Khai mạc lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lần thứ IV: Phế tích hồi sinh qua miền di sản

Thứ sáu, 05/06/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Một không gian huyền ảo, một sân khấu không sân khấu đã đánh thức hồn phế tích nghìn năm.  Mỹ Sơn bừng tỉnh trong vũ khúc huyền diệu của vũ nữ Apsara, của tiếng trống ghinăng, của kèn sarnai huyễn hoặc.  Khu đền tháp Mỹ Sơn đã bừng sáng và hồi sinh vào tối 4-6. Không gian linh thiêng đã tái hiện lại thời vàng son của văn hóa Chăm, sự thâm trầm của Hội An xưa và cả toát lên hơi thở cuộc sống của mảnh đất và con người xứ Quảng ngay giữa lòng di sản.

Không chịu ngủ yên trong kiếp đá muôn đời

Không chịu ngủ yên trong kiếp đá muôn đời

Niềm hạnh phúc nghìn năm soi rọi

Những vũ nữ Apsara huyền thoại

Đã khơi dòng mở lối khúc tình ca...

Giữa không gian huyền ảo, khói lạnh ngập tràn, từ những bức phù điêu tuyệt mỹ của thời kỳ hoàng kim điêu khắc Chămpa, vũ nữ Apsara hiện ra với vẻ kiều diễm và huyền bí. Tựa như từ những điêu tàn, dưới lòng đất kia, sự sống đang hồi sinh từ nghìn năm xa thẳm. Trong ánh bình minh hay chiều tà, cả trong những đêm trăng, qua từng ngọn tháp, Mỹ Sơn còn chuyển động. Những thân thể đá như bước ra từ đền tháp để rập rờn những điệu múa nghê thường. Thần linh còn đi lại trên bầu trời để giữ cho mặt đất và con người sự bình yên vĩnh cửu. Thần Siva chuyển mình, Mỹ Sơn hồi sinh trong một cảm xúc linh nghiệm, vừa gần gũi lại vừa xa xôi, vừa trừu tượng lại vừa xác thực, huyền nhiệm mà xao xuyến. Sự hồi sinh bất diệt như người con gái Chăm Nhờ-va nói với chàng trai Chăm Chum-ây ngày nào: Thần linh sẽ đổ chì nóng vào miệng em nếu em nói yêu anh... nhưng đã bao lần em nói như thế và sẽ mãi nói như thế.

Về phố xưa giữa đêm hội trăng tròn

Sau sự hồi sinh của những phế tích Thánh địa Mỹ Sơn, một Hội An - dấu nối của quá khứ với hiện tại và cả tương lai - hiện ra với những ngôi nhà cổ kính, ngõ phố rêu phong. “Giá trị Hội An vượt ra khỏi ranh giới của một đất nước”, đúng như lời vọng của vị kiến trúc sư đầy duyên nợ người Ba Lan quá cố. Bởi Hội An là một trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cổ. Dưới ánh trăng rằm, trong đêm hội phố Hoài, Hội An cổ kính mà gần gũi, trầm mặc mà trữ tình, dáng phố, hồn phố vẫn còn nguyên sơ. Mỹ Sơn huyền ảo với tiếng kèn bay qua từng ngọn tháp, ánh sáng mờ ảo trên từng bức phù điêu vụt tắt, hội hoa đăng lung linh hiện ra trên sông Hoài. Qua thời gian, phố cổ Hội An vẫn còn nguyên vẹn những dấu tích xưa. Trên thành Chùa Cầu, trên những bậc đá xanh, từng thớ tường gạch rêu phong vẫn còn in dấu thời gian. Dáng phố Hội vẫn lô nhô chạy những đường cong trước mặt, mắt cửa Hội An dường như vẫn thức để đón chào du khách từ mỗi sớm mai. Phố xưa Hội An thân tình và ấm áp như là chỗ con người ta đến để tìm lại chính mình, tìm lại những dấu xưa của thời cảng thị.

Những vũ nữ Apsara bên đền tháp. 

Hương sắc miền di sản

Đi qua hồn xưa của người Chămpa, qua trầm mặc nguyên sơ của Chùa Cầu phố Hội, người Quảng Nam mời gọi du khách đến với những miền di sản, những lễ hội, đắm say trong điệu múa Cơ Tu, ngây ngất trong men rượu Hồng Đào, choáng ngợp giữa những biển dâu suối lụa. Theo chân những lưu dân mở cõi về phương Nam, vùng đất xứ Quảng ra đời nhiều làng nghề truyền thống. Làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, chiếu cói Bàn Thạch, đúc đồng Phước Kiều. Nhịp sống trù phú của một vùng quê hiện ra trước mắt, như từng hơi thở thường nhật. Bên bờ  sông Thu Bồn, làng dệt Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai vẫn còn mang vóc dáng đặc trưng của một làng quê Việt Nam: bình yên, nên thơ, thâm trầm mà hiếu khách. Trong điệu múa tung tung dá dá của những bản làng Cơ Tu Tây Giang, rượu Hồng Đào nhấp môi làm say men cõi lòng du khách. Khi tiếng cồng chiêng bay qua vùng tháp cổ, những lễ hội của bản làng được tái hiện một cách sinh động lạ thường. Này mùa lúa mới, này bắt vợ, đâm trâu, trừ thú dữ, mừng bản làng ấm no... Lễ hội Lệ Bà Thu Bồn của người Chămpa cổ xưa được các thế hệ người Việt xứ Quảng Nam bảo lưu với tất cả sự tôn nghiêm, thành kính.

Bóng tháp đổ dài trên những thảm cỏ nguyên sơ, ánh sáng hờ hắt qua hồn đá. Đứng một ngày đất lạ thành quen, Chămpa xưa, Hội An xưa, biển dâu suối lụa, men rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say, tiếng quai búa, dệt cửi... tái hiện bên khu đền tháp. Mỹ Sơn đã đánh thức một chặng đường lịch sử, hồi sinh cả những điêu tàn, tái hiện cái hồn và hơi thở đương đại của vùng đất Quảng Nam.

Công Khanh