Kết quả bầu cử Afghanistan: Còn nhiều nghi ngại
Tổng thống Ashraf Ghani đang trên đường giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2 khi giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Theo Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan (IEC), ông Ghani đã giành được 50,64% số phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 28-9, trong khi đối thủ của ông là ông Abdullah Abdullah chỉ giành được 39,52% số phiếu. Tuy nhiên, còn nhiều điều nghi ngại quanh con số này khi chỉ có 1,8 triệu phiếu bầu được tính, một con số quá nhỏ bé khi xem xét dân số 37 triệu của Afghanistan cũng như tổng số 9,6 triệu cử tri đã đăng ký.
Ông Ghani tuyên bố chiến thắng trong cuộc họp báo ở Kabul hôm 22-12. Ảnh: AFP |
Ông Ghani vui mừng hét lên đắc thắng trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình sau khi kết quả sơ bộ được công bố. “Một chính phủ xứng đáng với quốc gia vĩ đại này sẽ được xây dựng”, ông tuyên bố khi đứng bên cạnh hai phó tổng thống của mình. Ông Ghani cho biết kết quả bầu cử là một chiến thắng của toàn bộ Afghanistan.
Các ứng viên có vài ngày hoặc có thể là vài tuần để nộp đơn khiếu nại trước khi kết quả cuối cùng được công bố. Ngay lập tức, văn phòng của ông Abdullah cho biết sẽ khiếu kiện. “Chúng tôi muốn nói rõ một lần nữa với người dân, những người ủng hộ, ủy ban bầu cử và các đồng minh quốc tế của chúng tôi rằng nhóm của chúng tôi sẽ không chấp nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu gian lận này trừ khi yêu cầu chính đáng của chúng tôi được giải quyết”, tuyên bố của văn phòng ông Abdullah cho biết.
Ông Abdullah đã thua ông Ghani hồi năm 2014 trong một cuộc bầu cử gây chia rẽ, buộc Mỹ phải can thiệp để môi giới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai đối thủ. Nếu kết quả này được xác nhận, đây là lần thứ ba ông Abdullah để thua ông Ghani, khiến tương lai của ông trong chính phủ trở nên không chắc chắn vì ông đã loại trừ một thỏa thuận chia sẻ quyền lực khác với tổng thống.
Nhiều điều đáng ngờ
Kết quả sơ bộ ban đầu dự định được công bố ngày 19-10 nhưng liên tục bị trì hoãn giữa các vấn đề kỹ thuật và cáo buộc gian lận từ các ứng cử viên, đặc biệt là ông Abdullah. Tổ chức bầu cử minh bạch của Afghanistan, một cơ quan giám sát độc lập, cho biết IEC cần chia sẻ tất cả thông tin về cách thức có được số lượng phiếu bầu và dữ liệu của trung tâm bỏ phiếu. Chủ tịch của IEC Hawa Alam Nurersky cho biết cơ quan của bà đã hành động với sự trung thực, trách nhiệm và trung thành. “Chúng tôi tôn trọng mọi phiếu bầu vì chúng tôi muốn một nền dân chủ”, bà Nurersky cho biết.
Sự khập khiễng kéo dài trong việc công bố kết quả sơ bộ đã gây thêm bất ổn cho những người Afghanistan đang hồi hộp chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban. Phái đoàn Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) hoan nghênh việc thông báo kết quả sơ bộ và kêu gọi Ủy ban Khiếu nại Bầu cử (ECC) lắng nghe mọi khiếu nại. “ECC có nghĩa vụ xét xử mọi khiếu nại mà họ nhận được một cách minh bạch và kỹ lưỡng để quá trình bầu cử có thể kết thúc một cách đáng tin cậy”, lãnh đạo UNAMA Tadamichi Yamamoto cho biết. Chủ tịch ECC Zuhra Bayan Shinwari cho biết các ứng cử viên và những người ủng hộ nên chờ kết quả cuối cùng được công bố. “Chúng tôi cam kết xem xét tất cả các khiếu nại theo luật”, bà Shinwari nói.
