóm chiến binh mới nhưng rất cực đoan này.

Ngày 17-11, Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố vẫn “hoàn toàn tận tâm” đấu tranh chống mối hiểm họa bắt nguồn từ IS. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và Ủy viên viện trợ nhân đạo của EU Christos Stylianides nhấn mạnh, vụ giết hại công dân Mỹ Kassig cùng 18 người được cho là quân nhân Syria cho thấy, IS “quyết tâm theo đuổi kế hoạch khủng bố kinh hoàng”.

Kể từ khi bắt đầu các cuộc không kích trong tháng 8, giới chức Mỹ thành công trong nỗ lực chặn đà thông tin tuyên truyền cực đoan của IS, làm chậm tiến bộ và buộc các chiến binh đi theo mô hình nhỏ hơn. Tuần trước, Tổng thống Obama tuyên bố, cuộc chiến này hiện bước vào giai đoạn mới, trong đó chủ yếu dựa vào lực lượng bộ binh Iraq và các chiến binh địa phương.

Sau chuyến công du dài ngày đến Châu Á, ông Obama trở lại Washington, đối mặt với nhiều bài toán nan giải, trong đó có cuộc chiến chống IS này. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Quốc hội bắt đầu tranh luận về quyền mới được phép mở các chiến dịch không kích rộng lớn hơn chống lại IS ở Iraq và Syria. Các cuộc tranh luận diễn ra khi ông chủ Nhà Trắng đứng trước nhiều câu hỏi ngay từ bên trong chính quyền, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, về hiệu quả của các hoạt động quân sự, đặc biệt là ở Syria. Ông Hagel cho rằng, Tổng thống Obama cần chiến lược rõ ràng hơn để đối phó với Tổng thống Syria Bashar Assad, nhà lãnh đạo đang chịu áp lực phải từ chức. Và quan trọng hơn là quyết định có nên điều bộ binh tham chiến ở Iraq và Syria hay không.

Với việc để mất cả Quốc hội về tay đảng Cộng hòa, chắc chắn những hỗ trợ chính trị đối với ông Obama sẽ giảm sút đáng kể. Và con đường chiến đấu chống IS sẽ nhiều chông gai hơn.

Khả Anh