IS ra thời hạn chót mới

Thứ sáu, 30/01/2015 11:02

(Cadn.com.vn) - Việc tổ chức cực đoan Hồi giáo IS mở rộng thời hạn chót thả tự do cho con tin người Nhật và người Jordan cho thấy, nhóm “đang tỏ ý thương lượng”.

Trong thông điệp ở đoạn băng mới nhất được công bố ngày 29-1, IS lợi dụng con tin người Nhật Kenji Goto đưa ra lời đe dọa mới về việc sẽ giết phi công người Jordan Maaz Al-Kassasbeh nếu nữ chiến binh Iraq Sajida Al-Rishawi không được thả trước hoàng hôn ngày 29-1 (giờ Iraq).

“Nếu Rishawi không được sẵn sàng trao đổi với mạng sống của tôi trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trước hoàng hôn ngày 29-1, phi công người Jordan sẽ bị giết ngay lập tức”, nội dung đoạn thông điệp ghi âm giọng nói của con tin Goto xuất hiện trên Twitter, Youtube. Tuy nhiên, khác với các đoạn băng kèm âm thanh được IS công bố tối 27-1, nội dung lần này không đề cập đến cụm từ “thông điệp cuối cùng”, cho thấy nhóm vũ trang Hồi giáo đang sẵn sàng thương lượng.

Jordan hôm 28-1 cho biết không nhận được bất kỳ đảm bảo nào về việc phi công Kasaesbeh sẽ an toàn và khẳng định chỉ thực hiện trao đổi tù nhân khi con tin được trả tự do. Nhưng, thông điệp mới nhất này ám chỉ, phi công người Jordan không thể là một phần trong thỏa thuận trao đổi. Đây chỉ là cuộc hoán đổi giữa Goto và Rishawi. Nhưng việc đẩy Kasaesbeh ra ngoài thỏa thuận này lại làm bùng nổ tức giận ở Jordan, nơi các quan chức khẳng định viên phi công này là ưu tiên đàm phán của họ.

Người dân Jordan xuống đường kêu gọi chính phủ nỗ lực giải cứu con tin. Ảnh: Reuters

Không có bình luận nào từ chính phủ Jordan, nhưng một quan chức an ninh cho biết, các nhà chức trách đang cố gắng xác minh tính xác thực của đoạn băng và phối hợp chặt chẽ với phía Nhật. Phát ngôn viên chính phủ Jordan Mohammad al-Momani trước đó nói rằng, Amman sẵn sàng thả Rishawi nếu Kasaesbeh được thả nhưng nói rõ rằng, IS phải thả người trước.

Tuyên bố này của Jordan làm dấy lên lo ngại ở Nhật về khả năng con tin Goto không còn là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào giữa Amman và IS. Mặc dù vậy, CNN dẫn lời Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh nói rằng, việc thả tự do cho con tin Nhật “tất nhiên” vẫn là một phần của bất kỳ trao đổi nào.

Tại Nhật, phát biểu sau cuộc họp đặc biệt với các bộ trưởng cũng như tại Quốc hội hôm 29-1, Thủ tướng Abe cho biết, chính phủ đang thực hiện mọi nỗ lực đảm bảo Goto được thả và lặp đi lặp lại, Tokyo đang hợp tác chặt chẽ với Amman. Ông nhắc lại, Nhật sẽ không nhượng bộ với chủ nghĩa khủng bố và sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế. Và ông cũng cam kết sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ công dân ở nhà và ở nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng con tin là thử nghiệm ngoại giao lớn nhất đối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012 với cam kết củng cố quốc phòng và để Tokyo đóng vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu. Nhiều người cho rằng, vụ việc này mở cơ hội cho Nhật lần đầu tiên tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS.

Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra quan ngại. Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Masahiko Komura cho rằng, Nhật “không thể tham gia cuộc chiến chống IS do không thỏa mãn 3 điều kiện mới để tiến đến phát động cuộc tấn công vũ trang. Theo ông, Hiến pháp không cho phép phát động cuộc tấn công vũ trang nhằm vào IS ngay cả khi Tokyo thay đổi cách diễn giải Hiến pháp.

Khả Anh