Jo, vì yêu mà đến!

Thứ hai, 05/02/2018 14:40

Gặp Jo, và đồng hành trên hành trình ngược lên biên ải cùng cô gái đến từ đất nước Thụy Điển ấy, tôi mới hiểu lo lắng về rào cản ngôn ngữ là dư thừa. Không phải Jo rành tiếng Việt mà những gì cô thể hiện, dốc tâm là lời của trái tim đặc biệt dành trao cho đồng bào Pa Cô, Vân Kiều trên rẻo cao Hướng Hóa, Quảng Trị. Cứ lắng lòng sẽ hiểu trọn...

Jo trao đổi và cẩn thận kiểm tra mẫu hàng với bà con Kỳ Rỹ. 

Jo là tên gọi thân mật của Josefine Olsson, sinh ra và lớn lên tại TP Toreboda, Thụy Điển, tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế sản phẩm tại London (Anh quốc). Ngoại hình giản dị và dễ thương, nữ thiết kế sinh năm 1986 trông trẻ hơn tuổi nhưng lại rất bản lĩnh, vững vàng. Chúng tôi được chị Phương thuộc Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tại Quảng Trị, đồng thời là phiên dịch cho Jo trong lần trở lại A Xing (H. Hướng Hóa) trong dịp cận Tết 2018 này, tiết lộ nhiều điều thú vị. "Thấy gì khác, lạ Jo đều quan tâm và hỏi "tại sao", như: Tại sao để người điên đi lang thang ngoài đường? Sao nhà sàn của người dân miền núi trông "hiện đại" quá?... Thế nhưng hỏi ngược lại vì sao lại chọn khu vực miền núi để thực hiện giấc mơ dù biết sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí lường đón sẽ có rủi ro kinh tế thì chỉ có thể nói về Jo một cách đơn giản nhất: Vì yêu mà đến.

"Jo đến rồi, đến rồi", bà con Kỳ Rỹ reo như đón người thân trở về. Jo không phải là người trầm lặng nhưng trước tình cảm này của bà con lại không thể dằn cảm xúc lại. Cô nhanh bước và hòa vào vòng tay ríu rít của bà con. Ngược lại năm 2015, Jo sang Việt Nam tham gia dự án "Hand on project" với UMA, Cty chuyên về thiết kế nội thất nổi tiếng thế giới tại Hà Nội. Đất nước hình chữ S xinh đẹp, tự hào với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm đã kéo bước chân Jo đến khắp mọi miền một cách đầy cuốn hút, hấp dẫn. Trong khoảng thời gian này, Jo gặp gỡ nhiều cán bộ nhân viên thuộc Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại Quảng Trị và bắt đầu nghe những câu chuyện kiên cường, anh dũng về người dân thiểu số trên biên ải Hướng Hóa - Đakrông trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Không để dừng lại ở ấn tượng, Jo dấn thân tìm hiểu. Và phút đầu tiên chạm vào ánh mắt mộc mạc, thân thiện, đời sống chân chất của người dân miền núi, Jo thấy tim mình xao xuyến, yêu mến lạ thường. Dường như thiếu thốn vật chất không khiến niềm vui, tự tại trong họ biến mất. Chính vì lẽ đó mà mỗi lúc gặp khó khăn, Jo lại nhớ đến sự hồn nhiên, mộc mạc ấy, thôi thúc cô sống mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian tìm hiểu tập quán, phong tục cũng như tiềm năng của vùng núi Hướng Hóa, Jo quyết định đến gần hơn với tâm nguyện giúp họ dần thoát nghèo. Đó là dự án hợp tác làm sản phẩm đan lát với bản Kỳ Rỹ, xã A Xing xuất khẩu ra nước ngoài dựa trên yếu tố truyền thống bản địa kết hợp thiết kế hiện đại do Jo sáng tác.

Chiếc đèn chụp bằng mây theo mẫu thiết kế của Jo. 

Việc chọn Kỳ Rỹ khiến Jo rất tự tin vì cơ bản MCNV đang thực hiện hỗ trợ một nhóm nghệ nhân đan lát tại đây. Dù vậy, sự mạnh dạn đến táo bạo này của Jo vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng lẫn hoài nghi. "Bà con sống hồn nhiên lắm, làm việc cũng không thích khuôn khổ, quy củ, nếu nhỡ hàng thì... Hay chọn làng nghề nổi tiếng khác", có người góp ý với Jo nhưng không thể lay chuyển được. Khi đang ở Hội An, Jo nhận sản phẩm thử đầu tiên của bà con Kỳ Rỹ mang vào, một niềm xúc động khó tả dâng tràn trong cô. Như viên ngọc, để lâu nay mở ra càng sáng ngời, đôi tay những nghệ nhân đan lát như được đánh thức.

