Iran sẽ can thiệp quân sự tại Iraq?

Thứ bảy, 21/06/2014 09:12

(Cadn.com.vn) - Không giống như Nga với "kịch bản Crimea", Iran tuyên bố sẽ can thiệp vào Iraq để bảo vệ người Shitte và các thánh địa Hồi giáo.

Iraq đang bị đe dọa bởi nguy cơ nội chiến. Iran đã tuyên bố sẽ bảo vệ chính phủ Shitte tại Iraq, nhưng cho đến nay, Tehran vẫn chưa can thiệp quân sự công khai. Biết được ý đồ này của Tehran, các quốc gia Vùng Vịnh như Kuwait và Saudi Arabia phản đối bất kỳ cường quốc nước ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Baghdad.

Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy, các chiến binh Sunni mà ở đây là Tổ chức Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) đang tiến tới Baghdad và chắc chắn sẽ cố gắng để chiếm thủ đô. Các phiến quân ISIS có thể "nắm bắt" các thành phố lớn chỉ đơn giản là vì chúng bị quân đội bỏ rơi, cũng như vì ISIS nhận được sự hỗ trợ của người dân Sunni.

Tuy nhiên, quân đội chính phủ Iraq và lực lượng dân quân Shitte sẽ không bao giờ từ bỏ Baghdad, cũng như những khu vực người Shitte của thành phố sẽ không chấp nhận sự kiểm soát của ISIS mà sẽ kháng cự quyết liệt.

Iran chuẩn bị can thiệp?

Tuy nhiên, nếu tình hình diễn biến bất ngờ, tồi tệ hơn ở Baghdad, Tehran sẽ buộc phải can thiệp, lúc đầu với sự giúp đỡ bí mật, nhưng cuối cùng sẽ công khai.

Do vị trí địa lý thuận lợi, Iran có nhiều cơ hội hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, đó cũng là một lỗ hổng lớn khi Tehran yếu. Thực tế địa lý này khiến các nhà hoạch định chính sách của Iran lo ngại. Gần đây nhất là khi cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein xâm lược Iran vào năm 1980, dẫn đến cuộc chiến tranh tàn bạo 8 năm khiến ít nhất 1 triệu người thương vong.

Chiến tranh Iran-Iraq trong ký ức của người Iran có thể so sánh với Thế chiến thứ hai ở Nga và một thế kỷ sỉ nhục ở Trung Quốc. Những kẻ cuồng tín chống Shitte để giành chính quyền ở Iraq sẽ là mối đe dọa an ninh lớn đối với Iran. Nhưng nó cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào tính hợp pháp của chính phủ Cộng hòa Hồi giáo.

Như vậy, Iran sẽ không bao giờ cho phép ISIS chiếm được Iraq và chắc chắn sẽ can thiệp quân sự trước khi điều này xảy ra. Tuy nhiên, Tehran luôn cố gắng để bảo vệ chính sách đối ngoại trước cộng đồng quốc tế.

Trong khi tất cả các quốc gia khác có thể thoải mái thực hiện điều này, Iran bị ám ảnh bởi tính chất đặc thù của chế độ, và khả năng quân sự giới hạn, điều ảnh hưởng đến quyền lực mềm của Tehran ở Trung Đông.

Do đó, Tehran bắt đầu chuẩn bị về mặt ngoại giao cho việc can thiệp quân sự vào Iraq.

Một đền thờ Hồi giáo của người Shitte ở Iraq. Ảnh: Diplomat

Tạo tiền lệ không nên có

Nếu Iran hiện thực hóa lời đe dọa này, và can thiệp công khai để bảo vệ người Shitte và các thánh địa, Mỹ sẽ phải đối mặt với câu hỏi hóc búa. Một mặt, Iran sẽ giúp Iraq đánh bại các phiến quân ISIS. Mặt khác, Mỹ không muốn nhìn thấy bất kỳ hành động can thiệp quân sự  nào tiếp tục xảy ra ở Trung Đông.

Và xa hơn nữa, điều này có thể dẫn đến tiền lệ vượt xa Iraq. Thật vậy, trong lịch sử, nhiều quốc gia biện minh cho sự can thiệp quân sự để bảo vệ đồng bào dân tộc và tôn giáo ở nước ngoài. Chẳng hạn như, trùm phát-xít Adolph Hitler sử dụng cách biện minh tương tự để đưa Đức Quốc xã chinh phục những nơi như Rhineland và Ba Lan. Ngoài ra, một số quốc gia hiện nay có thể sử dụng tiền lệ này.

Chẳng hạn như Trung Quốc. Nước này có thể can thiệp quân sự vào nước khác viện cớ bảo vệ người Trung Quốc ở nước ngoài, ngay cả khi những người Trung Quốc ở nước ngoài phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh.

Trung Đông là nơi chín muồi nhất cho kịch bản này trong tương lai. Ví dụ, một khi Iran chơi trò quân sự ở Iraq, ta có thể tưởng tượng Tehran sẽ đe dọa can thiệp vào các quốc gia như Bahrain hoặc Saudi Arabia, nếu cuộc nổi dậy của phe phái Shiite tại những nước này bị chính phủ Sunni đàn áp bạo lực.

Vì vậy, Mỹ, quốc gia có lợi ích ngắn hạn tại Iraq nhưng cũng muốn tìm cách định hình tiêu chuẩn toàn cầu, có thể phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn ở Iraq trong thời gian tới.

An Bình (Theo Diplomat)