"Kẻ tội đồ" Ratko Mladic trả giá

Thứ tư, 16/05/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Phiên tòa xét xử tướng Ratko Mladic, cựu Tư lệnh quân đội Serbia tại Bosnia-Herzegovina bị cáo buộc tội ác chiến tranh thời kỳ 1992-1995, chính thức bắt đầu sau gần 20 năm chờ đợi.

Ratko Mladic, 70 tuổi, xuất hiện với vẻ "bất cần", bước vào phòng xử án ở The Hague, Hà Lan. Ông ta mặc một bộ đồ đen, đeo cà vạt, trông như một người đi dự "hội nghị lớn". Nhưng khi nghe các công tố viên đọc tuyên bố các cáo trạng, ông ta bắt đầu la hét.

Phiên tòa diễn ra ngày 16-5 tại The Hague thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở Serbia, Bosina và trên toàn thế giới. Hàng trăm người đã tụ tập trước cổng tòa án, kêu gọi xử lý thật nghiêm "kẻ tội đồ" Mladic. Khi nhìn thấy Mladic đến tòa, những người tham dự tỏ ra rất bức xúc, la hét đòi xử tội "kẻ giết người"Mladic. Những người sống sót, những bà mẹ từ Srebrenica kêu gào và yêu cầu ông ta nên nhận tội. Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại Nam Tư cũ (ICTY) cáo buộc Mladic 11 tội danh, trong đó có các tội ác diệt chủng chống loài người. Phiên tòa này có thể sẽ kéo dài vì ICTY dự định mời 410 nhân chứng xác nhận lời các cáo buộc trên đối với tướng Mladic.

 Ratko Mladic (giữa) tại phiên tòa ngày 16-5 ở Hà Lan. Ảnh: Reuters

Mladic, sinh năm 1942 tại làng Kalinovik ở Bosnia, nhưng phần lớn sống ở Nam Tư cũ và trở thành một quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội Nhân dân Nam Tư. Khi Nam Tư tan rã vào năm 1991, ông ta nắm quyền chỉ huy Quân khu II quân đội Nam Tư, đóng tại Sarajevo. Tháng 5-1992, Quốc hội Serbia tại Bosnia biểu quyết thành lập quân đội Serbia tại Bosnia, và bổ nhiệm Mladic làm chỉ huy, tạo ngã rẽ bước ngoặt trong cuộc đời vị tướng này.

Năm 1995, các lực lượng Serbia tại Bosnia tấn công dữ dội vào Srebrenica bằng pháo kích và tên lửa trong vòng 5 ngày, trước khi tướng Mladic tiến vào thị trấn. Ngày hôm sau, các xe buýt đến đón phụ nữ và trẻ em đang trú tại Srebrenica, đưa tất cả đến vùng lãnh thổ người Hồi giáo. Trong khi đó, toàn bộ đàn ông và bé trai Hồi giáo từ 12 -77 tuổi bị giữ lại để "thẩm vấn về những tội ác chiến tranh có thể". Trong 5 ngày sau khi các lực lượng Serbia tại Bosnia tràn vào Srebrenica, ít nhất 8.000 nam giới và các bé trai Hồi giáo đã bị sát hại, trong vụ thảm sát tồi tệ nhất ở Châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Năm 1995, tướng Mladic bị ICTY buộc tội diệt chủng vì trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây kéo dài 2 năm và làm 11.000 người thiệt mạng trong suốt thời kỳ chiến tranh Bosnia- Srebrenica (1992-1995). Ông ta từng sống một cách khá thoải mái ở thủ đô Belgrade, nhưng bất ngờ biến mất sau vụ bắt giữ cựu Tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milosevic năm 2001 rồi bất ngờ sa lưới vào tháng 5-2011, chính thức khép lại cuộc truy lùng gắt gao nhất Châu Âu ròng rã 16 năm.

Ông ta sau đó bị dẫn độ đến Hà Lan. Tuy nhiên, từ ngày bị giam giữ, Mladic không hề ăn năn mà còn tỏ ra thách thức công lý. Tại phiên tòa này, ông ta thậm chí đã "đưa một ngón tay cắt qua cổ họng" - một cử chỉ nhằm vào một số góa phụ Srebrenica. Vào những lúc khác, ông ta la hét, phá vỡ các thủ tục tố tụng và từ chối bào chữa và nói rằng sức khỏe rất yếu?!. Trong phiên xử hồi tháng 7-2011, ông ta cũng bị đuổi khỏi tòa khi liên tục cãi lời thẩm phán, la hét và giật tai nghe phiên dịch.

Chỉ trước phiên xử án 2 ngày, luật sư của ông ta đệ đơn thỉnh nguyện tòa hoãn phiên tòa xét xử 6 tháng vì lý do "thân chủ không được khỏe". Tuy nhiên, phiên tòa vẫn tiến hành như kế hoạch. "Các nạn nhân chờ đợi gần hai thập kỷ để được nhìn thấy cảnh này, cảnh Ratko Mladic phải trả giá cho những tội ác của mình", Param-Preet Singh, chuyên gia tư vấn trong Chương trình Tư pháp quốc tế của Tổ chức Theo dõi nhân quyền thế giới (HRW) tuyên bố tại tòa, lý giải nguyên nhân ICTY phải mở phiên xét xử này.

Phiên tòa mang tính bước ngoặt này diễn ra sau phiên tòa lịch sử ngày 27-4 xử tội cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor. Vị chính trị gia này đi vào lịch sử thế giới thời hiện đại khi trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị một tòa án quốc tế kết tội kể từ sau các phiên xét xử lãnh đạo phát-xít tại một tòa án do LHQ bảo trợ ở Nuremberg, Đức sau Thế chiến II (1945 -1946). Ông Taylor hiện bị đề nghị mức án 80 năm tù giam. Cả hai phiên tòa  này là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy xu hướng hiện nay là phải đưa những kẻ tội ác ra trước công lý, cho dù người đó là ai.

Tuy nhiên, cựu Tư lệnh Mladic hoàn toàn bác bỏ mọi cáo buộc của ICTY. "Cả thế giới biết tôi là ai. Tôi là tướng Ratko Mladic bảo vệ người dân của tôi, của đất nước tôi ... bây giờ tôi đang bảo vệ bản thân mình", Mladic từng nói như thế trong phiên điều trần vào năm ngoái.

Trúc Linh