“Kẻ khủng bố” trong khủng hoảng Vùng Vịnh

Thứ bảy, 10/06/2017 10:00

(Cadn.com.vn) - Khủng hoảng Vùng Vịnh lại leo thang lên mức mới, đầy nguy hiểm khi các quốc gia Arab liệt kê hàng chục người, với cáo buộc liên quan đến Qatar, vào danh sách khủng bố. Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng, đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc gắn mác “khủng bố” không chỉ là công cụ chính sách đối ngoại của Mỹ và các đồng minh mà còn hơn thế nữa.

Ngày 9-6, 4 quốc gia Arab cắt đứt quan hệ với Qatar, gồm Saudi Arabia Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain, đã liệt hàng chục người với cáo buộc liên quan đến Qatar, vào danh sách khủng bố, dấy lên căng thẳng đe dọa sự ổn định trong khu vực.

Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Sabah (trái) nắm tay Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Al Thani khi đến Doha hôm 7-6 với vai trò trung gian giúp chấm dứt khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay. Ảnh: AP

“Danh sách đen”

Trong tuyên bố được hãng tin của Saudi Arabia đăng tải, cả 4 nước đã liệt 59 người, trong đó có thủ lĩnh tinh thần Yousef al-Qaradawi của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) và 12 thực thể khác, trong đó có các tổ chức từ thiện của Qatar, vào danh sách trên. Trong danh sách khủng bố mới cập nhật, có 18 người Qatar, 5 người Libya, 26 người Ai Cập, 3 người Kuwait, 2 người Jordan, 2 người Bahrain, 1 người UAE, 1 người Saudi Arabia và 1 người Yemen.

Động thái trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Qatar Muhamad ben Abdurahman Al Tani tuyên bố sẽ “không đầu hàng” và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào chính sách ngoại giao của nước này. Ngoại trưởng Al Tani nhấn mạnh, họ chưa từng đối mặt với tình trạng bị hành xử thù địch như vậy, ngay cả từ một quốc gia kẻ thù.

Qatar ngay sau đó cũng bác bỏ danh sách đen khủng bố nhằm vào những cá nhân ở nước này, vốn bị cáo buộc hỗ trợ cho các nhóm chiến binh Hồi giáo. “Tuyên bố chung gần đây của Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE về “danh sách khủng bố này một lần nữa củng cố những cáo buộc vô căn cứ”, tuyên bố của chính phủ Qatar nêu rõ đồng thời khẳng định thêm, Qatar không bảo trợ các nhóm khủng bố. Ngoại trưởng Qatar còn mô tả việc các quốc gia Arab có thế lực phong tỏa Qatar là một hành động vi phạm luật quốc tế, đồng thời tiết lộ hiện đang tồn tại một nỗ lực bôi xấu hình ảnh tiểu vương quốc Vùng Vịnh này trong mắt dư luận quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, danh sách khủng bố lần này là một phần được dự đoán trong “chính sách Qatar” hiện nay. Họ cho rằng, đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc gắn mác “khủng bố” không chỉ là công cụ chính sách đối ngoại của Mỹ và các đồng minh mà còn hơn thế nữa.

Từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-GCC

Mọi việc bắt đầu từ ngày 21-5 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn đầu tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng tại Saudi Arabia, với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và nhiều đồng minh quan trọng trong khu vực để khẳng định cam kết của Washington đối với cuộc chiến chống khủng bố.

Chỉ 2 tuần sau đó, người ta tự hỏi liệu GCC có đi xuống giống như nhiều sự kiện vốn đã thất bại khi có được sự bảo vệ của thương hiệu Trump hay không. Ở Riyadh, tất cả lãnh đạo tham gia đều nhất trí với chủ đề chung của bài phát biểu “khủng bố là xấu xa” của ông Trump. Họ hoan nghênh, chạm vào quả cầu rực rỡ, và trở về nhà cam kết chiến đấu với những mối hiểm họa đang rình rập. Tuy nhiên, khi chuyên cơ Không lực 1 rời khỏi Riyadh, các chính phủ Arab mở cuộc tấn công bằng ngoại giao và phương tiện truyền thông phối hợp nhằm vào quốc gia nhỏ bé Qatar lân cận, cáo buộc Doha bảo trợ khủng bố.

Ngày 5-6, Saudi Arabia và UAE cùng với Ai Cập và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha bảo trợ khủng bố. Ngày hôm sau, ông Trump viết trên Twitter, ủng hộ nhiệt tình việc phong tỏa đồng minh lâu năm của Mỹ, góp phần đẩy Vùng Vịnh vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy. “Thật thỏa mãn khi thấy chuyến thăm Saudi Arabia mang lại kết quả. Họ nói sẽ cứng rắn với việc bảo trợ chủ nghĩa cực đoan và mọi con đường đều chỉ đến Qatar”, ông Trump viết.

Do ai, vì sao?

Thật ra, theo tiết lộ của tờ Intelligence Online, tại hội nghị thượng đỉnh ở Saudi Arabia, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani muối mặt khi bị Tổng thống Trump chỉ trích nặng nề. Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Doha tài trợ các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria và thậm chí còn đe dọa liệt nhóm MB, mà Qatar được cho là bảo trợ, vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump cho đến nay chấm dứt việc chính thức chỉ định MB là “tổ chức khủng bố”, nhưng Washington xác nhận quan điểm cho rằng, cần xem lại việc này. Theo báo cáo rò rỉ gần đây của Đại sứ UAE tại Washington, UAE sử dụng các nguồn lực đáng kể để vận động các quan chức Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính quân sự năm 2013 nhằm chấm dứt bạo lực vào thời điểm cách mạng Ai Cập bùng nổ và sự chuyển đổi yếu ớt của chế độ dân chủ do đảng chính trị MB thống trị.

Trong khi đó, Qatar cũng dần che khuất hình ảnh của Saudi Arabia, lãnh đạo khu vực được giao nhiệm vụ giải quyết tranh chấp dân sự, thường xuyên tổ chức các phe phái mâu thuẫn ở Afghanistan, Sudan, Lebanon và Palestine để đàm phán hòa giải. Vào những thời điểm khác, Qatar hỗ trợ sự nổi lên của các trung tâm quyền lực thay thế xung quanh khu vực, khởi động mạng lưới Al-Jazeera vào năm 1996 với mục đích đưa ra những quan điểm mà phần lớn bị các chế độ độc tài trong khu vực đàn áp.

Hầu hết những lời buộc tội hiện tại chống lại Qatar đều bắt đầu từ năm 2010. Không giống các quốc gia láng giềng, Qatar ủng hộ việc dỡ bỏ các chế độ độc tài ở Ai Cập và Tunisia. Nhưng đổi lại được gì? Qatar hiện đang đối mặt với tình trạng bị cô lập, bị hành xử như thù địch trong chính ngôi nhà GCC của họ.

Khả Anh

Phản ứng của Việt Nam về căng thẳng ngoại giao ở Vùng Vịnh

Tại cuộc họp báo ngày 9-6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cho biết phản ứng của Việt Nam về tình hình căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và một số quốc gia Vùng Vịnh.

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước Trung Đông nói chung, các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nói riêng. Việt Nam mong muốn các nước sớm thiết lập đối thoại nhằm tìm ra các giải pháp đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan, vì lợi ích của nhân dân các nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực”.

TTXVN