Kết hợp nhiệm vụ đảm bảo ANTT với quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
Sáng 8-8, Bộ CA phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương (T.Ư) tổ chức Hội thảo khoa học "Kết hợp nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) với quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (QP-ĐN&PTKT-VH-XH) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII". Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA dự và phát biểu chỉ đạo. Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam- Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ CA; GS.TS Phùng Hữu Phú- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư đồng chủ trì Hội thảo.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn quan điểm của Đảng về kết hợp giữa nhiệm vụ bảo đảm ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH. Nghiên cứu làm rõ những nội dung cơ bản trong quan điểm của Đảng về kết hợp giữa nhiệm vụ bảo đảm ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH; trong đó, tập trung vào các vấn đề mới và những vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay. Đánh giá thực trạng kết hợp nhiệm vụ bảo vệ ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua; xác định những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân. Dự báo tình hình và đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng về kết hợp giữa nhiệm vụ bảo đảm ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH trong thời gian tới. Kiến nghị một số vấn đề lý luận cần bổ sung, phát triển nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng tiếp tục hoàn thiện quan điểm chỉ đạo các nhiệm vụ trên đây phù hợp với tình hình mới.
Tại Hội thảo, dưới sự điều hành của Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam và GS.TS Phùng Hữu Phú, các đại biểu đã sôi nổi tham luận, đi sâu vào phân tích, luận giải làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nội dung cơ bản của việc kết hợp giữa bảo đảm ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH; đi sâu phân tích, đánh giá các yếu tố tác động; làm rõ thực trạng việc kết hợp trên các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; đưa ra một số giải pháp, kiến nghị có cơ sở khoa học và có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả việc kết hợp trong bối cảnh mới...
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ CA đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ANTT, QP-ĐN&PTKT-VH-XH. Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng CAND đã kề vai, sát cánh cùng với Quân đội nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và yêu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại trong quá trình thực hiện các mặt công tác, lực lượng CAND đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm ANTT với các nhiệm vụ quốc phòng; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Các mặt công tác CA luôn chú trọng đến yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ QP-ĐN&PTKT-VH-XH.
Bộ trưởng Tô Lâm với các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Để tăng cường, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về quan điểm kết hợp giữa bảo đảm ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên các cấp, các ngành, các đoàn thể, các thành phần kinh tế, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng... Giải quyết tốt mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm QP-AN, sao cho mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN; đồng thời, QP-AN phải tạo điều kiện thuận lợi, không làm ảnh hưởng quá trình hội nhập, phát triển KT-XH của đất nước.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ hơn nữa yêu cầu bảo đảm QP-AN trong quy hoạch, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các địa bàn chiến lược, khu vực biển, đảo, biên giới; các lĩnh vực kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, môi trường, nông - lâm - ngư nghiệp. Đồng thời phải quan tâm hơn đến phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để việc kết hợp ANTT với QP-ĐN&PTKT-VH-XH đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, quốc phòng trong các lĩnh vực QP-ĐN&PTKT-VH-XH. Có cơ chế chặt chẽ trong việc thẩm định, đánh giá tác động về ANTT từ các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nhất là đối với các dự án KT-XH lớn tại các địa chiến lược và các vùng biên giới, hải đảo; không để xảy ra những sơ hở, thiếu sót, gây hậu quả nghiêm trọng về ANTT... Chú trọng bồi dưỡng kiến thức về QP-AN, trước hết tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt, chủ trì ở các cấp, các ngành, đoàn thể từ T.Ư đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp, thiết thực với mỗi loại đối tượng nhằm nâng cao cả nhận thức, kiến thức, cũng như kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức triển khai việc kết hợp trên thực tế. Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý, bên cạnh những nội dung quan trọng đã đạt được, Hội thảo cũng đã gợi ra những vấn đề về lý luận và thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Bộ CA giao Hội đồng Lý luận của Bộ tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan để vận dụng cụ thể vào thực tiễn bảo vệ ANTT và bổ sung phát triển lý luận CAND.
NGỌC LAN