Iran-Taliban - một liên minh kỳ lạ

Thứ ba, 31/05/2016 08:40

(Cadn.com.vn) - Giữa Iran và lực lượng Taliban tại Afghanistan đã từng tồn tại mối thù thâm sâu trong vài thập niên qua. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS gần đây đã khiến cả hai kẻ đối nghịch này xích lại gần nhau với mục tiêu chung là tiêu diệt phiến quân khủng bố tàn bạo này.

Với nỗ lực ngăn chặn làn sóng tấn công của phiến quân IS, Tehran và lực lượng Taliban đã cùng thiết lập một vùng đệm dọc biên giới Iran-Afghanistan. Vùng đệm kéo dài từ tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan đến tỉnh Kunduz ở miền bắc nước này. Taliban kiểm soát phần lớn cả 2 tỉnh. Đây chính là trường hợp liên minh kỳ lạ nhất thế giới khi 2 kẻ thù lâu năm giờ lại trở thành đồng minh của nhau để cùng chiến đấu chống lại một nhóm khủng bố khác.

Từ kẻ thù thâm sâu…

Iran với phần lớn người dân theo giáo phái Shiite từ lâu đã coi Taliban, một nhóm chiến binh theo dòng Sunni, là mối đe dọa hiện hữu. Vì thế, Tehran thường xuyên cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Liên minh phương Bắc - kẻ thù lớn nhất của Taliban - vào trước những năm 2001. Ngoài ra, tại Hội nghị Bonn năm 2001, Iran cũng phối hợp với Mỹ tạo ra chính phủ hậu Taliban đầu tiên của Afghanistan. Tehran thậm chí còn cung cấp cho Washington bản đồ và dữ liệu về vị trí của Taliban cũng như hỗ trợ mạng lưới quân đội cho Mỹ khi cường quốc này đem quân xâm chiếm Afghanistan cuối năm 2001.

Iran được cho là đã bắt tay với nhóm Taliban ở Afghanistan để chống tổ chức cực đoan mới nổi IS.

... đến đồng minh chiến lược

Tuy nhiên, hiện nay Iran tin rằng, Taliban không nguy hiểm bằng IS, tổ chức khủng bố với khoảng 3.000 chiến binh và đang tiến hành mở rộng chi nhánh ở Afghanistan.

Hoạt động chống IS tại Afghanistan là thách thức khó nhằn đối với Iran khi biên giới giữa 2 nước này rất dài và về mặt lý thuyết, IS dễ dàng xâm nhập vào đất nước của người Shiite bằng nhiều cách khác nhau. Và từ lâu, IS cũng coi Iran là mục tiêu của chúng. Điển hình vào cuối năm 2014, phát ngôn viên của nhóm IS Abu Muhammad al-Adnani cho biết, tổ chức này xem Iran như "kẻ thù cay đắng" và sẵn sàng biến quốc gia này "thành vũng máu". Nhưng thật may mắn thay cho Tehran khi có một đối tác sẵn sàng trong cuộc chiến chống lại IS, đó là Taliban. Vì thế, Tehran đã liên minh với phiến quân Taliban để tạo vùng đệm dọc theo biên giới với Afghanistan nhằm ngăn chặn sự bành trướng hoạt động của IS tại Kabul, cũng như ngăn chặn các chiến binh IS - những người có tư tưởng chống đối giáo phái Shiite - tràn vào Iran.

Theo đại sứ Franz - Michael Mellbin, đại diện đặc biệt của Liên minh Châu Âu (EU) ở Afghanistan, một lý do nữa khiến Iran sẵn sàng gạt mối thù hận lịch sử với Taliban để liên minh đó chính là để cạnh tranh với Saudi Arabia, kẻ thù không đội trời chung của quốc gia Hồi giáo. Tehran tin rằng IS như "cánh tay phải" của Riyadh. Nếu IS hiện diện dọc biên giới phía đông của Iran, người dân nước này sẽ cảm thấy Saudi Arabia đang tạo ra một mặt trận thứ hai trong cuộc chiến.

Một số giới chức phương Tây giấu tên cho biết, Tehran đã cung cấp tiền và một số vũ khí như súng máy, đạn dược và súng phóng lựu cho lực lượng Taliban dọc biên giới. Barnett Rubin, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm ở Afghanistan, cho biết thêm, quan điểm chiến lược của Iran về việc khai thác lợi thế của Taliban bắt đầu thay đổi vào năm 2007 sau khi Washington và Kabul ký kết hiệp ước hợp tác song phương cho phép quân đội Mỹ có thể triển khai lực lượng tại Afghanistan.

Ông Rubin cho biết, Iran đã phải tính toán rất kỹ để bảo vệ chính phủ và cả việc phản đối hành động của Mỹ vì việc Lầu Năm Góc đặt căn cứ lâu dài tại Afghanistan là mối đe dọa hiện hữu với Iran. Vì vậy, Tehran chủ động liên lạc với các chỉ huy Taliban và khuyến khích họ tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ ở đó.

Tuệ Khanh

                   (Theo Foreign Policy)