“Kéo” trẻ khỏi thế giới bạo lực của game (Bài 2: Chủ động phòng ngừa việc trẻ sa đà vào game)

Thứ ba, 14/09/2021 07:35

Trẻ nghiện game bạo lực thường bị ảnh hưởng tâm lý, ám ảnh cách giải quyết côn đồ, man rợ nên trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm của những hành vi bạo lực ngoài đời. Thời gian qua, các vụ cố ý gây thương tích do thanh thiếu niên gây ra có chiều hướng gia tăng.

Tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các nguy cơ và biện pháp sử dụng mạng an toàn. (Ảnh chụp tháng 4-2021) 

Thiếu tá Phan Minh Viên- Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự- Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, nhiều vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ nhưng do tính cách bốc đồng, thích thể hiện của tuổi mới lớn đã dẫn đến cách giải quyết chưa đúng. Đơn cử vào tháng 6-2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã khởi tố 15 đối tượng có hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và khởi tố 3 đối tượng khác về hành vi: “Cố ý gây thương tích”. Đây là nhóm đối tượng sử dụng hung khí vô cớ chém trọng thương một thiếu niên khác tại Cung thể thao Tiên Sơn. Đa số các đối tượng gây án đều chưa đủ 18 tuổi và đang là học sinh của một số trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cũng trong tháng 6, Công an quận Cẩm Lệ cũng đã kịp thời ngăn chặn 2 nhóm thiếu niên chuẩn bị hung khí hỗn chiến. Đây cũng là 2 nhóm game có tên “Tân Lệ Thiên” và “Thiên Đường” do nhóm đối tượng từ 14 đến 18 tuổi lập ra. Trong tin nhắn của nhóm, Công an phát hiện có nhiều hình ảnh liên quan các đối tượng đang tàng trữ nhiều hung khí tự chế. Công an đã thu giữ 7 cây chỉa, 2 dao phóng lợn cùng nhiều đao kiếm khác.

Theo Thiếu tá Viên, để hạn chế tình trạng này, ngoài công tác khoanh vùng, quản lý các đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật trên địa bàn, cơ quan Công an sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phối hợp với nhà trường, gia đình quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ chủ động tuần tra, phát hiện, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa các nhóm thanh, thiếu niên...

Nhóm thiếu niên lập hội game, tự chế hung khí để đi giải quyết mâu thuẫn.

Còn theo bác sĩ Lâm Tứ Trung- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, việc chơi game online với tần suất nhiều, chơi trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ, người chơi dần dần rơi vào trạng thái không quan tâm đến thế giới thực bên ngoài mà chỉ tập trung vào thế giới ảo. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả về thể chất cũng như tinh thần.

Còn theo bác sỹ Trần Thị Hải Vân - Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, khi phát hiện con trẻ vì mê  game mà bỏ học hay có hành vi hung dữ do bị cấm đoán, phụ huynh cần bình tĩnh, ứng xử với con đúng phương pháp, không nên áp đặt, khắt khe theo hướng tiêu cực, độc đoán. Cha mẹ cần đặt mình vào con trẻ để hiểu tâm tư, tình cảm của chúng; lắng nghe, chia sẻ đồng thời tạo sự tự tin, ý thức tự giác, định hướng, giúp trẻ vượt qua những cản trở trong cuộc sống.

Theo đó, phải có phương pháp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng “kéo” trẻ ra khỏi những trò chơi ảo, hướng tới các hoạt động tích cực, phù hợp mà con trẻ yêu thích. Đồng thời, phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm chơi game không phải là xấu, quan trọng, cách chơi như thế nào cho đúng. Đối với việc sử dụng máy tính, vào mạng, ngay từ khi cho phép con sử dụng nó, cha mẹ cần có quy định rõ ràng, cụ thể về thời gian kèm theo yêu cầu, điều kiện, trách nhiệm của trẻ đối với gia đình và bản thân. Cần làm sao để trẻ hiểu và thông cảm nỗi lòng cha mẹ. Việc lắng nghe, sẻ chia để hai bên cùng hiểu, thông cảm và tôn trọng nhau là giải pháp cân bằng mối quan hệ.

MAI VINH