JO Swinson - Người phụ nữ muốn hủy bỏ Brexit
Lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ của Anh Jo Swinson đang lãnh đạo phong trào vận động hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 52% người Anh muốn rời Liên minh Châu Âu (Brexit) trong khi 48% bỏ phiếu muốn ở lại. Trong trường hợp bà Swinson giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12-12 tới và thành lập chính phủ, sẽ không có cuộc thảo luận nào cũng như không có cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, điều mà đảng của bà đã đấu tranh từ lâu. Đó là một động thái chính trị táo bạo, thậm chí một số người còn cho là phi dân chủ, như nó thu hút những người đã bỏ phiếu để Anh ở lại EU.
Bà Swinson hy vọng sẽ thu hút các cử tri đảng Bảo thủ và Công Đảng. Ảnh: CNN |
Liệu bà Swinson có thể chiến thắng với lời hứa bác bỏ nguyện vọng của đa số cử tri? Thất bại trong các cuộc thăm dò trước bầu cử chỉ còn chưa đến một tuần có lẽ là câu trả lời. Nhưng, trong khi khả năng trở thành thủ tướng của bà Swinson là khó xảy ra, bà không cần phải thắng hoàn toàn để đưa Brexit vào tình trạng nguy hiểm.
Quyết định táo bạo
Tháng trước, bà Swinson đã đứng trên sân khấu, cười rạng rỡ khi dõng dạc tuyên bố cương lĩnh tranh cử chính thức của đảng Tự do Dân chủ - một tầm nhìn chi tiết về chính sách và chi tiêu - nhưng điều mà các cử tri quan tâm chính là các tấm áp phích được sử dụng trong chiến dịch: "Dừng Brexit. Xây dựng một tương lai tươi sáng hơn".
Trong một sự kiện tranh cử tại một câu lạc bộ đấm bốc ở phía bắc London vào tháng trước, bà Swinson tự tin khoe những cú đấm. Bên ngoài võ đài, bà cũng tự tin bảo vệ quan điểm của đảng mình đối với việc dừng Brexit, bất chấp những cảnh báo của các nhà phê bình về tác động của nó đối với nền dân chủ. "Đây là một cuộc bầu cử dân chủ và mọi người có thể đưa ra lựa chọn", bà nói bằng giọng Scotland nhẹ nhàng. "Đó là một thông điệp trung thực bởi vì chúng tôi khẳng định: Nếu bạn bầu cho một chính phủ do đảng Tự do Dân chủ lãnh đạo, chúng tôi sẽ không tiến hành Brexit". Khi được hỏi, quyết định này đồng nghĩa với việc không tôn trọng 52% số người đã bỏ phiếu "rời đi", bà Swinson tự tin rằng mình hiểu rõ vấn đề hơn họ. "Tôi tôn trọng họ, nhưng tôi không đồng tình với họ", bà khẳng định.
Đảng Tự do Dân chủ của bà Swinson đã ký kết thỏa thuận "Đoàn kết để giữ lại" với đảng Xanh và đảng độc lập ở xứ Wales Plaid Cymru. Theo đó, đảng Tự do Dân chủ đồng ý từ bỏ 17 khu vực bầu cử ở Anh và xứ Wales, trong khi hai đảng còn lại đã dọn đường cho đảng Dân chủ Tự do tiến vào 43 khu vực khác, để tránh chia rẽ số phiếu còn lại.
Bà Heidi Allen, một cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ chuyển sang gia nhập đảng Tự do Dân chủ, nhận định: "Tôi nghĩ rằng điều này có khả năng thay đổi cuộc chơi, nhưng tất nhiên nó có thể nhiều hơn thế. Công đảng là những kẻ ngốc. Đất nước sẽ phải trả giá", bà Allen nói. Bà Allen mô tả bà Swinson là "trẻ trung, năng động, sôi nổi" và "hoàn toàn là người phù hợp để lãnh đạo trọng trách còn lại".
Thật vậy, quyết định hủy bỏ Brexit của bà Swinson là hoàn toàn có cơ sở. Trong tất cả các đảng chính trị lớn, chỉ có đảng Bảo thủ hứa sẽ tiếp tục theo đuổi Brexit. Đảng Quốc gia Scotland có kế hoạch bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Boris Johnson bảo đảm với EU, Đảng Lao động hứa sẽ đàm phán một thỏa thuận mới, và sau đó để cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Sau hơn 3 năm thất bại trong việc giải quyết câu hỏi hóc búa Brexit, cử tri Anh tin rằng các chính trị gia chỉ giả vờ đi cùng với Brexit kể từ cuộc bỏ phiếu năm 2016. "Họ giả vờ nhân danh dân chủ, nhưng những gì họ thực sự đang làm là lật đổ nền dân chủ. Đây là một trò chơi rất nguy hiểm mà họ đang chơi", người dẫn chương trình phát thanh LBC Iain Dale, nhận định. "Họ nghĩ rằng những người bỏ phiếu cho Brexit là ngu ngốc, mặt dày, phân biệt chủng tộc, bất cứ điều gì, và họ không đồng ý với kết quả đó", ông nói thêm.
Gương mặt mới
Trong một chương trình phỏng vấn của BBC vào tháng trước, bà Swinson đã bị một khán giả chế giễu, hỏi rằng liệu bà có hối hận khi tuyên bố rằng mình có thể trở thành Thủ tướng tiếp theo hay không. Bà Swinson nhấn mạnh rằng, những điều kỳ lạ đã từng xảy ra trong nền chính trị Anh.
Bản thân bà Swinson là một ví dụ. Được bầu lần đầu tiên vào năm 2005, bà trở thành ứng viên đảng Tự do Dân chủ đầu tiên giành được khu vực bầu cử ở Đông Dunbartonshire của Scotland. Bà cũng là nghị sĩ trẻ nhất được bầu vào năm đó, khi mới 25 tuổi.
Mới chỉ 39 tuổi, bà Swinson là một gương mặt tương đối mới mẻ, bên cạnh những nhà lãnh đạo đã quá quen thuộc, ông Boris Johnson (55 tuổi) của đảng Bảo thủ hay ông Jeremy Corbyn (70 tuổi) của Công Đảng, nhưng bà Swinson đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm với tư cách là một thành viên Nghị viện.
Bà Swinson cũng từng là một bộ trưởng chính phủ sau khi lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Nick Clegg đưa đảng của mình vào chính phủ liên minh với Đảng Bảo thủ trung hữu vào năm 2010. Là một nhà vận động đam mê vì bình đẳng giới, năm ngoái, bà Swinson đưa con mình đến Hạ viện và để con ngồi trên sàn nhà nhằm ủng hộ việc các nữ nghị sĩ có con nhỏ nên được phép bỏ phiếu theo ủy quyền. Ông Vince Cable, cựu lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ, cho biết nữ quyền là một động lực lớn trong hoạt động chính trị của bà Swinson, và lập trường này của bà đã thu hút sự ủng hộ cho đảng. "Có rất nhiều phụ nữ trẻ ủng hộ bà ấy trong vấn đề này", ông nói.
AN BÌNH