Khắc ghi lời dặn dò của Bác

Thứ tư, 18/05/2016 08:42

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc đời mình, nữ đạo diễn - cựu chiến binh Trần Thị Kim Nam có hạnh phúc lớn lao vì đã 2 lần vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Những lời dặn dò của Bác luôn in đậm trong tâm trí, thôi thúc bà bền bỉ phấn đấu gìn giữ và phát huy nghệ thuật bài chòi của quê hương.

Vợ chồng CCB Trần Thị Kim Nam (ảnh do gia đình cung cấp) .

Sinh năm 1947, quê ở xã Cát Khánh, H. Phù Cát, tỉnh Bình Định, từ một nữ sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập, chưa tròn 17 tuổi, Trần Thị Kim Nam dự tuyển và được nhận vào đội kịch hô bài chòi Đoàn Văn công Quân khu 4 và được theo học lớp kịch nói trường Nghệ thuật Quân đội. Với lợi thế là con nhà nòi (cha và anh đều là nghệ sĩ dân ca kịch), lại có năng khiếu từ nhỏ và chịu khó học hỏi, rèn luyện, bà nhanh chóng gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Vở diễn đầu tiên bà thể hiện là vai em gái Kơ Nhi trong vở ca kịch bài chòi “Lúa giống”. Bằng giọng ca sâu lắng, ngọt ngào, bà đã chuyển tải được tính cách nhân vật, khắc họa tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào Tây Nguyên với cách mạng, với Bác Hồ.

Những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nghệ sĩ Kim Nam cùng Đoàn Văn công Quân khu 4 đã đi biểu diễn trên khắp các “tuyến lửa”: trận địa pháo ở Núi Quyết (Nghệ An), vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh... Những vở kịch bài chòi “Gánh chè xanh”, “Em bé giao liên”, đơn ca bài chòi “Mẹ Suốt”, “Trở về”... do bà thể hiện, luôn ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Năm 1967, bà kết duyên cùng ông Phan Ngạn, một đồng nghiệp và cũng là người thầy của bà (ông Phan Ngạn đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú), tác giả của nhiều vở kịch dân ca bài chòi nổi tiếng thời chống Mỹ như “Muối Pok Hồ”, “Lúa giống”, “Ngô Mây”, “Ba cha con”, “Đường ra phía trước”, tam tấu bài chòi “Tướng ong”... được bộ đội và nhân dân Khu 4, Khu 5 yêu thích.

Nghệ sĩ Kim Nam hồi tưởng kỷ niệm về lần biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác Hồ. Ảnh: Hồng Thọ

Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Kim Nam may mắn và vinh dự được tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác Hồ 2 lần. Lần đầu tiên tại Phủ Chủ tịch. Lần thứ 2 sau đó vài tuần tại Hội trường Ba Đình. Bà bồi hồi kể: “Chiều 22-7-1967, tôi cùng Đoàn văn công Quân khu 4 được xe đưa đến Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác cho biết tâm trạng của Bác đang rất đau buồn vì cái tang của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nơi biểu diễn là phòng khánh tiết của Phủ Chủ tịch, vị trí diễn trên thảm đỏ ở đầu phòng. Dàn nhạc được bố trí phía sau cửa cho bớt tiếng ồn. Đồng chí Vũ Kỳ đưa Bác đến ngồi vào chiếc ghế hàng đầu. Bên trái Bác là một số đồng chí trong Bộ Chính trị. Tối ấy, đoàn trình diễn 12 tiết mục gồm hợp ca, đơn ca, múa, ngâm thơ, hát bài chòi và tấu hài. Tôi được tham gia biểu diễn trong dàn hợp ca “Thà chết bảo vệ Tổ quốc”, tiết mục tạo không khí sôi động làm phấn chấn tinh thần người xem. Sau mỗi tiết mục, Bác đều phát kẹo cho từng diễn viên. Đặc biệt, tiết mục tam tấu “Tướng ong” của Phan Ngạn kể chuyện anh hùng Nguyễn Văn Tư ở miền Nam dạy ong đánh giặc, khi diễn đến đoạn “Ong, ong, ong, bớ là ong! Ong vây ong cắn, Mỹ la Mỹ rống, ngụy khóc ngụy nhào” thì Bác cười rất tươi, cả hội trường cũng cười vui sôi nổi. Tôi và đồng nghiệp đứng trong cánh gà sung sướng vỗ tay theo. Những đôi mắt ướt nhòe xúc động hướng về phía Bác. Đến tiết mục song tấu hài “Tổng ngốc sa lầy” (đả kích tổng thống Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam), Bác Hồ cười rất sảng khoái. Lúc chia tay, Bác dặn: “Các cháu hãy cố gắng nhiều hơn để học hỏi trong nhân dân và dành tâm sức phục vụ nhân dân”...

Sau ngày giải phóng, nghệ sĩ Trần Thị Kim Nam theo học lớp đạo diễn hệ đại học tại Trường Đại học sân khấu và điện ảnh Việt Nam. Đinh ninh lời Bác dặn, bà cùng chồng luôn dành trọn tâm huyết và đam mê vào việc bảo tồn, “giữ lửa” bài chòi cổ và tìm kiếm gây dựng lực lượng nghệ nhân bài chòi cổ bám trụ với nghề. Những đề tài nghiên cứu khoa học của vợ chồng bà đã đóng góp những tư liệu quan trọng cho quá trình phục hồi bài chòi cổ Bình Định ngày nay.

Ngọc Diệp