Iran vừa có tân Tổng thống, Israel lập tức đe dọa

Thứ ba, 22/06/2021 10:29

Quan chức Israel cho rằng “không có lựa chọn nào khác” ngoài tấn công chương trình hạt nhân Iran khi chính trị gia bảo thủ Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống.

Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi Ảnh: Reuters.

“Không có lựa chọn nào khác”

Phản ứng của Israel trước chiến thắng của cựu Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi, một người có quan điểm cực bảo thủ, trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vừa diễn ra cuối tuần qua, Kênh truyền hình Channel 12 của Israel ngày 20-6 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên, cho biết: “Chiến thắng của Ebrahim Raisi trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran khiến chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài chuẩn bị những kế hoạch tấn công nhằm vào chương trình hạt nhân của họ. Điều này sẽ cần ngân sách và tái phân bổ nguồn lực”. Quan chức này cho hay giới chức an ninh Israel tin rằng ông Raisi, người có quan điểm cực bảo thủ, sẽ áp dụng chính sách đối ngoại và hạt nhân cứng rắn mà Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thúc đẩy sau khi lên nắm quyền.

Trước đó, ngay khi ông Raisi đắc cử Tổng thống Iran, rất nhiều quan chức cấp cao của Israel lên tiếng chỉ trích cực lực. Ngoại trưởng Israel Yair Lapid trước đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự trên mạng xã hội. “Tân Tổng thống Iran là người có quan điểm cực đoan, quyết tâm theo đuổi tham vọng hạt nhân và chiến dịch khủng bố toàn cầu. Cần thúc đẩy quyết tâm chấm dứt chương trình hạt nhân Iran và tham vọng mang tính hủy diệt khu vực của họ sau chiến thắng của ông ấy trong cuộc bầu cử”, Ngoại trưởng Lapid cho hay.

Các phát biểu được đưa ra sau khi ông Raisi, 60 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran. Tổng thống đắc cử Raisi sẽ nhậm chức sau 45 ngày, trở thành tổng thống thứ tám của Iran. Ông Raisi đã trải qua hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành tư pháp Iran, từng là tổng công tố viên của Tehran giai đoạn 1989-1994, phó lãnh đạo cơ quan tư pháp giai đoạn 2004-2014 và sau đó là tổng công tố viên quốc gia năm 2014. Ông bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt năm 2019 với cáo buộc vi phạm nhân quyền, điều mà Iran luôn bác bỏ.

“Cơ hội cuối cùng để thức tỉnh”

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett có ý định tăng cường hoạt động ngoại giao với Mỹ nhằm thuyết phục Washington không tham gia tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ vào năm 2018.

Thủ tướng Bennett đã thể hiện sự tiếp nối lập trường phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran của người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu, cho rằng thỏa thuận hiện đang được Iran và nhóm P5+1 đàm phán tại Vienna (Áo) sẽ thúc đẩy khát vọng hạt nhân của Tehran. Ông Naftali Bennett cũng chỉ trích Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi. “Cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Iran với chiến thắng thuộc về ông Ebrahim Raisi là cơ hội cuối cùng để các cường quốc trên thế giới thức tỉnh trước khi quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và giúp họ hiểu rõ họ đang làm việc với ai. Iran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Reuters hôm 20-6 dẫn phát biểu của ông Bennett cho biết.

Trước đó, ông Bennett cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm các quan chức an ninh Israel thảo luận về các chi tiết của thỏa thuận mới giữa Mỹ và Iran. Trong bài phát biểu trước khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội Israel vào đầu tháng này, ông Bennett đã phản đối việc Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tin rằng việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân sẽ là một sai lầm. Ông Bennett khẳng định Israel sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân và sẽ duy trì hoàn toàn quyền tự do hành động.

Quan hệ căng thẳng

Quan hệ Israel và Iran căng thẳng từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại thủ đô Tehran. Ở thời điểm đó, lãnh đạo tối cao Ayatollah Khomeini đã chấp nhận lập trường sắc bén chống Israel và cắt mọi mối quan hệ với nước láng giềng. Suốt nhiều năm, hai nước liên tục áp các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau nhưng tránh xung đột quân sự trực tiếp.  Iran không công nhận nhà nước Israel, luôn ủng hộ các tổ chức vũ trang chống lại nước này và thường xuyên đe dọa Israel. Ngược lại, Tel Aviv cũng coi Tehran là một mối đe dọa hiện hữu và là mối nguy lớn nhất đối với tương lai của đất nước khi cáo buộc Iran đang bí mật phát triển đầu đạn hạt nhân và các phương tiện để phóng tên lửa đạn đạo. Iran bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình.

Quan hệ giữa 2 bên xấu đi nghiêm trọng do chương trình hạt nhân của Iran mà Israel cho là mối đe dọa. Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí. Israel phản đối gay gắt JCPOA. Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận này “không cản đường Iran” trong việc phát triển bom hạt nhân mà ngược lại còn mở đường cho Tehran. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump năm 2018 đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân bất chấp sự chỉ trích cũng như cảnh báo từ các bên còn lại trong thỏa thuận. Dù vậy, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden tuyên bố ý định trở lại JCPOA.

AN BÌNH