ISIS - mối đe dọa vượt xa Trung Đông
(Cadn.com.vn) - Thành công của các chiến binh ở Iraq có thể truyền cảm hứng cho các nhóm cực đoan ở Đông Nam Á.
Mối đe dọa từ việc các chiến binh Hồi giáo triển khai các chiến thuật khủng bố khắp Đông Nam Á là sự trở lại không mong muốn.
Được thúc đẩy bởi thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) Abu Bakr al-Baghdadi, mối đe dọa xuất hiện tại Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Philippines. Chính quyền các quốc gia này lo sợ chiến binh Hồi giáo trong nước liên minh với ISIS ở Iraq và sẽ quay trở lại.
Các chiến binh có âm mưu lập Nhà nước Hồi giáo (Caliphate) riêng, chứ không phải thực hiện các hoạt động khủng bố như nhóm Jemaah Islamiyah (JI) có liên quan đến Al-Qaeda, đã làm hơn một thập kỷ trước.
4 nhóm mới ở Đông Nam Á
Nhiều vụ bắt giữ diễn ra tại Malaysia, trong bối cảnh xuất hiện thông tin rằng, 4 nhóm khủng bố mới xuất hiện tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á. Tất cả đều là người Hồi giáo Sunni với mục tiêu chống người Shiite.
Theo tờ New Straits Times, 4 nhóm khủng bố mới được thành lập hoạt động độc lập với nhau với những tư tưởng tương tự như JI, Al-Qaeda và ISIS. Cũng như “người tiền nhiệm”, chúng liên kết với các chiến binh ở miền Nam Philippines, đặc biệt là Abu Sayyaf.
Nguồn tin tình báo không nêu rõ tên nhóm, nhưng một nhóm có căn cứ ở phía Tây Malaysia, trên đảo Borneo có tên là Darul Islam Sabah. Thành viên của tất cả các nhóm này trải qua đào tạo về vũ khí và nhận được sự ủng hộ tài chính từ các doanh nhân Malaysia.
Cảnh sát Malaysia cũng đang tìm kiếm 5 người đàn ông trốn sang Philippines và gia nhập nhóm Abu Sayyaf. Cảnh sát nước này cũng bắt giữ 19 người trong 2 tháng qua trong hoạt động chống khủng bố mà các nhà chức trách hy vọng sẽ chấm dứt kế hoạch thành lập các trung tâm tuyển dụng và đào tạo tại các nước Đông Nam Á của các chiến binh thánh chiến.
Thủ lĩnh của ISIS Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong đoạn băng hôm 5-7. Ảnh: Reuters |
“Không có cuộc sống nếu không có thánh chiến”
Các vụ bắt giữ được thực hiện sau khi các giáo sĩ cao cấp của ISIS công bố đoạn băng có tiêu đề “Không có cuộc sống nếu không có thánh chiến”. Trong đoạn băng, Abu Muthanna al Yemen tự hào rằng, nhiều quốc gia cung cấp các chiến binh cho ISIS. “Chúng tôi có các anh em từ Bangladesh, Iraq, Campuchia, Australia, Anh”, tên này cho biết.
Dù lãnh đạo Hồi giáo tại Campuchia bác bỏ tuyên bố này nhưng các nhà ngoại giao cho biết, hàng trăm người nước ngoài, bao gồm cả người Khmer, đang chiến đấu trong ISIS. Trong số đó có những nhà nghiên cứu đang làm việc tại các chủng viện Hồi giáo ở Trung Đông.
Gần đây, ISIS thay đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS), sau khi hơn 15.000 phiến quân trung thành với Baghdadi mở rộng cuộc chiến ở Syria về phía nam vào Iraq, tiến đến vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Baghdad.
ISIS khẳng định, một Caliphate được thành lập trên khắp cả nước và công bố bản đồ phác thảo tham vọng lãnh thổ, trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha và Morocco đến biên giới phía tây Myanmar.
Tại Malaysia, và các nơi khác ở Đông Nam Á, ISIS đang tuyển dụng và thực hiện chiến dịch chống Shiite thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook. Theo một nhà phân tích, Lotfi Ariffin, một thành viên của đảng Hồi giáo đường lối cứng rắn của Malaysia PAS hiện đang có đến 24.796 tín đồ.
Trong số này có Ahmad Tarmimi Maliki, 26 tuổi, được cho là kẻ đánh bom tự sát đầu tiên của Malaysia sau khi y lái chiếc xe quân sự chất đầy thuốc nổ vào căn cứ quân sự Iraq, giết chết 25 binh sĩ, cách đây 6 tuần. Chi tiết về các cuộc tấn công được công bố trên trang mạng của ISIS dưới tiêu đề “Phần tử thánh chiến Malaysia tử vì đạo”.
Theo các nhà phân tích cho biết, thủ lĩnh ISIS, Baghdadi, đang thu hút sự hỗ trợ và lấp đầy khoảng trống sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, với lời hứa về nhà nước Hồi giáo và phương pháp thánh chiến tàn bạo.
“Ưu tiên của ISIS là duy trì và củng cố chiến dịch hiện nay ở Syria và Iraq hơn là phân tán lực lượng trong khu vực không cốt lõi cho phong trào như Đông Nam Á. Tuy nhiên, thành công cho đến nay của ISIS sẽ tiếp tục thu hút các chiến binh từ các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan”, Gavin Greenwood, nhà phân tích an ninh khu vực nhận định.
An Bình
(Theo Diplomat)