Cuộc bầu cử lần này được cho là “sạch” nhất trong nền dân chủ trẻ Afghanistan, trong đó một Cty Đức cung cấp máy sinh trắc học để đề phòng trường hợp một người bỏ phiếu nhiều lần. Nhưng nhiều vấn đề xảy ra, với các cáo buộc nhồi nhét phiếu bầu, bỏ phiếu bất hợp pháp và gian lận diễn ra khi các cuộc bỏ phiếu đã kết thúc. Ông Abdullah tuyên bố nhiều phiếu bầu đã bị làm giả hoặc đã được bỏ ngoài giờ bỏ phiếu. Gần một triệu trong số 2,7 triệu phiếu ban đầu đã bị hủy do sự bất thường, có nghĩa là đây là cuộc bầu cử có tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ có 1,8 triệu phiếu bầu được tính, một con số quá nhỏ khi xem xét dân số 37 triệu của Afghanistan cũng như tổng số 9,6 triệu cử tri đã đăng ký. Nhiều người tránh xa cuộc bỏ phiếu giữa lúc Taliban tuyên bố sẽ tấn công các trạm bỏ phiếu. Trên đường phố Kabul, sau khi kết quả được công bố, mọi người rất thờ ơ, chẳng ăn mừng cũng chẳng phản đối.
Ông Ghani là ai?
Ông Ghani, 70 tuổi, là một nhà nhân chủng học, một nhà học thuật và là cựu nhân viên của Ngân hàng Thế giới đã rời Afghanistan vào năm 1977 và trở về khoảng hai thập kỷ sau đó. Ông học tại Đại học Columbia ở New York và giảng dạy tại một số trường đại học Mỹ trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan vào những năm 1980.
Cuối năm 2001, sau khi Taliban bị lật đổ, ông Ghani quay trở lại Kabul với tư cách là cố vấn cấp cao đặc biệt của LHQ, tiếp tục trở thành kiến trúc sư chủ chốt của chính phủ lâm thời. Từ năm 2002 đến 2004, ông trở thành Bộ trưởng Tài chính hùng mạnh dưới thời Tổng thống Hamid Karzai, vận động chống nạn tham nhũng đang nở rộ tại Afghanistan. Với năng lực của mình, ông Ghani đã giới thiệu một loại tiền tệ mới, thiết lập một hệ thống thuế, khuyến khích những người Afghanistan giàu có đang sống ở nước ngoài trở về nước.
Ông Ghani, một người dân tộc Pashtun, tham gia tranh cử tổng thống năm 2014. Một loạt các bài phát biểu sôi nổi, giúp ông giành được 31,6% phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, so với 45% của đối thủ Abdulla. Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Ghani đã lội ngược dòng, giành thắng lợi với 55% số phiếu, trong khi ông Abdullah chỉ dành được 45%. Cuối cùng, ông thành lập một chính phủ Thống nhất Quốc gia Hồi giáo với ông Abdullah sau khi Mỹ làm trung gian cho thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Ghani được cho là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, nóng tính và đòi hỏi quá mức. Trong 5 năm kể từ khi đắc cử, ông đã có những bước tiến nhỏ chống tham nhũng trong chính phủ và đã bị Taliban cáo buộc là “con rối bù nhìn” của Mỹ. Ông Ghani và chính phủ của ông đã phải đứng ngoài các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, nhưng ông quyết tâm tham gia vào cuộc đàm phán trong tương lai với nhóm phiến quân. Ông cho biết, nếu đàm phán thất bại, ông thề sẽ chiến đấu với các phiến quân nếu cần thiết.
AN BÌNH
Taliban thừa nhận tấn công làm binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan Phiến quân Taliban ngày 23-12 đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công nhằm vào một đoàn xe của Mỹ ở Afghanistan, làm một lính Mỹ thiệt mạng và một số người bị thương. Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid đã gửi tin nhắn qua ứng dụng WhatsApp tới hãng AFP, cho hay các chiến binh đã cho nổ tung một chiếc xe của Mỹ ở huyện Char Dara của tỉnh Kunduz vào đêm 22-12. Giới quan sát cho rằng vụ tấn công có thể tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Taliban. Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đàm phán “đã chết yểu” sau khi Taliban sát hại một binh sĩ Mỹ trong vụ đánh bom ở thủ đô Kabul. Các cuộc đàm phán sau đó được nối lại tại Doha (Qatar), nhưng đã tạm dừng hồi đầu tháng này sau một vụ đánh bom khác tại căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc Kabul. B.NGÂN |