Israel “nóng như lửa” trước thềm bầu cử

Thứ ba, 17/09/2019 12:06

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đối thủ chính Benny Gantz vẫn nỗ lực lấy điểm trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội, sẽ bắt đầu vào hôm nay (17-9), mang tính định đoạt số phận chính trị của vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất quốc gia Do Thái này.

Cử tri Israel sẽ đi bầu cử Quốc hội vào hôm nay (17-9).  Ảnh: AFP

Đây là cuộc bầu cử lần 2 của Israel chỉ trong 5 tháng qua, sau khi Thủ tướng Netanyahu phải hứng chịu một trong những thất bại lớn nhất trong sự nghiệp chính trị khi không thể thành lập chính phủ liên minh sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman, từng là cánh tay phải của ông Netanyahu, hiện là đối thủ số 1 của nhà lãnh đạo này với một chiến dịch tranh cử mang tên “đưa Israel trở lại bình thường”.

Thay đổi lịch sử

Số phận chính trị của Thủ tướng Netanyahu đang khá chênh vênh khi ông đưa ra cam kết trước bầu cử về việc sáp nhập một phần khu Bờ Tây nếu ông giành chiến thắng.

Hôm 10-9, để vận động cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới, Thủ tướng Netanyahu cam kết sáp nhập Thung lũng Jordan, chiếm khoảng 1/3 khu vực Bờ Tây mà Israel đang chiếm đóng. Ông Netanyahu cũng nhắc lại ý định sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, nhưng sẽ phối hợp với Tổng thống Trump. “Chúng tôi thấy mình đang ở đỉnh cao của một sự thay đổi lịch sử của người Do Thái và nhà nước Israel”, ông Netanyahu viết trên tờ Maariv, nơi dành cho cả các ứng cử viên chính đưa ra thông điệp của họ.

Kế hoạch chiếm trọn Bờ Tây của Israel không phải là mới. Nhưng đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Israel công khai kế hoạch sáp nhập cụ thể, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Thời điểm công bố kế hoạch cũng khiến nhà lãnh đạo Israel hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế và gây tranh cãi ngay trong chính nội bộ Israel. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 16-9 tuyên bố “hoàn toàn bác bỏ” cam kết trước bầu cử này của Thủ tướng Netanyahu. Tổ chức gồm 57 quốc gia Hồi giáo này lên án “tuyên bố nguy hiểm này sẽ làm suy yếu các nỗ lực đạt được một nền hòa bình đúng đắn và lâu dài, đẩy cả khu vực vào tình trạng bạo lực và bất ổn tồi tệ hơn”.

Giới quan sát cho rằng, đây là nước cờ có phần mạo hiểm của Thủ tướng Netanyahu, một bước đi cho thấy quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mang tính quyết định đối với sự nghiệp chính trị của ông.

“Món quà” đến từ nước Mỹ

Và ông Netanyahu còn một lợi thế khác nữa: “sự ủng hộ lớn” từ Mỹ. Trước thềm cuộc bầu cử vào tuần tới, Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Twitter cho biết, ông đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu về một hiệp ước phòng thủ chung tiềm năng giữa hai quốc gia.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Trump nêu rõ: “Hôm nay tôi đã gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu nhằm thảo luận về khả năng tiến tới một Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Mỹ và Israel, điều này sẽ giúp tăng cường liên minh vĩ đại giữa hai quốc gia”. Như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các cử tri Israel, ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng, mong muốn tiếp tục thảo luận về điều này sau cuộc bầu cử ở Israel. Phản ứng ngay sau thông báo này, Thủ tướng Netanyahu đã gửi lời cảm ơn đến “người bạn thân thiết”. Theo ông, Israel chưa bao giờ có một người bạn lớn như vậy trong chính quyền Mỹ và ông chờ đợi cuộc gặp với Tổng thống Trump tại LHQ để thúc đẩy một Hiệp ước quốc phòng lịch sử giữa  hai nước.

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của ông Trump được xem như “món quà” mà nhà lãnh đạo này dành cho Netanyahu, giúp ông củng cố vị thế trước thềm bầu cử. Trên thực tế, một khi được ký kết, đây có thể xem là tấm khiên an ninh bảo vệ Israel khi cho phép Mỹ tự động can thiệp quân sự trong trường hợp quốc gia Do Thái bị tấn công.

KHẢ ANH