IS 2.0 và cuộc chiến thông tin
Nhóm cực đoan IS đã phát động một cuộc tấn công truyền thông mới trên toàn thế giới, mở ra cuộc tranh luận về quan điểm trên toàn cầu rằng, liệu nhóm này có thật sự đã bị đánh bại sau sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Caliphate) hay không. Khi làm như vậy, IS đã tạo ra một “cuộc chiến kỹ thuật số”, trong đó một chiến thắng trực tuyến có thể chuyển thành chiến thắng trên mặt đất.
Vào tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiêu diệt hoàn toàn IS tại Syria và nhấn mạnh sẽ rút quân đội khỏi quốc gia Trung Đông này. Và trong đầu năm nay, Tổng thống Trump đã nói hoặc viết trên Twitter 16 lần rằng, IS đã hoàn toàn bị đánh bại hoặc sẽ sớm bị đánh bại.
Các thành viên được cho là do IS tuyển mộ trong một căn phòng nhỏ ở nhà tù phía nam Mosul, Iraq. Ảnh: AP |
Do ông Trump?
Nhưng chính phủ Mỹ dường như không nhất trí với tuyên bố này.
Vào tháng 8, các tổng thanh tra chính của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đệ trình báo cáo chung lên Quốc hội xem xét “Chiến dịch Kế thừa Chiến dịch”, nhằm đánh bại IS của Mỹ ở Syria và Iraq, trong giai đoạn từ ngày 1-4 đến 30-6-2019. Họ kết luận, mặc dù mất hầu hết lãnh thổ, hàng ngàn chiến binh IS vẫn ở Iraq và Syria và đang thực hiện các cuộc tấn công, vẫn bám trụ với tham vọng lấy lại sức mạnh cho tổ chức khủng bố này. Sự hồi sinh của IS là một phần kết quả của các quyết định của ông Trump: rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria và giảm một nửa số lượng quân ở Afghanistan, khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải từ chức và các đối tác an ninh khu vực của Mỹ không thể tiến hành các hoạt động chống khủng bố.
Ở Iraq, IS đang tập hợp lại và xây dựng các phần tử khủng bố bí mật tại các khu vực trọng yếu của các tỉnh Baghdad, Ninewa và Al Anbar và tại Thung lũng sông Middle Euphrates. Tại Syria, nhóm này đang thực hiện các biện pháp đối phó mạnh mẽ ở tỉnh Al-Raqqah và Homs, và ráo riết tìm cách thiết lập khu vực trú ẩn an toàn. Tổng thống Trump không có khả năng đảo ngược quyết định về việc rút quân. Nhưng cuộc chiến của IS mang tính “kỹ thuật số” nhiều hơn. Và trong vấn đề này, ít nhất, chính quyền ông Trump phải tăng cường năng lực để tiến hành chiến tranh một cách hiệu quả.
Sụp đổ và hồi sinh
Khi IS tấn công thành phố Mosul của Iraq trong thời kỳ nổi dậy đỉnh điểm của nhóm năm 2014, hàng triệu người đã theo dõi vụ việc thực bằng cách theo dõi hashtag “ALLEyesOnISIS” trên Twitter tiếng Arab. Họ bao gồm những người bảo vệ thành phố của Iraq, những người ngày càng mất tinh thần và bỏ trốn. Trong cuốn sách “LikeWar: The Weaponization of Social Media”, các tác giả Peter W. Singer và Emerson T. Brooking đã viết rằng, IS đã mở một cuộc tấn công quân sự như một chiến dịch tiếp thị lan truyền.
Tương tự, IS 2.0 hồi sinh đã sử dụng các thông cáo báo chí và hiểu biết về truyền thông xã hội để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới và tuyển mộ các phần tử nước ngoài, cảm tình viên và ủng hộ tài chính. Chẳng hạn, hồi tháng 4-2019, nhóm đã công bố một đoạn băng về thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom khiến 207 người chết vào ngày Phục sinh ở Sri Lanka. Hoạt động truyền thông toàn cầu của IS cũng bao gồm Soldiers Harvest II, một ấn phẩm được nâng cấp hàng tuần, cho biết các hoạt động quân sự của nhóm.
Cuộc tấn công truyền thông này đang cho phép IS phát động cuộc tấn công truyền thông mới trên toàn thế giới, mở ra cuộc tranh luận về quan điểm trên toàn cầu rằng, liệu nhóm này có thật sự đã bị đánh bại sau sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Caliphate) hay không. Khi làm như vậy, IS đã tạo ra một “cuộc chiến kỹ thuật số”, trong đó một chiến thắng trực tuyến có thể chuyển thành chiến thắng trên mặt đất.
Người Mỹ và người dân trên khắp thế giới cuối cùng cũng phải hiểu rằng cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố thánh chiến khác là một loại xung đột mới, khác biệt và sẽ không phải là chiến thắng một lần mà là mãi mãi. Do đó, sự hồi sinh truyền thông gần đây của IS là tiền thân của sự hồi sinh của nhóm. Đó là lý do tại sao cuộc chiến thông tin chống lại IS không bao giờ kết thúc.
KHẢ ANH