Italia tiếp tục khủng hoảng

Thứ ba, 29/05/2018 11:46

Trong diễn biến bất ngờ, chiều 27-5, ông Giuseppe Conte, người vừa được phê chuẩn làm Thủ tướng Italia cách đây vài ngày, tuyên bố từ chối làm Thủ tướng và từ bỏ ý định thành lập chính phủ mới. Diễn biến mới nhất này đang đẩy chính trường Italia rơi vào cuộc khủng hoảng mới.

Tổng thống Italia Sergio Mattarella phủ quyết việc đề cử ông Paolo Savona làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.    Ảnh: AFP

Bất hòa giữa Tổng thống và Thủ tướng

Kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử cuối tháng 3, Italia vẫn chưa có chính phủ mới bởi không đảng phái hay liên minh nào có đủ đa số ghế cần thiết. Ông Conte được đề cử làm Thủ tướng, trong nỗ lực chấm dứt 11 tuần bế tắc chính trị của Italia. Vừa qua, ông Conte đệ trình Tổng thống Mattarella các lựa chọn cho nội các mới. Ông Mattarella chấp thuận tất cả các đề cử, ngoại trừ ứng viên Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Paolo Savona, lấy lý do ông Savona mạnh mẽ phản đối việc Italia tiếp tục là thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Khi được hỏi về quyết định này, Tổng thống Mattarella cho hay: việc ông Savona không chắc chắn về vị trí của Italia trong Eurozone đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Mattarella, lập trường của ông Savona cũng mâu thuẫn với Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Liên đoàn phương Bắc. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mattarella giải thích: "Tôi đã thông báo cho ông Conte rằng, tôi đặc biệt chú ý đến một vài vị trí Bộ trưởng. Tôi đã đồng ý với mọi đề cử Bộ trưởng, trừ người phụ trách kinh tế. Việc bổ nhiệm một Bộ trưởng kinh tế sẽ ngay lập tức gửi đi một thông điệp hoặc một cảnh báo đến với thế giới tài chính. Với cương vị của mình, tôi không thể chấp nhận một lựa chọn có thể dẫn đến việc đưa Italia ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu và gây ra các lo ngại cho các nhà đầu tư Italia và nước ngoài. Nhiệm vụ của tôi là phải bảo vệ các tích lũy tài chính của Italia, chính là điều đảm bảo cho chủ quyền của Italia".

Thị trường tài chính của Italia sụt giảm trong tuần trước do lo ngại một chính phủ liên minh của M5S và Liên đoàn phương Bắc có quan điểm chống EU được thành lập sẽ tăng thêm khoản nợ công khổng lồ của Italia, hiện đã lên tới 2.300 tỷ EUR (khoảng 132% GDP).

Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng, Italia có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới đối với Eurozone do nước này, dưới sự lãnh đạo của một liên minh cầm quyền hoàn toàn là dân túy và cực hữu, có khả năng không tuân thủ các cam kết về nợ công và thâm hụt ngân sách của EU. Các nhà hoạch định chính sách Châu Âu và các nhà kinh tế lo ngại, liên minh cầm quyền mới của Italia có thể cản trở quá trình hội nhập sâu rộng hơn của Eurozone và có thể tạo ra giai đoạn khủng hoảng tiếp theo của khối nếu liên minh này đưa ra chính sách cắt giảm thuế và tăng chi tiêu.

Sau khi tin tức liên minh này sụp đổ, trái phiếu, chứng khoán và đồng EUR lập tức tăng điểm.

Thành lập chính phủ kỹ trị

Trước nguy cơ khủng hoảng chính trị lún sâu, Tổng thống Mattarella triệu tập ông Carlo Cottarelli - cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để bàn khả năng thay thế ông Conte làm lãnh đạo một chính phủ kỹ trị.

Ông Cottarelli là sự lựa chọn êm dịu cho thị trường tài chính hiện nay, nhưng bất kỳ chính phủ kỹ trị nào cũng chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn vì đa số các nghị sĩ tuyên bố họ sẽ không ủng hộ một chính phủ như vậy. Ông Matteo Salvini, thủ lĩnh đảng Liên đoàn phương Bắc kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm, cho rằng bầu cử sớm là giải pháp duy nhất hiện nay và cuộc bầu cử này phải được tổ chức chậm nhất là vào mùa thu năm nay. Ông Salvini khẳng định chỉ một cuộc bầu cử mới có thể "giúp người dân Italia đưa ra tiếng nói của mình".

Trong khi đó, lãnh đạo M5S, ông Luigi Di Maio thậm chí còn kêu gọi luận tội Tổng thống Mattarella theo Điều 90 của Hiến pháp Italia mà theo đó Quốc hội nước này có thể buộc tổng thống phải từ chức dựa trên một cuộc bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số. Nếu Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ, tòa án hiến pháp Italia sau đó sẽ quyết định xem có nên luận tội tổng thống hay không. "Tôi muốn Quốc hội giải quyết cuộc khủng hoảng thể chế này", ông Di Maio cho hay.

Tổng thống Mattarella cho biết đã nhận được các yêu cầu bầu cử sớm từ các đảng và sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định sau khi tham khảo ý kiến các nghị sĩ.

AN BÌNH