Kết cục thảm hại cho người tiết lộ tài liệu mật WikiLeaks
(Cadn.com.vn) - Một tòa án quân sự Mỹ hôm 31-7 kết án binh nhì Bradley Manning, người cung cấp tài liệu mật cho trang mạng WikiLeaks, tội làm gián điệp và đối mặt 136 năm tù. Tuy nhiên, Manning thoát tội giúp đỡ kẻ thù.
136 năm tù
Với vai trò là một chuyên gia phân tích tin tình báo của quân đội Mỹ tại Baghdad, Iraq, Manning tiếp cận và cung cấp hơn 70.000 tài liệu quân sự, ngoại giao Mỹ cho trang mạng WikiLeaks.
Phần lớn các tài liệu này là những bức điện tín ngoại giao và báo cáo mật về tình hình chiến trường Iraq và Afghanistan. Trong các tài liệu được WikiLeaks công bố có cả đoạn băng chiếu cảnh 2 trực thăng Apache của quân đội Mỹ bắn chết 12 thường dân trên đường phố Baghdad vào năm 2007. Đây được xem là vụ tiết lộ thông tin mật lớn nhất lịch sử nước Mỹ, gây chấn động thế giới và khiến Nhà Trắng xấu hổ.
Manning bị bắt giữ tại Iraq ngay sau đó rồi bị giam ở trại Arifjan, thuộc doanh trại quân đội Mỹ ở Kuwait 1 tuần trước khi được chuyển về nước nhà. Trong phiên tòa ngày 31-7, Manning bị kết tội tổng cộng 20 tội danh. Cụ thể, chàng trai 25 tuổi bị kết 7 tội trong số 8 cáo buộc gián điệp, 5 tội danh trộm cắp, 2 tội danh gian lận máy tính, 5 tội vi phạm các quy định của quân đội và 1 tội công bố bừa bãi thông tin tình báo trên mạng. Tuy nhiên, Manning không bị kết tội hỗ trợ kẻ thù của Mỹ cũng như sở hữu trái phép thông tin quốc phòng nhạy cảm.
Binh nhì Manning sẽ đối mặt với bản án lên tới 136 năm tù. Sẽ phải mất nhiều tuần nữa, binh sĩ làm rò rỉ bí mật của Nhà Trắng có thể mới biết số phận của mình ra sao.
Binh sĩ Manning được giải khỏi tòa án sau phiên xét xử ngày 30-7. Ảnh: AP |
Anh hùng hay kẻ phản bội?
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange chỉ trích bản án trên, cho rằng, nó đại diện cho “chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm đến an ninh quốc gia”. Phát biểu của Đại sứ quán Ecudorean ở London, ông Assange cho biết: “Đây chưa từng là một phiên tòa công bằng. Bradley Manning không phạm tội vì anh thực sự là một người anh hùng muốn chính phủ minh bạch và trách nhiệm hơn, cũng như muốn phơi bày cho người dân Mỹ và thế giới biết về hành động của chính phủ Mỹ”, ông nói.
Trong khi đó, các công tố viên quân đội Mỹ cho rằng, Manning thu thập hàng nghìn tài liệu mật một cách có hệ thống. Họ cho rằng, với việc được đào tạo là một nhà phân tích tình báo, Manning đáng lẽ phải biết rằng các tài liệu bị rò rỉ có thể rơi vào tay của các phần tử Al-Qaeda và có thể làm tổn hại an ninh quốc gia và gây nguy hiểm đến tính mạng của người Mỹ cũng như các nguồn tin tình báo và ngoại giao nước ngoài. Luật sư bảo vệ Manning cho rằng anh này là một binh sĩ trẻ và ngây thơ, vốn trở nên bất mãn trong thời gian phục vụ tại Iraq.
Tại tòa, Manning lý giải vì sao anh tiết lộ thông tin mật, đó là do “những thông tin đó làm anh lo lắng và khó chịu”. Theo suy nghĩ của Manning, các tài liệu này đã cũ và những gì chúng đề cập đã thay đổi hoặc đã kết thúc. Ngoài ra, Manning thú nhận đã bị trầm uất trước tình hình ở Iraq. Thoạt đầu, Manning cố cung cấp thông tin mật cho báo Washington Post nhưng không thành công. Sau đó, anh ta gửi thông tin cho báo New York Times song cũng không nhận được phản hồi. WikiLeaks là lựa chọn cuối cùng.
Trong phiên tòa hồi tháng 2, Manning kiên quyết không thừa nhận cáo buộc nghiêm trọng nhất là tiếp tay cho kẻ thù mà cho biết anh tiết lộ các tài liệu để tạo ra một cuộc tranh luận công khai về quân đội Mỹ cũng như chính sách ngoại giao của nước này.
An Bình
(Theo BBC, AP)