Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh EU: Sốt ruột với Brexit

Thứ sáu, 19/02/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo EU đi đến một thỏa thuận về những biện pháp cải cách để giữ Anh ở lại khối này.

Thủ tướng Anh David Cameron (thứ hai, từ trái sang) gặp gỡ các thành viên Nghị viện Châu Âu khi đến Brussels từ hôm 16-2. Ảnh: AP

Tối 18-2 (giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo EU đã tề tựu về thủ đô Brussels của Bỉ để bắt đầu phiên họp thượng đỉnh quan trọng, giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết, nhất là nguy cơ Anh rời khỏi liên minh 28 quốc gia này (nguy cơ Brexit) và cuộc khủng hoảng người tị nạn đang nhấn chìm châu lục.

AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng, đây là Hội nghị Thượng đỉnh cam go nhất mà EU phải đối mặt trong nhiều năm qua. Bài toán đầu tiên là cần tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực đi đến một thỏa thuận để tránh nguy cơ nước Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi liên minh. Ngoài ra, 28 quốc gia thành viên EU cũng phải chiến đấu với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II và phải chứng minh rằng, họ đủ sức giải quyết vấn đề vốn đang gây chia rẽ này. Tuy nhiên, một kết cục đi đến thành công tại hội nghị lần này xem ra khó khả thi.

Vấn đề đặt ra là cho đến nay, EU và Anh vẫn chưa thể nhất trí về những yêu cầu cải cách mà London đưa ra. Thủ tướng Anh David Cameron, dưới áp lực từ phe chống EU trong đảng và một nền báo chí cánh hữu thù địch, đã yêu cầu liên minh này cần có một loạt các cải cách quan trọng đủ sức kéo London ở lại.  Thứ nhất là hạn chế phúc lợi cho lao động nhập cư Châu Âu để giúp kiềm chế nhập cư, yêu cầu khó nhất trong 4 yêu cầu của London. Thứ hai là tăng khả năng cạnh tranh của EU bằng việc đặt ra các mục tiêu cắt giảm gánh nặng chi phí kinh doanh hay rút lại các điều luật không cần thiết. Thứ ba là EU cần công nhận Anh là khu vực đa tiền tệ, một đề xuất nhằm bảo vệ thị trường riêng của Anh và các nước thành viên EU không sử dụng đồng tiền chung EUR. Và thứ tư là cần thay đổi quyền chủ quyền của EU.

Ba Lan và các quốc gia thành viên Đông Âu khác, những quốc gia vốn có hàng trăm ngàn người dân ở Anh, kịch liệt phản đối những yêu cầu thay đổi này, nói rằng, điều này tạo ra sự phân biệt đối xử và cắt xén nguyên tắc cốt lõi của EU về phong trào tự do. Nhiều nước cho rằng, yêu cầu của Anh đã tạo ra sự rạn nứt sâu sắc về tương lai EU, với câu hỏi liệu có nên tiếp tục để EU là một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết” hay trở thành một nhóm lỏng lẻo hơn với các quốc gia có chủ quyền riêng biệt. Một số nghị sĩ Châu Âu cũng cho rằng, những yêu cầu cải cách của Thủ tướng Cameron đi quá xa. Trong khi đó, Pháp, hiện dẫn đầu phe đối lập bảo vệ các nước không sử dụng đồng tiền chung EUR như Anh, cũng nỗ lực đạt được thỏa thuận tại hội nghị này để ngăn chặn việc London rời khỏi EU. Tuy nhiên, Paris thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nếu hội nghị lần này không thể đi đến một thỏa thuận, theo như cảnh báo của Thủ tướng Cameron, London “dường như chắc chắn” sẽ rời khỏi EU sau một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới. Chủ tịch EU Donald Tusk đã cảnh báo, “không có bất kỳ bảo đảm nào” về một thỏa thuận có thể đạt được.

Thực tế là không có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhất là đối với một liên minh rộng lớn với 28 quốc gia như EU. EU rõ ràng rất muốn giữ Anh ở lại, nhưng tất nhiên không phải bằng mọi giá. Việc London ra đi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU. Nhưng lẽ dĩ nhiên, London cũng không phải là không mất gì. Hiện nay, Anh, dù là thành viên EU nhưng có nhiều “quyền đặc biệt” như việc London không tham gia Hiệp ước Schengen hay không sử dụng đồng tiền chung EUR, mà vẫn giữ đồng bảng Anh.

Khả Anh