IS cảnh cáo Mỹ

Thứ năm, 21/08/2014 09:01

(Cadn.com.vn) - Nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq gửi lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đến Lầu Năm Góc khi công bố đoạn băng chặt đầu một nhà báo Mỹ hôm 20-8.

Các chiến binh nổi dậy ngày 20-8 bất ngờ đăng tải đoạn băng, trong đó có cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley và hình ảnh nhà báo khác đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, cho rằng, số phận những người Mỹ đang phụ thuộc vào cách Lầu Năm Góc hoạt động tại Iraq.

Đoạn băng có tựa đề “Thông điệp gửi đến Mỹ”, nêu rõ: “Tổng thống Barack Obama hãy chấm dứt không kích tại Iraq hoặc sẽ phải trả giá - những người Mỹ khác sẽ tiếp tục bị hành quyết”. Ở cuối đoạn băng, phiến quân IS tuyên bố đang giam giữ nhà báo Mỹ Steven Sotloff và số phận người này phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Tổng thống Obama. Trước đó, IS cũng đăng đoạn băng “Bẻ gãy cây thánh giá Mỹ”, tuyên bố IS sẽ giành chiến thắng trước “quân thập tự” Mỹ và cảnh báo có thể âm mưu tấn công các mục tiêu Mỹ.

Một hình ảnh trong đoạn băng IS công bố cho thấy các chiến binh
chuẩn bị sát hại nhà báo James Foley. Ảnh: Reuters

Ông chủ Nhà Trắng hiện chưa có bất kỳ tuyên bố công khai nào về vụ việc này cho đến khi có thể chứng thực nội dung, song bày tỏ bất bình nếu điều đó là thật. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 20-8 nhận định rằng đoạn băng chặt đầu của IS là xác thực. Cựu Phó Giám đốc của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell cảnh báo rằng vụ sát hại nhà báo Foley của IS là “cuộc tấn công khủng bố đầu tiên của nhóm này nhằm vào Mỹ”. Theo ông Morell, nhóm Hồi giáo cực đoan đang tìm cách đe dọa để Washington ngừng các cuộc không kích.

Foley, 40 tuổi, bị bắt cóc hôm 22-11-2012, ở miền bắc Syria, trong khi trên đường tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo GlobalPost, một ấn phẩm trực tuyến ở Boston, nơi Foley làm việc, nhà báo này tác nghiệp ở Trung Đông trong 5 năm, từng bị bắt cóc và thả tự do ở Libya. Trong khi đó, nhà báo Sotloff mất tích ở miền bắc Syria vào tháng 7-2013. Ông cộng tác với tạp chí danh tiếng Time và một số tờ báo lớn khác.

Khủng hoảng con tin luôn là bóng ma ám ảnh các đời Tổng thống Mỹ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter phải gánh chịu sức nặng của cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979 khi 66 người Mỹ bị giam giữ trong 444 ngày. Lúc đó, ông Carter phải chịu nhiều cay đắng khi chiến dịch giải cứu con tin “Móng vuốt đại bàng” thất bại, khiến 8 binh sĩ Mỹ và một người dân Iran thiệt mạng. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, toàn bộ con tin được thả vào ngày 20-1-1981, ngày nhậm chức của Tổng thống Ronald Reagan. Rồi trong những năm nắm quyền, việc ông Reagan giải thoát các con tin Mỹ khỏi Lebanon dẫn đến vụ bê bối vũ khí Iran-Contra gây trở ngại cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Và giờ đây, bài toán này lại đè nặng lên vai Tổng thống Obama. Giới phân tích cho rằng, đoạn băng này chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Obama dè dặt hơn trong các hành động ở Iraq mặc dù ông chủ Nhà Trắng đặt nhiều quyết tâm cho cuộc chiến chống IS lần này.

Thủ tướng Italia đến Iraq

Thủ tướng Italia Matteo Renzi ngày 20-8 đến thủ đô Baghdad, Iraq để hội đàm với giới lãnh đạo nước chủ nhà. Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Renzi cũng sẽ gặp giới lãnh đạo người Kurd để thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho các chiến binh này chống IS.

Hôm 19-8, Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ bắt đầu một sứ mệnh dài hạn nhằm đánh bại lực lượng phiến quân Hồi giáo này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược dài hạn để đảo chiều cuộc chiến chống IS bằng việc hỗ trợ tân chính phủ Iraq và phối hợp với các đối tác chủ chốt trong khu vực”, ông Obama tuyên bố đồng thời cảnh báo, IS vẫn là đe dọa với Iraq và cả Trung Đông.

Nhưng trước những tranh cãi về “lợi bất cập hại” trong các cuộc không kích lần này cũng như việc không kích là “chưa đủ mạnh”, ông Obama lại đứng trước bài toán khó nhằn: có nên đem bộ binh đến Iraq hay không.

Khả Anh