Khai thác cát ở Quảng Nam - hệ lụy không chỉ là môi trường

Thứ ba, 05/09/2017 13:00

Khoảng 2 tháng qua, lực lượng nghiệp vụ CA tỉnh Quảng Nam phát hiện, bắt giữ 12 vụ khai thác cát trái phép với 14 phương tiện vi phạm trên sông Thu Bồn. Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số bề nổi trên thực tế vẫn còn hàng chục phương tiện khác đang ngày đêm lén lút khai thác cát lòng sông. Dù đã có lệnh cấm, siết chặt quản lý bến bãi nhưng tình trạng khai thác cát trái phép ở Quảng Nam vẫn chưa dứt hẳn. Hệ lụy từ nạn khai thác cát trái phép không chỉ là vấn đề môi trường, mà có nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra ở những địa phương nằm ven bờ sông...

Khu vực hố Bầu Huynh, nơi em T. bị đuối nước là một điểm tập kết cát.

Những câu chuyện buồn

Người dân ở thôn Trung Đông, xã Duy Trung, H. Duy Xuyên (Quảng Nam) vẫn còn đau xót trước cái chết thương tâm của em N.T.T (2003) xảy ra vào giữa tháng 7-2017. Hôm ấy, T. cùng 2 bạn học rủ nhau ra hố Bầu Huynh (thuộc sông Cầu Chìm, nhánh sông Thu Bồn) tắm. Không may, do bị sa vào chỗ nước sâu nên em T. chới với, chìm dần. Hai bạn của T. thấy bạn gặp nạn nhưng không thể cứu vì đều không biết bơi, trong khi khu vực này cách xa khu dân cư. Em T. đuối nước, tử vong đến ngày hôm sau mới tìm được thi thể.

Người dân địa phương cho hay, hố Bầu Huynh trước đây vẫn thường có người xuống tắm vì khá cạn. Nhưng mấy năm gần đây, khu vực này được cấp phép mở một bến khai thác cát. Đáng nói là khu vực này ngoài đơn vị được phép khai thác cát vẫn có hàng chục ghe khai thác cát trái phép  hoạt động vào ban đêm. Tình trạng này làm cho hố Bầu Huynh không còn an toàn, hố nước ngày càng sâu hoắm, đất đai ven bờ bị sạt lở. Ông Nguyễn Văn Ba- Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố địa phương đã tiến hành kiểm tra rà soát khu vực khai thác cát đồng thời khuyến cáo người dân không được tắm sông ở những khu vực này.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định di dời khẩn cấp 42 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong số đó có nhiều hộ nằm ở ven bờ sông Vu Gia - Thu Bồn. Ông Nguyễn Văn Chơi- Trưởng phòng nông nghiệp TX Điện Bàn chia sẻ: "Việc sông lấn đất liền do khai thác cát những năm qua đã trở thành thực trạng đáng báo động. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà lượng phù sa mất đi còn khiến ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng. TX Điện Bàn nằm ven bờ 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia nên bị tác động lớn trong việc khai thác cát trái phép. Trong số các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khai thác cát trái phép thì xã Điện Trung (TX Điện Bàn) được xem  là phức tạp nhất". Nói về tình trạng sạt lở, ông Trần Tình- Chủ tịch xã Điện Trung cho biết, năm 2016 trên địa bàn xã bị sạt lở bờ sông kéo dài 300m, sạt lở mất 2ha đất. Tổng cộng những năm qua  xã mất 20ha đất bị trôi xuống dòng sông.

Điểm tập kết cát tại chân cầu Câu Lâu (TX Điện Bàn).

Chung tay bảo vệ dòng sông

Là hai địa phương nằm cạnh nhau nên những biến đổi của dòng sông Vu Gia - Thu Bồn cùng tác động đến tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Trước những diễn biến tiêu cực trong thời gian qua, vào nửa cuối tháng 8-2017, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã ký kết và công bố thành lập Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam Đà Nẵng.

Theo nội dung ký kết, trong giai đoạn 2017-2020, hai địa phương sẽ phối hợp quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam- Đà Nẵng, với 5 nội dung: Tổ chức đối thoại định kỳ về quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ; Tổ chức đánh giá hiện trạng, xác định và dự báo các nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tác động đến phát triển đô thị ở lưu vực sông và vùng bờ; Có trách nhiệm liên tỉnh đối với các quy hoạch phát triển và các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên ở lưu vực sông và vùng bờ; Tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng trong công tác giám sát để quản lý sử dụng, khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái đối với lưu vực sông và vùng bờ; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung của lưu vực sông và vùng bờ, chia sẻ và đồng khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngay sau lễ ký kết, hai bên đã trao đổi, thảo luận và thống nhất đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa và Tứ Câu, với tổng mức đầu tư khoảng 4,8 tỷ đồng và sẽ triển khai từ tháng 4- 12-2018.

H.D