Iran - Saudi Arabia: Căng thẳng chưa thấy hồi kết

Thứ tư, 27/01/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Đều là hai cường quốc lớn tại khu vực Trung Đông, nhưng mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia luôn ở trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Căng thẳng Iran - Saudi Arabia ngày càng leo thang vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa giáo phái, cụ thể là giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni.

Shitte và Sunni: Ai lãnh đạo ai?

Kể từ chiến tranh Iraq năm 2003, xung đột sắc tộc giữa cộng đồng Shiite và Sunni tạo nên vết nứt chính trị lớn ở khu vực Trung Đông. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hàng loạt cuộc xung đột vũ trang tại Lebanon, Syria, Iraq và Yemen, sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, cũng như căng thẳng leo thang trong quan hệ Iran-Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ qua. Xung đột giáo phái ở khu vực tạo ra một nút thắt gọi là "Gordian Knot" cho đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ được.

Sau cái chết của Nhà tiên tri Mohammed năm 632, người sáng lập ra Hồi giáo, cộng đồng người theo tôn giáo này bắt đầu chia thành hai nhánh chính, dòng Sunni và Shiite. Sự chia rẽ này bắt nguồn từ bất đồng liên quan đến việc quyết định ai sẽ là người lãnh đạo cộng đồng người Hồi giáo. Năm 1979, Ayatollah Ruhollah Khomeini, một giáo sĩ dòng Shitte, sáng lập nước cộng hòa Hồi giáo đầu tiên trên thế giới: Iran. Tuy nhiên ông lại không giành được sự ủng hộ của cộng đồng Hồi giáo Sunni. Cũng trong thời gian này, cách mạng Iran diễn ra và Khomeini tận dụng cơ hội kêu gọi cộng đồng người Shitte giành lại chính quyền.

Trong khi đó, để "bảo toàn lực lượng" trước cộng đồng người Shiite, tổng thống Iraq Saddam Hussein lúc bấy giờ tìm mọi cách loại bỏ các giáo sĩ Hồi giáo Shitte ra khỏi hàng ngũ đảng Baath cũng như sát hại ông Mohammed Sadiq al-Sadr, người được coi là vị đại giáo sĩ của những người theo phái Shitte. Dưới thời cai trị của Tổng thống Pakistan Zia-ul Haq lúc bấy giờ, cộng đồng người Shitte ở Pakistan nỗ lực đảo chính giành lại quyền tự chủ. Sau khi Tổng thống Zia đầu hàng, dòng giáo phái người Sunni phẫn uất và bắt đầu các cuộc chiến tranh cuộc xung đột sắc tộc với dòng Shitte. Bạo lực sắc tộc từ đó vẫn cứ tiếp tục diễn ra ở đất nước này cho đến nay.

Người Iran biểu tình phản đối Saudia Arabia tại thủ đô Tehran. Ảnh: AP

Bạo lực gia tăng

Nổi bật nhất trong chủ nghĩa giáo phái có lẽ là sự mất cân bằng giữa số lượng người Sunni và Shiite ở một số quốc gia như Arab, Syria, Iraq and Bahrain. Ở Syria, người Sunni chiếm đa số nhưng lại bị nhóm người Alawis, một nhánh nhỏ của dòng Shiite cai trị. Ngược lại, tại Iraq và Bahrain, nhóm Hồi giáo thiểu số người Sunni thống trị cộng đồng người Shiite.

Cột mốc quan trọng nhất làm gia tăng mâu thuẫn phải kể đến là cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu lật đổ ông Saddam Hussein, khiến chính phủ Shitte lên nắm quyền tại nước này. Trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab 2010, Iran hỗ trợ đồng minh Syria trong khi Saudi Arabia ủng hộ phe đối lập. Riyadh mới đây cảm thấy bị đe dọa bởi thỏa thuận hạt nhân Iran, vì chính sách nới lỏng lệnh cấm vận sẽ cho phép Tehran tiếp tục hỗ trợ các nhóm Shitte ở Trung Đông. Tehran và Riyadh cũng đối đầu tại 2 điểm nóng lớn đang diễn ra là Syria và Yemen cũng như một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Riyadh kể từ khi Quốc vương mới lên nắm quyền. Và cuối cùng, việc Riyadh xử tử 47 người bị kết tội "khủng bố", trong đó có giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr trở thành "giọt nước làm tràn ly".

Tương lai nào cho cả hai?

Căng thẳng Iran-Saudi Arabia sẽ không trực tiếp dẫn đến chiến tranh quân sự nhưng cả hai sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ và đẩy mạnh lợi ích trong mọi lĩnh vực, thậm chí là cơ hội phát triển hạt nhân. Thậm chí, khi cuộc nội chiến ở Syria kết thúc và đàm phán hòa bình ở Syria thành công cũng không thể xóa bỏ sự mâu thuẫn lâu đời giữa Iran và Saudi Arabia cũng như thu hẹp khoảng cách giữa 2 giáo phái đối lập Sunni và Shiite.

Bạch Dương
(Theo Foreign Policy)