Iran quay cuồng khi nhiều quan chức nhiễm Covid-19
Iran đã đặt lực lượng vũ trang vào tình trạng khẩn cấp để hỗ trợ các quan chức y tế đang nỗ lực chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, vốn đã giết chết ít nhất 77 người ở nước này và hàng chục quan chức nhiễm bệnh, một ổ dịch đã khiến cả Trung Đông “đứng ngồi không yên”.
Hàng chục nghị sĩ Quốc hội Iran đã được xác nhận nhiễm Covid-19. Ảnh: AP |
WHO cảnh báo thiếu hụt thiết bị y tế toàn cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4-3 cảnh báo về sự thiếu hụt toàn cầu và giá cả leo thang đối với các thiết bị y tế trong phòng chống dịch Covid-19. Theo WHO, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá khẩu trang y tế đã tăng gấp 6 lần, khẩu trang N95 tăng gấp 3 lần, chi phí cho áo choàng bảo hộ cũng có giá gấp đôi. Ước tính mỗi tháng, nhân viên y tế trên toàn cầu sẽ cần đến 89 triệu khẩu trang, 76 triệu găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ. Ngoài ra, các quan chức của WHO tỏ lo ngại về tình hình ở Iran khi các bác sĩ thiếu khẩu trang và những bệnh nhân mắc bệnh nặng thì thiếu máy thở. Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết, nhu cầu về thiết bị y tế của Iran cấp thiết hơn so với các quốc gia khác và tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đây đang có xu hướng xấu đi. Số trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc vượt 10.000 người WHO cũng cho biết, số trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã lên đến 10.566 người. Thống kê mới nhất cho thấy, 1.792 ca nhiễm mới đã được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, đưa tổng số người mắc bệnh này lần đầu tiên vượt qua con số 10.000 người. WHO cũng cho biết đã có 72 quốc gia ngoài Trung Quốc xác nhận có ca nhiễm với 166 người đã tử vong. Hàn Quốc trong ngày 4-3 ghi nhận thêm 516 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm virus trên toàn quốc lên 5.328 ca, cùng với 32 người đã tử vong. Hàn Quốc cử các nhóm phản ứng nhanh tới Việt Nam hỗ trợ công dân Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 4-3 cho biết, Seoul đang tìm cách cử 3 nhóm "phản ứng nhanh" tới Việt Nam để hỗ trợ khoảng 270 công dân Hàn Quốc thuộc diện cách ly do lo ngại về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Hàn Quốc đang đàm phán với Việt Nam về khả năng miễn cách ly đối với các nhóm này. Các thành viên trong nhóm sẽ mang theo giấy chứng nhận y tế chứng minh họ âm tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Mỗi nhóm gồm 4 người thuộc Bộ Ngoại giao và 1 người của cơ quan chính phủ khác. Các nhóm phản ứng nhanh sẽ được điều tới 3 khu vực trực thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội và các lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. |
Gần 30 quan chức nhiễm bệnh
Các quan chức hàng đầu ở nước này đang rất lo ngại về sư lây lan của dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan chức nhiễm bệnh.
Thậm chí, các quan chức chính phủ ngồi cách nhau vài mét trong các cuộc họp tìm cách ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này. Một quan chức hàng đầu là Phó Tổng thống phụ trách vấn về phụ nữ và gia đình của Iran Masoumeh Ebtekar và ít nhất 23 thành viên của quốc hội Iran được báo cáo đã nhiễm bệnh. 9 quan chức Iran khác cũng cho kết quả dương tính. Nhiều người khác đã chết, trong đó có cố vấn thân cận của đại giáo chủ Ali Khamenei.
Theo nguồn tin mới nhất của hãng thông tấn IRNA, người đứng đầu Cơ quan y tế khẩn cấp Iran, ông Pirhossein Kolivand được xác nhận nhiễm bệnh. Trước tình hình này, nghị sĩ Quốc hội Iran Abdolreza Mesri kêu gọi các đồng nghiệp ngừng các cuộc tiếp xúc nơi công cộng, nhằm ngăn ngừa lây lan đáng sợ. Thực tế, sự lây lan của dịch Covid-19 diễn ra không chỉ tại Quốc hội Iran. Trước đó, có một số quan chức cấp cao Iran nhiễm bệnh. Iran hiện là nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei kêu gọi toàn thể người dân nước này hợp tác và hỗ trợ nhà chức trách trong việc chống dịch bằng việc tuân thủ các hướng dẫn của giới chức y tế về vệ sinh và phòng chống dịch. Đại giáo chủ Khamenei ra lệnh cho quân đội hỗ trợ các cơ quan y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo trang mạng Al-Arabiya, Đại giáo chủ Khamenei cũng kêu gọi người dân Iran tuân thủ và thực hiện theo những khuyến cáo của nhà chức trách nước này nhằm tránh bị lây nhiễm.
Là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất
Hiện tại có hơn 2.540 ca nhiễm virus mới trên khắp Trung Đông, trong đó có 2.336 ca ở Iran. Trong số những ca nhiễm bệnh bên ngoài Iran trong khu vực, hầu hết đều có mối liên hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Những con số này không chỉ khiến Iran quay cuồng mà còn khiến cả Trung Đông bất ngờ. Chỉ cách đây 2 tuần, các nhà lãnh đạo Iran vẫn tự tin khẳng định, Covid-19 sẽ không tấn công nước mình. Họ còn khoe xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài. Nhưng giờ đây, họ chính là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, với tỷ lệ tử vong cao nhất. Trong bối cảnh gồng mình chống chọi với sự bùng phát của dịch bệnh, giới lãnh đạo đặt lực lượng vũ trang vào tình trạng khẩn cấp để hỗ trợ các quan chức y tế. Khoảng 300.000 binh sĩ và tình nguyện viên đến nhà từng người dân để kiểm tra sức khỏe từ ngày 3-3. Các công tố viên cảnh báo bất cứ ai tích trữ khẩu trang và các thiết bị y tế công cộng khác sẽ đối mặt với nguy cơ bị tử hình.
Tehran hôm 3-3 cũng tuyên bố tạm thời thả 54.000 tù nhân không có triệu chứng trong nỗ lực làm giảm sự lây lan trong các trại giam đông đúc. Tuy nhiên, quyết định này làm bùng lên những tranh cãi do không rõ có bao nhiêu tù nhân trong số này đã làm xét nghiệm thật sự. Nhiều người dân cùng với bác sĩ phản đối kế hoạch điều 300.000 binh sĩ và tình nguyện viện tới kiểm tra nhà từng người dân vì lo ngại những người không được huấn luyện còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Nhưng tại thành phố Qom - điểm đến của những người hành hương dòng Shiite, các nhà thờ Hồi giáo và đền thờ vẫn tổ chức các buổi lễ bất chấp khuyến cáo từ Bộ Y tế.
KHẢ ANH