Kênh đào Panama - 100 năm phát triển

Thứ hai, 18/08/2014 08:39

(Cadn.com.vn) - Kênh đào Panama ra đời cách đây 100 năm. Đó là công trình vĩ đại của kỹ thuật mang lại cuộc cách mạng thương mại toàn cầu. Hơn một triệu con tàu đi qua con kênh dài 80km trong thế kỷ qua. Nhưng những gì Kênh đào Panama sẽ tiếp tục mang lại cho các nước nhỏ ở Trung Mỹ trong 100 năm tới là không hề nhỏ.

Nếu số lượng các tòa nhà chọc trời là dấu hiệu cho thấy, tham vọng của một quốc gia, Panama đạt đến đỉnh cao bởi thành phố mang tên con kênh quan trọng này có đầy đủ các căn hộ chung cư cao chót vót, và nhiều tòa nhà mới vẫn tiếp tục mọc lên. Thành phố được mệnh danh là Dubai của Châu Mỹ La tinh, nhưng trong khi tham vọng của Dubai sụp đổ trong năm 2009 sau thất bại trong việc trả nợ, Panama thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu tương đối nguyên vẹn.

Từ năm 2008, đất nước chứng kiến tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 8%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Panama không trải đều. Có sự khác biệt hoàn toàn giữa thành phố Panama và phần còn lại của đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 1/3 dân số Panama sống trong nghèo đói. Ở nông thôn, con số này ở mức 60%.

Kênh đào Panama là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước.

Giúp thay đổi cuộc chơi

Động cơ cho sự tăng trưởng Panama là kênh đào Panama đi qua nước này.

Panama nắm quyền kiểm soát kênh đào từ Mỹ vào năm 2000, và kể từ đó Panama được đánh giá cao trong cách xử lý các hoạt động. Lệ phí quá cảnh mang lại khoảng 1 tỷ USD/năm cho chính phủ. Michael Henderson, nhà kinh tế Châu Mỹ La tinh của Maplecroft cho biết: “Đường thủy chiếm chưa tới 5% nền kinh tế, nhưng hoạt động dịch vụ cảng, hậu cần và vận chuyển thúc đẩy sự đóng góp cho đất nước 3,5 triệu người này”, ông Henderson nói.

Mặc dù kênh Panama là quan trọng đối với Panama, nó chỉ đáp ứng  5% thương mại toàn cầu. Điều này buộc Panama phải mở rộng để theo kịp. Các tàu container lớn đi qua kênh chỉ cách chiếc bên cạnh vài cen-ti-mét. Các tàu chở dầu mới không thể đi qua. Đó là lý do tại sao Panama quyết định chi hơn 5 tỷ USD mở rộng kênh đào - dự án bị chậm trễ do những tranh chấp pháp lý, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm tới.

“Việc mở rộng là nhằm đáp ứng mô hình thương mại mới. Khi Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu toàn cầu trong những năm 2000, kênh đào Panama bắt đầu một loại hình kinh doanh mới, nối liền Bắc Kinh tới bờ biển phía đông Mỹ”, Jean-Paul Rodrigue của Đại học Hofstra ở New York cho biết. Tại thời điểm này, con tàu lớn nhất chở 5.000 container có thể đi qua kênh. Sau khi mở rộng, kênh có thể tiếp nhận các tàu chở 12.000 container cũng như sẽ tăng gấp đôi công suất của các tàu chở hàng rời.

Đối thủ mới

Panama cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên toàn thế giới. Kênh đào Suez vừa công bố kế hoạch mở rộng. Và Nicaragua hồi tháng trước công bố chi tiết về con kênh nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo ông Rodrigue, kênh đào Nicaragua là dự án khả thi về kỹ thuật, nhưng không mang lại nhiều lợi ích về thương mại vào thời điểm này. “Ông Rodrigue cũng tỏ ra hoài nghi đối với hoạt động kênh Nicaragua. Khi xây dựng dự án cơ sở hạ tầng như vậy, một trong những tiêu chí lớn nhất là niềm tin và sự ổn định chính trị”, ông Rodrigue nhận định.

Dù tăng trưởng kinh tế ổn định, cựu Tổng thống Ricardo Martinelli vẫn bị chỉ trích là nhà lãnh đạo tham nhũng. Tân tổng thống mới Juan Carlos Varela hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi và minh bạch hơn. Ông Varela sẽ được đánh giá dựa trên sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Việc mở rộng kênh sẽ giúp duy trì tầm quan trọng của Panama trong vận chuyển toàn cầu, nhưng nhiều người dân Panama muốn hưởng lợi từ các khoản thu nhập tăng thêm.

An Bình
(Theo BBC)