Kể chuyện bút danh

Thứ sáu, 18/09/2015 09:11

(Cadn.com.vn) - Sách "Kể chuyện bút danh nhà văn" của TS Lê Hữu Tỉnh và nhà thơ Phạm Khải biên soạn, được NXB Giáo dục cho ra mắt bạn đọc đã đề cập đến một đề tài khá thú vị, đó là bút danh. "Cái tên mà người sáng tác đặt dưới tác phẩm sáng tạo của mình, điều giản dị là vậy mà lại có thể là tín hiệu cho ta biết thêm một điều gì đó về một cuộc đời, hé mở một khía cạnh sâu kín nào đó của tâm hồn. Cái tên lúc này là một "thương hiệu" theo cách nói của thời hiện đại..." (Trích lời giới thiệu- Ma Văn Kháng).

Một trong những bút danh ở làng văn, lâu nay gần như ai cũng biết và biết nhiều nữa là khác, đó là Bút Tre. Từ một bút tre Đặng Văn Đăng (nguyên Phó ban Tuyên giáo tỉnh Phú Thọ, mất 18-5-1987) cởi mở ngộ nghĩnh với những vần thơ một thời lưu truyền như "Hoan hô đại tướng Võ Nguyên- Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về" hay "Anh đi đồng ruộng lắng nghe- Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn (trích bài Anh Thanh lại vê)... đã lan tỏa tạo ra vô số những câu thơ tươi rói mang màu sắc bút tre nhưng không phải của Đặng Văn Đăng kiểu: "Hôm nay trời nhẹ lên cao- Anh Ga ga rỉn bay vào vũ tru". Điều không phải ai cũng biết Đặng Văn Đăng lấy bút danh này cũng thật bất chợt và thích thú khi bắt gặp mấy câu thơ của Tố Hữu, trong bài Trường tôi. Những câu thơ đó là:"Lại đây ơi bạn mình ơi, trường tôi vang giọng rộn lời nước non, ta nghèo không mực thì son, bút tre, phấn gạch, bà con tạm dùng".

Một bút danh thường đánh đố nhà in đó là tác giả của tập truyện ngắn nổi tiếng "Chân trời cũ", tập thơ "Quê ngoại"  Hà Triệu Anh (Tức Hồ Dzếnh). Mỗi khi tác phẩm của tác giả này đến công đoạn giám sát cuối cùng để in, chí ít người biên tập đều ghi chú bên lề bản thảo, rằng tên ông đích thực là như vậy, bởi không sẽ xảy ra trường hợp người sửa bản in thấy chữ z kia "vô lý" quá cứ ngỡ người đánh máy nhầm sẽ bỏ đi. Hay như bút danh nhà thơ Lê Văn Bầu tức Lê Bầu...Khoảng những năm 50 thế kỷ trước, Lê Bầu được chọn đi học ở Trung Quốc. Các thầy giáo cả ta lẫn Tàu đều không biết viết tên Bầu bằng chữ Hán. Không ghi được Bầu họ ghi thành Biều (nghĩa là quả bầu) Một lần Lê Bầu được cử đi làm phiên dịch tại Trung Quốc. Vì hộ chiếu tập thể nên ông không biết phía ta ghi tên ông bằng chữ Hán như thế nào. Khi phía bạn phát giấy làm tờ khai, nhớ chuyện cũ ông bèn ghi Lê Biều, phía bạn xem giấy không chấp nhận vì hộ chiếu chung cả đoàn thì tên ông là Lê Văn Cử. Thì ra một ai đó ở Bộ Ngoại giao ta, không biết ghi chữ Bầu thế nào mới ghi chữ Cử (bầu cử).

Vũ Bão-bút danh của nhà văn với tên rất nghiêm trang là Phạm Thế Hệ. Phạm Thế Hệ thuộc lớp người trưởng thành khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go. Hào khí tuổi trẻ nhìn sang các bạn viết cùng lứa ông cảm thấy bị mê hoặc bởi tinh thần cách mạng như Thép Mới, Tre Xanh, Lửa Hồng thế là ông dùng cho mình bút danh Vũ Bão. Nhà văn Vũ Bão tâm sự, cũng có lúc ông cảm thấy ân hận vì giây phút "hăng tiết vịt" của mình. Bây giờ đi đâu người ta giới thiệu tên mình là Vũ Bão, ông không khỏi cảm giác sượng sùng vì cái tên nghe "mưa gió" thế song bên ngoài là một ông già thấp bé, bước chân tập tà tập tễnh. Bút danh Vũ Bão còn có chuyện hài. Gần đây một kiến trúc sư tên khai sinh là Vũ Bão nhưng nổi máu viết văn thấy trước mình đã có "sư huynh" Vũ Bão án ngữ rồi, nên đành đổi tên là Bão Vũ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa năng khiếu phát lộ từ năm lên 8 tuổi. Trong bài thơ đầu tay gửi đăng báo Văn Nghệ thời ấy, Khoa đã ghép tên em gái Trần Thị Thúy Giang vào tên mình thành bút danh Trần Giang Khoa nhưng thật thú vị, dưới bài thơ đăng báo đó,  Khoa đã mắc lỗi chính tả khi viết Giang thành Dang (Trần Dang Khoa). Bác biên tập nào đó đã sửa chữ Dang thành Đăng vì nghĩ rằng nhà thơ nhí viết nhầm. Lại có người cho rằng khi xếp chữ, nhà in đã xếp chữ Dang thành Đăng. Chỉ biết rằng sau đó bút danh trời cho Trần Đăng Khoa ra đời.   

Bút danh các nhà văn còn gắn những địa danh mà nhà văn nặng lòng với quê hương hay tên của những người thân yêu, thú chơi chữ, dấu ấn cá tính, sở thích, quan niệm... Riêng với nhà thơ Bùi Minh Quốc, chồng của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, khi chị Quý vào Nam công tác viết văn, Dương Thị Xuân Quý lấy bút danh Dương Thị Minh Hương. Tháng 3-1969 chị Dương Thị Xuân Quý  đã anh dũng hy sinh để lại sự đau xót,  tiếc nuối trong lòng gia đình, bè bạn. Những năm tháng đó nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng lăn lộn chiến đấu và làm báo ở Tạp chí văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ. Sau cái chết dũng cảm và thương tâm của vợ, dưới những bài viết mới, Bùi Minh Quốc ký bút danh Dương Hương Ly (lấy tên con gái Bùi Dương Hương Ly).

Như vậy nếu cái tên Bùi Minh Quốc gắn với bài thơ được giải, nổi tiếng như Lên miền Tây, tràn đầy lý tưởng, ước mơ thì cái tên Dương Hương Ly gắn với bài thơ quen thuộc, cảm động: Bài thơ hạnh phúc, nói về những mất mát, nỗi đau ly biệt. Âm hưởng bút danh Dương Hương Ly vừa gợi sự êm ái, vấn vương, vừa gợi sự chia lìa, ly biệt... Cái tên đặt dưới mỗi bài viết cũng là một thứ danh hiệu cao quý, một thứ của cải tinh thần trân trọng. Chuyện về bút danh nhưng cũng là chuyện của cuộc đời.

Võ Văn Trường