Họ háo hức đón Jo đến với Kỳ Rỹ chính thức trên cương vị của một "đối tác", vừa lạ lẫm nhưng cũng đầy kỳ vọng. Đơn hàng là giỏ, bàn Pa cô, chụp đèn bằng mây tre do chính Jo thiết kế mẫu. "Kỹ thuật cầu kỳ, khó hơn đan sản phẩm truyền thống, đồng thời phải tuân thủ quy trình do Jo đưa ra", ông Hồ Văn Ngãi (71 tuổi) chia sẻ. Nhưng không phụ sự kỳ vọng của Jo, những sản phẩm đầu tiên được Jo đưa sang Thụy Điển, kỳ công hoàn chỉnh "làm đẹp" khâu cuối và giới thiệu tại Hội chợ Fomex ở Stockholm, Thụy Điển vào đầu năm 2016 đã nhận được phản ứng tích cực. Nhiều người lấy làm thú vị, thể hiện sự quan tâm đặc biệt khi biết sản phẩm do người dân Pa Cô của Việt Nam làm ra. Sau thành công bước đầu này, Jo tính những điều lớn lao hơn, nhất là vào năm 2016, hình ảnh sản phẩm được nhiều tạp chí sử dụng và tại thành phố quê nhà, Jo nhận được giải thưởng Doanh nghiệp mới dành cho những người khởi nghiệp thành công, biết vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng bào Pa Cô phấn khởi khi hoàn thành đơn hàng. 

Từ năm 2016 đến nay, người dân Kỳ Rỹ đã hoàn thành nhiều đơn hàng cho Jo. Tuy quy mô chưa lớn nhưng sản phẩm của họ không dừng lại ở Thụy Điển mà được Jo giới thiệu, tiêu thụ ở nhiều nước khác. Trở lại A Xing lần này, Jo trực tiếp kiểm tra lô hàng kịp giao sang Nhật trước Tết Nguyên đán 2018 và tiếp tục đặt đơn hàng mới. "Thêm thu nhập vui Tết, coi như lì xì rồi đây", ông Ăm Nhờ, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã A Xing, đồng thời là trưởng nhóm đan lát Kỳ Rỹ phấn khởi trước tin vui này.

Trong nhiều giờ kiểm tra sản phẩm, chúng tôi để ý Jo dành cho đồng bào một sự tôn trọng, yêu mến và kiên trì đặc biệt. Vẫn là giọng nhẹ nhàng, dịu dàng, Jo chỉ ra những lỗi kỹ thuật mà bà con gặp phải. "Có thể do thời tiết nhưng cũng có thể không làm đúng quy trình kỹ thuật, chẳng hạn bà con không luộc tre mây đúng thời gian đề ra, phơi không đủ nắng dẫn đến sản phẩm bị mốc", Jo vừa giải thích nhưng cũng gần như muốn đợi câu trả lời. "Mấy đợt hàng trước không can chi. Bây chừ vấp phải, có thể mùa này nắng ít, mưa nhiều, với lại có khâu đoạn bà con chủ quan", ông Ăm Nhờ thành thật. Thay vì cáu gắt vì hàng bị hỏng, phí đầu tư nguyên liệu, Jo lại nhờ phiên dịch tận tình dặn dò bà con cặn kẽ. Cũng rút kinh nghiệm từ nhiều lần trước sản phẩm bị lỏng múi, sút, hỏng khiến Jo mất nhiều thời gian hơn để hoàn chỉnh, cô đề nghị luôn bà con đề xuất sáng kiến để khắc phục tình trạng này. Vậy là bà con lại xúm vào nghiên cứu, làm sao để đảm bảo cả hai yếu tố chắc mà phải đẹp. Jo trở thành người truyền cảm hứng như thế...

Chị Phương (MCNV Quảng Trị) và Jo đang kiểm tra sản phẩm dệt thổ cẩm vừa được giới thiệu.

Thi thoảng Jo mới dành ít thời gian cho những câu hỏi cá nhân. "Tôi làm việc chính ở Thụy Điển, không thuê nhà ở ngoài mà vẫn ở chung với bố mẹ để tiết kiệm tiền, đồng thời thu nhập từ Cty thiết kế riêng quy mô nhỏ nên chỉ đủ để tôi trang trải chi phí qua về, làm việc tại Việt Nam, còn lại phải làm thêm bán thời gian cho Cty khác nữa để phục vụ cho những dự án lớn hơn", Jo chia sẻ. Thực tế cũng cho thấy việc kinh doanh mặt hàng đan lát của đồng bào Pa Cô sang nước ngoài Jo vẫn chưa mang đến nhiều lợi nhuận nhưng mục tiêu lớn của cô là giúp Kỳ Rỹ thành làng nghề đan lát có tiếng tăm, đưa mức sống của người dân ngày càng cao hơn. Vẫn biết đó là cả một hành trình dài, đầy khó khăn song một người đầy tâm huyết như Jo sẽ không bao giờ bỏ dở ước mơ đó.

Lan tỏa tinh thần ấy, hay tin Jo về A Xing, nhiều tổ dệt thổ cẩm ở vùng nam Hướng Hóa đã chủ động tới giới thiệu sản phẩm. Thay vì người tìm cơ hội phấn khởi thì Jo hào hứng hơn. Xuýt xoa, ngạc nhiên cầm trên tay tấm vải thổ cẩm mền đẹp, cô lại thấy đại ngàn đang vẫy gọi mình, níu chân ở lại. Dường chưa gặp gỡ đã lưu luyến, và chưa rời bước lòng đã nặng đầy nhớ thương.

BẢO HÀ