Israel chia rẽ vì "luật dân tộc"

Thứ sáu, 20/07/2018 11:59

Không đề cập đến các giá trị bình đẳng và dân chủ, Israel ngày 19-7 đã thông qua một dự luật gây nhiều tranh cãi nhằm xác định bản chất của nhà nước Israel. Các nhà phê bình xem luật mới này là "quan tài" của nền dân chủ.

Dự luật được Quốc hội Israel thông qua hôm 19-7. Ảnh: Aljazeera

Dự luật được Quốc hội thông qua với 62 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 2 phiếu trắng sau cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ. Dự luật mới nói rằng, Israel là quê hương lịch sử của người Do Thái với Jerusalem "thống nhất" là thủ đô, và tuyên bố rằng chỉ người Do Thái có quyền tự quyết định vận mệnh quốc gia dân tộc.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người ủng hộ dự luật quốc gia, ca ngợi đường đi của mình và gọi đó là "thời điểm quyết định" trong lịch sử Israel. "Đây là thời điểm quyết định trong lịch sử của nhà nước Israel. Chúng ta ghi nhận bằng pháp luật nguyên tắc cơ bản cho sự tồn tại của chúng ta: Israel là một quốc gia dân tộc của người Do Thái, quốc gia này tôn trọng quyền cá nhân của tất cả các công dân nước mình", Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu được chính phủ cánh hữu của ông ủng hộ. "Chúng ta khắc vào đá luật ngôn ngữ, quốc ca và quốc kỳ của chúng ta. Chúng ta đã ghi nhận thực tế rằng Israel là quốc gia dân tộc của người Do Thái", ông Netanyahu nhấn mạnh.

Luật không đề cập đến quyền bình đẳng hay thiểu số - cả hai đều là bộ phận không tách rời của Tuyên ngôn Độc lập Israel năm 1948, tuyên bố rõ ràng, Israel "sẽ đảm bảo sự bình đẳng hoàn toàn về quyền xã hội và chính trị cho tất cả người dân bất kể tôn giáo, chủng tộc hoặc giới tính, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ, giáo dục và văn hóa". Sự thiếu sót này khiến nhiều người lên án. Amir Fuchs, người đứng đầu chương trình Bảo vệ Giá trị Dân chủ tại Viện Dân chủ Israel cho rằng, "Không có quốc gia nào trên thế giới không liệt kê quyền bình đẳng trong hiến pháp của mình. Do đó, rất khó hiểu tại sao các tác giả của dự luật này lại không đưa vào giá trị quan trọng này". "Quyền bình đẳng được đề cập trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, vốn là tài liệu chính thức của Nhà nước Israel trong 70 năm qua", ông Fuchs cho biết.

Israel là một trong những nền dân chủ phương Tây duy nhất trên thế giới không có hiến pháp bảo vệ quyền của người dân. Thay vào đó, Israel có Các Luật cơ bản, là nguyên tắc hướng dẫn cho nhà nước và hệ thống pháp luật. Những luật này, được thông qua với đa số tuyệt đối trong số 120 thành viên của Quốc hội, nên rất khó để thay đổi hoặc xóa bỏ.

Hạ cấp tiếng Arab

Luật cũng hạ cấp trạng thái của tiếng Arab, cho đến nay là ngôn ngữ chính thức của Nhà nước Israel thành "trạng thái đặc biệt". Theo đó, cấm sử dụng tiếng Arab như là một ngôn ngữ chính thức song song với tiếng Do Thái mà chỉ được phép tiếp tục sử dụng ngôn ngữ này trong các tổ chức Israel.

Yair Lapid, người đứng đầu đảng đối lập Yesh Atid, cho rằng, "tiếng Arab và tiếng Do Thái phải bình đẳng về quyền và giá trị pháp lý. Tuyên bố này không phải là một tuyên bố chính trị, đó là một tuyên bố thực tế". Ahmad Tibi và Yousef Jabareen, thuộc đảng Joint Arab List, cho rằng, "Luật dân tộc là cái đinh cuối cùng trong quan tài của nền dân chủ Israel, vốn đã chết trong những năm gần đây vì những đau khổ từ căn bệnh phân biệt chủng tộc mãn tính, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phát xít và hướng đến chủ nghĩa Apartheid".

Một phiên bản trước đó của dự luật này cho phép xây dựng các cộng đồng tách biệt chỉ có người Do Thái, nhưng điều khoản này đã gây ra những chỉ trích từ nhiều hướng. Một số chính trị gia đương nhiệm, gồm Tổng thống Reuven Rivlin, Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit và cựu chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng của Cơ quan Do Thái Israel, Natan Sharansky, đều  phản đối. Họ cho rằng, luật sẽ hưởng đến vị thế của Israel trên trường quốc tế cũng như có khả năng bị Tòa án Tối cao bác bỏ.

Phân chia sâu sắc hơn

Người Arab chiếm khoảng 20% dân số Israel và khoảng 36% dân số của Jerusalem. Người Arab của Israel bao gồm chủ yếu là hậu duệ của người Palestine vẫn còn sống trên mảnh đất của họ trong cuộc xung đột giữa người Arab và người Do Thái lên đến đỉnh điểm trong cuộc chiến năm 1948 xung quanh việc tạo ra nhà nước hiện đại của Israel. Những người này vẫn có đầy đủ quyền bình đẳng theo luật pháp, nhưng nói rằng họ phải đối mặt với sự kỳ thị, và bất bình đẳng về giáo dục, y tế và nhà ở.

Tại Ma'alot-Tarshiha, đô thị ở miền bắc Israel, được tạo ra bằng cách liên kết thị trấn của người Do Thái Ma'alot và thị trấn của người Arab Tarshiha, các cư dân Arab  giận dữ. "Tôi nghĩ đây là luật phân biệt chủng tộc bởi chính quyền cánh hữu cấp tiến tạo ra các luật cực đoan, và trồng những hạt giống tạo ra một trạng thái phân biệt chủng tộc", bác sĩ Bassam Bisharah, 71 tuổi nói. Yousef Faraj, 53 tuổi, từ làng Druze gần đó cho biết: "Mục đích của luật này là phân biệt đối xử. Họ muốn loại bỏ hoàn toàn người Arab. Israel muốn tiêu diệt tất cả các tôn giáo của người Arab", Adalah cho biết, gọi luật mới này là một nỗ lực để thúc đẩy "ưu thế sắc tộc bằng cách thúc đẩy các chính sách phân biệt chủng tộc".

AN BÌNH