Kế Môn - nỗi niềm xứ Huế

Thứ ba, 20/07/2021 18:00

Kế Môn, quê hương trong tôi là một công trình nghiên cứu mà tác giả Hoàng Dục đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian để viết. Đặc biệt là tình cảm đối với nơi nhau rốn của một đời xa quê luôn thắc thỏm yêu thương nguồn cội trở thành nỗi ám ảnh như một món nợ suốt cả đời người cần phải trả, được viết bằng một tâm thế của một người trở về tìm lại "dấu xưa xe ngựa" giữa bộn bề của bể dâu thế sự về một ngôi làng còn lưu giữ truyền thống văn hóa nổi tiếng của đất thần kinh.

Bìa sách Kế Môn quê hương trong tôi. 

Kế Môn là làng nghề Kim hoàn truyền thống nổi tiếng của cả nước. Vua Khải Định đã sắc phong ghi ân cho hai vị khai sáng nghề Kim hoàn nước ta là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương là thần Dực Bảo Trung Hưng (thần Bảo vệ dân chúng an cư và trung hưng nghề nghiệp). Chính với "tinh thần sáng tạo, trí óc mẫn tuệ, họ đã đưa kỹ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc, đồ trang sức ở cung đình lên nấc thang giá trị nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ cao". Đã hơn 200 năm kể từ ngày khai sinh nghề, người làm nghề kim hoàn đã tạo dựng tên tuổi và sự nghiệp làm nghề không chỉ trong nước mà còn vang danh ở nước ngoài. Trải qua những thăng trầm thế sự, dẫu có khi khó khăn trở ngại nhưng những người làm nghề đã biết tiếp truyền niềm đam mê, chịu bao khổ lụy để học nghề của các vị tổ nghề khẳng định ý thức dân tộc về nghề của người Việt để lưu giữ và phát triển nghề của quê hương.

Kế Môn là ngôi làng duy nhất suốt dải đất Ngũ Điền có Văn thánh điện thờ Đức Khổng Tử Vạn thế sư biểu, luôn xem sự học là tối quan trọng. Làng có hai vị đại khoa: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai khoa Quý Mão (1843) và Đình nguyên Hoàng giáp Trần Dĩnh Sĩ khoa Ất Mùi (1895). Về cụ Trần Dĩnh Sĩ là một trường hợp đặc biệt bởi một "sắc phong của vua Duy Tân" lại dành cho phụ thân của ngài, người đã "thành tựu nuôi dưỡng con cái bằng đạo đức của người xưa, dạy con có nghĩa phương, có năng lực làm quan và biết khuyên con giữ chữ trung".

Đọc lại sắc phong, mới thấy rằng "cha ông xưa đã quý người tài đến nhường nào. Bậc vua chúa ngày xưa đã nhận thức rõ "hiền tài là nguyên khí quốc gia" (Thân Nhân Trung)". Phụng chiếu ban ân của nhà vua dành cho phụ thân của cụ Thượng Hoàng giáp nhưng vẫn không quên khẳng định tài năng, đạo đức, phẩm chất của vị Hoàng giáp bằng những lời lẽ trân trọng đối với kẻ sĩ Hoàng đế định rằng, người quân tử có hiếu làm vẻ vang cho cha mẹ, không gì bằng để lại danh tiếng nơi triều đình…

Nỗi tự hào lớn nhất của đất học Kế Môn là nơi đã sản sinh ra nhà tân học Nguyễn Lộ Trạch. Hoàng Dục đã dành 2 bài chuyên khảo (Nguyễn Lộ Trạch, "Trị an" qua áng văn chương; Kỳ Am, cây quỳ cô đơn) và dịch 14 bài thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt của Nguyễn Lộ Trạch). Đây là những bài viết khá kỳ khu. Tác giả không đề cập nhiều đến "Thiên hạ đại thế luận" chỉ tập trung đi sâu vào phân tích tư tưởng "trị an" đã chi phối mọi hành động của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch. Khi đất nước đang đứng trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, thì "trị an" có nghĩa là "làm cho đất nước sạch bóng quân thù, dân tộc tự do, dân chủ, quốc gia hưng thịnh trong xu thế hiện đại.

Nói gọn hơn, "trị an" có nghĩa là an quốc, an dân theo hướng duy tân mà chí sĩ Phan Châu Trinh đề ra sau này: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Là một con người có đủ điều kiện để thăng tiến trên con đường hoạn lộ nhưng Nguyễn Lộ Trạch dù là người thông minh, uyên thâm Nho học nhưng không đi thi, không chọn con đường làm quan bằng khoa cử. Học vấn đối với ông là con đường thực học hướng đến bằng tư tưởng và hành động duy tân đất nước. Ông chỉ muốn "nhận thức lại giá trị của cái học từ chương… đóng khung lại trong Tứ thư, Ngũ kinh, chế độ thi cử lấy văn sách, thơ phú để chọn người tài không còn phù hợp với thời cuộc". Tư tưởng của ông, muốn đất nước độc lập tự cường phải đổi mới chính trị và giáo dục, giáo dục theo ông là giáo dục thực nghiệm, "mở mang dân trí, canh tân nước nhà theo hướng khoa học tiên tiến" của phương Tây.       

