Israel: Việc thành lập chính phủ mới vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Thứ ba, 08/06/2021 14:08

Người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa của Israel đã đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra bạo lực tại một trong những giai đoạn chính trị đầy thách thức nhất trong nhiều thập kỷ qua của Israel khi chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu đối mặt với việc bị lật đổ bởi một liên minh hùng mạnh.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.   Ảnh: AFP

Ông Netanyahu cáo buộc có gian lận bầu cử

Thủ tướng Netanyahu ngày 6-6 cho rằng liên minh được thành lập gần đây nhằm thay thế vị trí của ông là kết quả của "gian lận bầu cử nghiêm trọng nhất trong lịch sử".  Báo Times of Israel cũng dẫn lời Thủ tướng Netanyahu khẳng định ông sẽ phản đối việc thành lập chính phủ liên minh mà trong đó có các nhân vật gian lận. "Chúng ta đang chứng kiến vụ gian lận bầu cử lớn nhất trong lịch sử đất nước, mà theo quan điểm của tôi là lớn nhất trong lịch sử của bất kỳ nền dân chủ nào", ông Netanyahu cho biết trong cuộc họp với các nghị sĩ của đảng Likud.

Hôm 6-5, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã giao nhiệm vụ cho ông Yair Lapid - lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập cánh tả - đứng ra đàm phán thành lập chính phủ, sau khi Thủ tướng Netanyahu thất bại trong nỗ lực này. Ông Netanyahu đối mặt với viễn cảnh chấm dứt 12 năm nắm giữ cương vị thủ tướng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Israel Yair Lapid hôm 2-6 đã chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Israel về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 23-3. Chính phủ mới là liên minh của các đảng cánh tả, tự do, hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa và tôn giáo, cũng như đảng Hồi giáo Arab.

Để vận động được sự ủng hộ của các đảng, qua đó tập hợp được tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội, ông Lapid đã nhận được "quân bài" quyết định từ ông Naftali Bennett, lãnh đạo đảng Yamina, một đồng minh trước đây của ông Netanyahu. Theo thỏa thuận giữa các bên, ông Bennett và ông Lapid sẽ luân phiên giữ chức thủ tướng trong chính phủ mới và gọi đây là "chính phủ thay đổi". Trong các bài đăng trực tuyến, ông Netanyahu đã cảnh báo quan hệ đối tác này là "một chính phủ cánh tả nguy hiểm".
Một số nhóm cánh hữu tức giận với Bennett, bởi trước cuộc bầu cử ngày 23-3, ông Bennett hứa rằng ông sẽ không tham gia phe trung hữu của ông Lapid, hoặc bất kỳ đảng Arab nào trong liên minh. Trong tuyên bố mới đây, ông Bennett đã xin lỗi những cử tri đã ủng hộ ông vì khiến họ hiểu lầm, song nhấn mạnh hành động của ông là vì người dân và tương lai của đất nước.

Ông Lapid và Bennett hy vọng rằng "chính phủ đoàn kết" của họ sẽ hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc giữa người Israel và chấm dứt sự thù hận. Một cuộc thăm dò của N12 Television hôm 5-6 cho thấy, 46% người Israel ủng hộ chính phủ Bennett-Lapid, 38% muốn tổ chức một cuộc bầu cử khác - lần thứ 5 trong khoảng 2 năm - và 15% không nêu rõ ý kiến.

Thỏa thuận thành lập chính phủ còn cần phải được Quốc hội Israel thông qua mới có hiệu lực, do vậy được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Phe đối lập của ông Lapid chỉ tập hợp được số ghế vượt mức tối thiểu không nhiều. Vì vậy, vẫn có khả năng phe của Thủ tướng Netanyahu sẽ vận động một số nghị sĩ trong liên minh đối lập phủ quyết việc này.

Nguy cơ bạo lực

Hôm 5-6, người đứng đầu cơ quan an ninh nội bộ Israel, Nadav Argaman đã đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi cảnh báo về "sự leo thang nghiêm trọng trong các cuộc diễn thuyết bạo lực và kích động" trên mạng xã hội. "Một số nhóm hoặc cá nhân kích hoạt bạo lực bất hợp pháp, thậm chí có thể phải trả giá bằng mạng sống", ông Argaman nói, đồng thời kêu gọi các quan chức công quyền "đưa ra lời kêu gọi rõ ràng để ngăn chặn hành vi này".

Kể từ khi ông Bennett tuyên bố tham gia liên minh với ông Lapid, các cơ quan an ninh đã tăng cường bảo vệ ông trong bối cảnh các cuộc biểu tình của phe cánh hữu được tổ chức gần nhà của các đảng viên trong đảng của ông, hy vọng ngăn họ tham gia chính phủ phủ liên minh. Ông Argaman kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo thể hiện trách nhiệm và giảm bớt các hành động kích động tiềm tàng. 

Căng thẳng có thể bùng phát hơn nữa trong tuần này, khi một cuộc tuần hành của cánh hữu Do Thái dự kiến sẽ đi qua Thành phố Cổ ở Jerusalem. 11 ngày giao tranh dữ dội đã nổ ra giữa Israel và Hamas ở Gaza vào tháng trước châm ngòi cho các cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine ở Jerusalem, trong và xung quanh Thành phố Cổ. Một cuộc hành quân tương tự, lộ trình của nó chuyển hướng vào phút cuối, được tổ chức vào ngày giao tranh nổ ra.

AN BÌNH