Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất hàng loạt giải pháp phục hồi kinh tế

Thứ hai, 06/12/2021 13:48

Ngày 5-12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững" đã chính thức khai mạc với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngoài điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, diễn đàn kết nối trực tuyến tới 57 điểm cầu ở các địa phương, 3 điểm cầu quốc tế (Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan) và kết nối trực tuyến tới một số chuyên gia.

2 chữ P và 2 chữ C

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nội dung trọng tâm của diễn đàn là cập nhật, đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới, cập nhật những vấn đề mới nhất; những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ đề của diễn đàn có 2 chữ P, tức là phục hồi và phát triển. Nên phát triển ở đây, không phải là bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động cơ tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn, phải luôn luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng bền vững. Không chỉ có vấn đề về kinh tế mà cả vấn đề về xã hội, môi trường và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội của Chính phủ là rất là nặng nề trong nghiên cứu để thiết kế các chính sách này.

Nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa 2 chữ C - Chính sách và Cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội nói: "Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào trong chính sách thì bản thân chính sách không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được".

Cần gói hỗ trợ đặc biệt

Trong bài đề dẫn "Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia thay mặt Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, dịch COVID-19 tác động nặng nề đến kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2021. Nếu không có các chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt, Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp, lỡ cơ hội và tụt hậu.

Với bối cảnh hiện tại, ông Lực cảnh báo, nếu không có các chương trình, gói hỗ trợ kích thích tài khóa, tiền tệ đặc biệt, kinh tế Việt Nam dự báo năm 2022 chỉ tăng trưởng ở mức 4-4,5%.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sỹ ấn Văn Lực nêu rõ, có hai bài học rất quan trọng. Cụ thể, khoảng 98% các nước coi dịch bệnh là đặc hữu; thực hiện đa mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững trong tương lai. Về gói hỗ trợ, các nước dùng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Tính đến hết tháng 10-2021, bình quân các gói hỗ trợ toàn cầu vào khoảng 16,4% GDP, trong đó gói tài khóa chiếm 10,2% GDP.

Kinh nghiệm quốc tế về mục tiêu các gói hỗ trợ cơ bản giống nhau, song có 2 điểm cần đáng lưu ý. Đó là tập trung mạnh vào đầu tư hạ tầng y tế và cho phép bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về chính sách tài khóa, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa ở mức tương đối khả quan do mấy năm qua đã củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá là rất vững chãi và thuận lợi, tuy nhiên, phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững về tài khóa. Về tiền tệ, dư địa có nhưng ít hơn bởi lãi suất đã giảm tương đối thấp trong khi xu thế thế giới bắt đầu tăng; áp lực lạm phát tăng lên, nợ xấu cũng tăng.

Để triển khai các gói hỗ trợ này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực lưu ý, cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế - xã hội khác để tạo tính tổng lực.

Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, có thể phân chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn khác nhau, gồm "kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình" (vào cuối năm 2023).

Phân tích chi tiết gói hỗ trợ, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng nên tiếp tục giảm thuế VAT từ 1-2%; bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp này; có gói hỗ trợ lãi suất... Theo đó, gói hỗ trợ tài khóa vào khoảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP.

Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, đồng thời sử dụng một loạt công cụ khác để tiếp tục giảm lãi suất 0,5 - 1%; cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65.000 tỷ đồng; giá trị cấp bù lãi suất ước tính 6.100 tỷ đồng.

Về chính sách an sinh xã hội, Tiến sỹ Cấn Văn Lực đề xuất có thêm 2 gói chính sách: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc vào khoảng 6.000 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề vào khoảng 6.800 tỷ đồng với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với khoảng 38.000 tỷ đồng.

"Tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844.000 tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP. Gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới", Tiến sỹ Cấn Văn Lực khẳng định.

Đại biểu tham dự diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.

Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi

Bày tỏ vinh dự được có mặt tại Diễn đàn để trao đổi về các biện pháp phát triển, hồi phục kinh tế-xã hội trên thế giới cũng như các gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục kinh tế- xã hội.

Điểm qua tình hình kinh tế thế giới và trong khu vực, ông Francois Painchaud cho rằng, trong tài liệu tầm nhìn kinh tế thế giới gần đây nhất cho thấy, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, bao gồm khu vực châu Á; tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam.

Theo ông Francois Painchaud, quy mô của các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển, có thể áp dụng được ở các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam. Quan trọng hơn, các hỗ trợ về chính sách cần phải dựa trên diễn biến của dịch bệnh cũng như tiến trình phát triển kinh tế của từng nước. Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần phải đi kèm với sự hỗ trợ chính sách ở các ngành nghề cần thiết.

"Các biện pháp hỗ trợ tạm thời nhưng kịp thời cần phải được cung cấp cho các hộ gia đình hay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta dần hướng tới việc mở cửa trở lại. Việt Nam phụ thuộc ít hơn rất nhiều về chuyển tiền mặt cũng như một số nguồn thu so với các quốc gia khác. Những vấn đề này không ảnh hưởng quá nhiều đến Việt Nam trong trung hay dài hạn, ngay cả khi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn", ông Francois Painchaud chia sẻ.

Bày tỏ ấn tượng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có chiến lược tiêm chủng vaccine, ông Francois Painchaud cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý IV-2021, có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% trong năm nay và 6,6% trong năm 2022.

Mặc dù trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt khu vực phi chính thức; các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam khẳng định, những khát vọng của Việt Nam vẫn có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt hơn.

"Chúng ta cần phải có các biện pháp hỗ trợ thanh khoản tạm thời kịp thời, đúng đối tượng, giúp cho các doanh nghiệp có thể tránh được gián đoạn cũng như ảnh hưởng về lâu dài; có các gói kích cầu, kích thích không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, điều trị, tiêm chủng và trợ cấp; cân nhắc chuyển lỗ hoặc chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; cải thiện khả năng chống chịu; cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô…", ông Francois Painchaud chia sẻ.

TTXVN