Với vốn hiểu biết Hán Nôm khá rộng nên khi tiếp cận thơ ca bằng chữ Hán của Nguyễn Lộ Trạch đã giúp tác giả đào sâu vào góc khuất thế giới nội tâm đầy ẩn ức, nỗi trăn trở, tư duy nhạy bén, khí chất của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch. Sau khi "Thiên hạ đại thế luận" bị vua Tự Đức bỏ ngoài tai "nói sao cao quá", bao nhiêu niềm u uẩn của cuồng sĩ Kỳ Am đều ký thác vào thơ ca. Tiếng thơ ấy vẫn là một mạch ngầm xúc cảm của một tấc lòng canh cánh trước vận nước nổi trôi. Thế giới thơ ca Nguyễn Lộ Trạch gói gọn trong 2 chủ đề chính: "Tiếng thơ đau đáu thương lo vận nước và tiếng thơ ngưỡng vọng và giao tình với những nhân sĩ yêu nước". Giữa gió bão trầm luân thời cuộc, nhà tân học lỗi lạc "thông kim bác cổ" Kỳ Am đã như một Cây quỳ cô đơn trong thế giới thi ca chỉ biết thắp đèn đi trong đêm tối để tìm người tri âm "Lòng đau không thể níu tà huy/ Song vắng một mình đọc Thức Vi"…

Những chuyên luận khảo cứu về những di tích văn hóa lịch sử xưa của làng luôn được diễn ngôn bằng một góc nhìn của quá khứ trong dòng chảy của thời gian tiếp diễn với hiện tại, những tích tụ, lưu giữ, nâng niu để tồn tại phát triển và tỏa hương với những bài viết Tản mạn chuyến về khánh thành đình làng, Về quê ngồi chuyện phiếm, Hướng dẫn viên du lịch tay ngang, Cái nắng quê nhà, Huyền thoại Ô Lâu…

Bằng sự cảm thấu tinh tế văn chương, anh vẫn là người miệt mài với cái đẹp bằng những phát hiện nhẹ nhàng sâu thẳm đầy mỹ cảm với thơ ca. Với Nguyễn Thành Nhơn là niềm tưởng nhớ với người tình cố quận bởi "những vọng âm của từng con sóng xa" để ngậm ngùi đau đớn bởi một trái tim cô lẻ "để ta tìm kiếm bạc đầu tương tư" (Bạc đầu tương tư). Với thơ ca của Hoàng Ngọc Ẩn, là "dòng chảy tình cảm mang phù sa của ký ức tập thể, ký ức của người Việt xa xứ" của một "tâm hồn ăm ắp tình quê, căng phồng giấc mơ hồi hương của cánh chim giữa trời chiều đất khách" (Trên triền ký ức khói sương). Với Hoàng Ngọc Châu là một Không gian thơ phấn vàng bay của một "vũ trụ như khoác lên mình chiếc áo vàng mơ lóng lánh", một không gian thơ đầy yêu thương với quê hương, hương vị ngọt ngào của tình yêu, nỗi nhớ về "những chốn xưa vàng rơi mấy độ"…

Cổng làng Kế Môn.

Những phân tích, cảm nhận luôn muốn tạo dựng một chân dung thơ với những nét riêng, tạo cho vườn thơ phong phú những bông hoa rạng rỡ sắc màu, mỗi người mỗi vẻ. Anh tiếp cận thơ ca không phải "chẻ sợi tóc làm tư, tìm cho được mạch nguồn lạch sông, như thế lắm lúc làm hỏng thơ. Thơ hút nhụy từ cuộc sống nhưng được thăng hoa bởi tâm hồn người làm thơ". Đó là cách tiếp cận với thế giới thi ca đầy nữ tính của Hoàng Xuân Thảo, một tâm hồn thơ trong tình yêu đôi lứa vốn chỉ để thể hiện sự giãi bày. Một nhà thơ nữ khác, Lệ Phi với một không gian bao trùm của những cơn mưa của đất trời kỷ niệm "Em đi về chốn chiêm bao/ Hoa vàng từ độ rơi vào hư không…". Thật thú vị, Kế Môn là một làng nghề kim hoàn truyền thống nổi tiếng, đọc lại Vườn thơ Kế Môn mới biết đó còn là ngôi làng của thơ ca.

Kế Môn, quê hương trong tôi là một công trình biên khảo với phương pháp nghiên cứu tư duy khoa học, những đúc kết phân tích khả tín nhưng bàng bạc trong đó ăm ắp một nỗi niềm cố xứ, bằng tâm thức của cái tôi trữ tình khắc khoải niềm yêu thương "quê quán tôi xưa", với một thứ ngôn ngữ bay bổng, giàu hình ảnh, tràn đầy cảm xúc dưới nhãn quan và tâm tình của một nhà văn. Ngôi làng ấy xứng đáng là ngôi làng di sản. Có lẽ nhờ vậy Kế Môn, quê hương trong tôi đã tạo ra một sức hấp dẫn cho người đọc không chỉ với người làng Kế Môn mà với tất cả những ai còn yêu mến ngôi làng của mình.

Hồ Sĩ Bình