Iran tìm kiếm "sự khởi đầu mới" trong quan hệ với châu Phi

Thứ sáu, 14/07/2023 09:01
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 12-7 đã đến Nairobi, thủ đô Kenya trong chuyến công du ba quốc gia ở Đông Phi gồm Kenya, Uganda và Zimbabwe. Đây là nỗ lực ngoại giao của Tehran nhằm xây dựng các mối quan hệ liên minh mới với Lục Địa Đen.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trước) được đón tiếp trọng thị tại Kenya. Ảnh: AP
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trước) được đón tiếp trọng thị tại Kenya. Ảnh: AP

Đa dạng hóa quan hệ thương mại

Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của một Tổng thống Iran tới châu Phi trong 11 năm qua, chuyến đi mà Tehran mô tả là một "khởi đầu mới" trong quan hệ với châu lục mà họ gọi là "vùng đất của những cơ hội" và "vận may". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani đã miêu tả chuyến đi là bước ngoặt mới, có thể thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Iran với các nước châu Phi. Ông nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ này dựa trên lập trường chính trị chung giữa Tehran và 3 nước châu Phi.

Với chuyến công du quan trọng này, Iran muốn tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại trong bối cảnh Iran đang chịu các trừng phạt của Mỹ. Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ hy vọng thương mại với các nước châu Phi sẽ tăng lên hơn 2 tỷ USD trong năm nay. Ngoại trưởng Iran, Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh, các nguồn tài nguyên khoáng sản và cơ hội kinh tế của châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau, cũng như của Cộng hòa Hồi giáo Iran, sẽ cung cấp "cơ sở quan trọng cho cả hai bên để phát triển các lợi ích và thu lợi từ các năng lực hiện có".

Tại Kenya, các bộ trưởng hai nước đã ký 5 biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến công nghệ thông tin, đánh bắt hải sản, sản phẩm chăn nuôi và thúc đẩy đầu tư. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Kenya William Ruto, Tổng thống Raisi đã bày tỏ mong muốn tăng cường các quan hệ thương mại với các nước châu Phi. Về phần mình, Tổng thống Ruto mong muốn Iran tăng nhập khẩu các sản phẩm của Kenya như trà, thịt và nông sản và tạo điều kiện để hàng hóa của Kenya qua Iran đến các quốc gia Trung Á. "Kenya rất quan tâm đến việc tăng cường khối lượng thương mại với Iran", Tổng thống Ruto nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nairobi sẽ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và chè của mình sang Tehran, "nơi cũng sẽ đóng vai trò là điểm nhập cảnh quan trọng đối với các nước Trung Á."

Tại Uganda, Tổng thống Raisi đã ký 4 thỏa thuận với người đồng cấp Yoweri Museveni, đồng thời khẳng định Iran sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy lọc dầu.

Nỗ lực mở rộng phạm vi ngoại giao

Iran đã tăng cường hoạt động ngoại giao trong những tháng gần đây nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn được tái áp đặt vào năm 2018, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Bên cạnh thúc đẩy thương mại, Iran cũng nhắm tới thúc đẩy hoạt động ngoại giao, củng cố quan hệ chính trị.

Vào ngày 8-7 vừa qua, Tổng thống Raisi đã gặp Ngoại trưởng Algeria Ahmed Attaf nhằm thúc đẩy quan hệ với Algiers. Tuần trước, Iran đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Trước chuyến công du châu Phi, Tổng thống Raisi đã thăm các nước Mỹ Latinh nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các nước cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tất cả nằm trong nỗ lực mở rộng phạm vi ngoại giao của Tehran tới các nước đang phát triển, nơi hàng chục thỏa thuận đã được ký kết. Nhà lãnh đạo Iran chỉ trích các hành động của Washington, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran và các đồng minh ở Mỹ Latinh của nước này.

Hồi tháng 3, Iran đã nhất trí nối lại quan hệ với Saudi Arabia theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Tehran cũng đang nỗ lực thiết lập lại quan hệ với các nước khác trong khu vực, gồm Ai Cập và Maroc.

AN BÌNH