Kết quả ngoài dự đoán
(Cadn.com.vn) - Các cử tri Argentine sẽ phải tiếp tục tham gia bỏ phiếu vòng hai vào ngày 22-11 tới để bầu chọn tổng thống trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 25-10 đã kết thúc mà không ai trong số 6 ứng viên có khả năng giành đủ số phiếu cần thiết để có thể tuyên bố chiến thắng.
Đây là kết quả gây chấn động chính trường Argentine, nhất là việc ứng viên đối lập bảo thủ Mauricio Macri thách thức đảng cầm quyền với một kết quả số phiếu cao bất ngờ. Thống kê của Cơ quan bầu cử quốc gia Argentine công bố hôm 26-10 cho thấy, ông Macri - thuộc liên minh trung hữu Đề xuất Cộng hòa đối lập - vượt mặt ông Daniel Scioli, ứng viên liên minh Mặt trận vì Thắng lợi (FvP) cầm quyền. Trong khi đó, tất cả thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cũng như dự báo của các nhà phân tích đều cho rằng, ông Scioli chắc chắn sẽ giành chiến thắng trước ông Macri.
Theo luật Argentine, ứng viên nào hội đủ 45% số phiếu ủng hộ, hoặc người có số phiếu cao nhất giành được 40% phiếu và nhiều hơn ứng cử viên về sau 10% cũng sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, không ai hội đủ điều kiện này. Vì vậy, Argentine buộc phải tiếp tục bầu cử vòng hai, chính là cuộc đua song mã giữa ông Macri và ông Scioli. Những diễn biến này đã thay đổi lịch sử chính trị Argentine. Bởi đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, nước này phải tiến hành bầu cử vòng 2 để bầu ra tổng thống mới điều hành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh và nằm trong nhóm G-20.
Cuộc đua này sẽ chính thức đánh dấu kết thúc 12 năm nắm quyền của bà Cristina Kirchner và người chồng quá cố và cũng là người tiền nhiệm Nestor Kirchner. Di sản của cặp vợ chồng tổng thống này - chủ nghĩa bảo hộ thương mại, phúc lợi xã hội và những quyền lợi bảo đảm cho giai cấp công nhân - cũng như một phong cách chính trị bảo thủ - đang gây chia rẽ sâu sắc chính trường Argentine.
Ông Scioli, một người mang tư tưởng trung dung, tuyên bố sẽ giữ nguyên cốt lõi của "Chủ nghĩa Kirchner". Tuy nhiên, ông cũng hứa hẹn một sự thay đổi trong phong cách để thu hút đầu tư nhiều hơn và tăng năng suất. Trong khi đó, ông Macri, tuyên bố sẽ "tuyên án tử" ngay lập tức và quyết định các chính sách gây tranh cãi của bà Kirchners.
Nhưng nhiều thách thức đang chờ đợi Argentine. Tổng thống tiếp theo của Argentine, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh, sau Brazil và Mexico, sẽ thừa kế một đất nước gặp khó khăn do lạm phát, đồng tiền được định giá quá cao và nền kinh tế phải đối mặt với những gì mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán sẽ đi xuống trong năm tới.
Thanh Văn