Kết thúc giai đoạn 3 tìm kiếm nạn nhân Thủy điện Rào Trăng 3

Thứ năm, 26/11/2020 20:09

Sau hơn 1 tuần triển khai, công tác tìm kiếm công nhân mất tích tại Thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3 xã Phong Xuân (H.Phong Điền, TT-Huế) ở giai đoạn 3 dưới lòng sông Rào Trăng đã kết thúc. Đến thời điểm này, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 6/17 thi thể của công nhân, hiện còn 11 thi thể vẫn đang mất tích. Do điều kiện thời tiết không ủng hộ, ngày 25-11, các lực lượng cứu nạn tạm dừng để chuyển qua công tác tìm kiếm giai đoạn 4.

Việc tìm kiếm nạn nhân Rào Trăng 3 dưới lòng suối đã kết thúc.

Sau khi xảy ra sự cố sạt lở núi tại TĐ Rào Trăng 3 vào ngày (12-10) cho đến nay đã hơn 40 ngày, dưới sự chỉ đạo của Sở Chỉ huy tiền phương mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại TĐ Rào Trăng 3 đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng tìm kiếm như: Công an, Bộ tư lệnh Biên phòng và các lực lượng của sở, ban, ngành địa phương cùng với lực lượng dân quân tự vệ cơ động của H. Phong Điền; huy động hàng trăm lượt phương tiện và các thiết bị như: Máy múc, máy xúc, máy đào, máy dò gỡ mìn, máy khoan, cắt bê tông và phối hợp với chó nghiệp vụ của Trường trung cấp 24 Biên phòng để tổ chức tìm kiếm.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Trưởng Ban điều hành TĐ Rào Trăng 3 cho biết. "Chúng tôi cũng đã tích cực đào đến đất nguyên thổ, đào sâu, đào kỹ, đào đến đâu có chứng giám của các lực lượng. Ở giai đoạn 3 tìm kiếm ròng rã hơn 1 tuần dưới lòng suối Rào Trăng, buổi trưa ăn cơm tại hiện trường, nghỉ giải lao 15, 20 phút là quay trở lại tìm kiếm. Chúng tôi đã làm hết sức nhưng mới chỉ tìm thấy thêm 1 thi thể (5 thi thể được tìm thấy trước đó).

Ông Lê Văn Phùng trú xã Nga Thái (H.Nga Sơn, Thanh Hóa) - bố của 1 trong 11 công nhân mất tích chia sẻ: "Địa phương cho gia đình vào để thăm và trực tiếp xem các lực lượng tìm kiếm. Qua mấy ngày vào hiện trường Rào Trăng 3, tôi thấy các lực lượng cứu hộ cứu nạn làm việc rất trách nhiệm, tích cực. Tuy con trai tôi vẫn chưa tìm thấy nhưng gia đình tôi cũng rất hài lòng và tin tưởng lực lượng cứu nạn sẽ cố gắng tìm kiếm để gia đình chúng tôi đón cháu trở về sớm nhất".

Quá trình tìm kiếm Ban Chỉ đạo đã vạch ra phương án tìm kiếm theo 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất khoanh vùng hiện trường, xác định hướng tuyến sạt lở, tổ chức tìm kiếm; giai đoạn thứ hai mở rộng hiện trường tìm kiếm phần trên đất liền; giai đoạn ba tổ chức tìm kiếm dưới lòng sông, tiến hành đắp đê quai, nắn dòng, phân thủy sau đó tìm kiếm ở dưới lòng sông. Trung tá Phan Thắng - Phó Chỉ huy trưởng,Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế cho biết: "Trước mắt, do điều kiện thời tiết không ủng hộ vì vậy các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã đề xuất với Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cho phép các lực lượng tạm dừng để chuyển sang giai đoạn 4". Hiện nay, mực nước của sông Rào Trăng là rất lớn, chỉ tính riêng tại hiện trường độ sâu trung bình khoảng 1,5 đến 2m, lưu tốc dòng chảy từ khoảng 30, 40 m3/giây. Vì vậy giai đoạn 4 xác định phương án tìm kiếm từ hiện trường xuôi về hạ lưu đến ngã 3 Tam Dần với chiều dài khoảng 2,5km hiện tại rất khó khăn trong việc thi công để tìm kiếm nên chưa biết cụ thể khi nào mới tiếp tục triển khai.

H.L

Kẻ lừa tiền vợ nạn nhân vụ sạt lở TĐ Rào Trăng 3 lĩnh án 

Chiều 25-11, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Phúc (1997, trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) - đối tượng chiếm đoạt tiền của gia đình nạn nhân vụ sạt lở tại TĐ Rào Trăng 3.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2020, Nguyễn Văn Phúc đọc báo và qua mạng xã hội biết nhiều hoàn cảnh khó khăn được mọi người giúp đỡ nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Phúc đã mua hai tài khoản ngân hàng của người không rõ nhân thân lai lịch và sim rác để thực hiện hành vi phạm tội. Các cơ quan chức năng đã xác định được 23 người đã bị Phúc chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Nạn nhân bị chiếm đoạt nhiều nhất là 100 triệu đồng, người ít nhất là 2 triệu đồng. Điều đáng nói là, phần lớn những nạn nhân của bị cáo Phúc là những người có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như: bị ung thư, trẻ mồ côi, gặp tai nạn giao thông hoặc bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị gấp...

Đối tượng này thừa nhận, đoán được sẽ nhiều người giúp đỡ, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn trên nên Phúc đã dùng một sim rác liên lạc với các nạn nhân. Bị cáo cho nạn nhân biết muốn hỗ trợ tiền cho các hoàn cảnh nên đề nghị nạn nhân cung cấp số tài khoản. Lúc này, đối tượng nhắn một đường link cho nạn nhân và nói là tài khoản quốc tế nên bắt buộc nạn nhân phải đăng nhập các thông tin vào đường link này. Sau khi nhập thông tin vào đường link, email của Phúc sẽ nhận được toàn bộ mật khẩu, tài khoản ngân hàng của bị hại. Bằng cách này, đối tượng có được thông tin ngân hàng và sử dụng để chiếm đoạt tiền của nạn nhân, sau đó gửi cho một số tài khoản khác để trả nợ hoặc tiêu xài cá nhân.

Ngày 20-10, sau khi đọc báo và biết được gia đình chị Lê Thị Thu Thảo (trú H. Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, vợ của một nạn nhân bị chết trong vụ sạt lở tại TĐ Rào Trăng 3) được một số nhà hảo tâm ủng hộ tiền bạc, Phúc đã gọi điện để lừa chị Thảo bằng thủ đoạn kể trên và đã chiếm đoạt được của nạn nhân này 100 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phúc 15 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

N.M