Khai thác dầu ở Ecuador: "Bom nổ chậm" của trái đất
(Cadn.com.vn) - Các chuyên gia tin rằng, để tránh khỏi biến đổi khí hậu tồi tệ nhất trong tương lai, hầu hết các nhiên liệu hóa thạch trên trái đất phải được để lại trong lòng đất.
Alicia Cahuilla không cố gắng che giấu sự tức giận. Nhà lãnh đạo bộ tộc Waorani bản địa đang đứng trước một hố dầu thô đen kịt, trong khi 2 ngọn lửa đang bốc cháy dữ dội tỏa ra mùi hôi nặng nề. Khoảng 50 năm trước đây, cũng như hầu hết các khu rừng nhiệt đới Amazon, khu vực này là đất của Waorani, vùng hoang sơ chỉ có cây cối và suối.
Tổ chức Sáng kiến Yasuni-ITT đầy tham vọng của Ecuador, ra mắt vào năm 2007, lập ra kế hoạch mang tính bước ngoặt nhằm loại bỏ việc thăm dò dầu khỏi khu rừng nguyên sơ nhất đất nước và bảo vệ ngôi nhà của bộ tộc bản xứ ở đó.
Nhưng Ecuador từ bỏ kế hoạch này năm ngoái, và các hoạt động khoan dầu giờ đây có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Leila Salazar của Tổ chức phi chính phủ Amazon Watch có trụ sở tại Mỹ ví việc khai thác dầu trong các khu rừng nhiệt đới của Ecuador là "cài quả bom hẹn giờ cho toàn bộ hành tinh".
Đa dạng sinh học Yasuni
Công viên quốc gia Yasuni ở phía đông bắc Ecuador nằm ở giao lộ Amazon, dãy núi Andes, và Xích đạo. Nó là một điểm nóng sinh học đối với các động vật có vú, chim, côn trùng, thực vật,... 1 ha Yasuni chứa toàn bộ các loài cây có nguồn gốc toàn bộ Bắc Mỹ, mà còn là nơi cư trú của 100.000 loài côn trùng, mức độ đa dạng cao nhất trên mỗi đơn vị diện tích trên thế giới đối với bất kỳ nhóm thực vật hoặc động vật. LHQ tuyên bố, Yasuni một dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1989.
Khu vực Ishpingo, Tambococha và Tiputini (ITT) là nơi còn nguyên vẹn nhất ở lưu vực sông Amazon. Tặng vật thiên nhiên đã hỗ trợ cho cuộc sống của bộ lạc duy nhất còn lại ở Ecuador - hai nhóm người Waorani sống cô lập với thế giới bên ngoài hàng ngàn năm. Đây cũng là nơi có trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác lớn nhất của Ecuador. Hiện, khoảng một nửa doanh thu quốc gia của Ecuador đến từ dầu mỏ. Tổng thống Rafael Correa hy vọng sẽ tăng doanh thu từ nguồn tài nguyên này.
Tuy nhiên, để đáp ứng lời kêu gọi của phong trào khí hậu toàn cầu "để lại dầu trong đất", trong năm 2007, ông Correa đưa ra một đề nghị táo bạo: "Nếu cộng đồng quốc tế đã đồng ý nộp cho Ecuador 3,6 tỷ USD - gần một nửa giá trị của 850 triệu thùng dầu thô ước tính thuộc khu vực ITT của Yasuni - nước này sẽ không khai thác nguồn dầu trên". Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới không đồng ý trả tiền, và Ecuador tuyên bố kết thúc thỏa thuận hồi năm ngoái.
Người dân bộ tộc Waorani lo lắng về việc thăm dò dầu khí trong khu vực. Ảnh: CNN |
Vấn đề môi trường
Cahuilla sinh ra tại Yasuni nhưng hiện đang sống ở Noneno, nằm giữa hai giếng dầu Cononaco và Armadillo, nơi Tổng thống Correa đang đẩy mạnh sản xuất. Cộng đồng Noneno tự cho rằng phải có trách nhiệm bảo vệ và thay mặt cho Waorani.
Hoạt động khai thác dầu leo thang bạo lực, trong đó có giết người, bắt cóc, và xung đột lãnh thổ. Ước tính có khoảng 1.500 người sống ở Yasuni và ITT. Mặc dù được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhưng họ vẫn chủ yếu đi theo lối sống truyền thống của tổ tiên.
Cahuilla cho biết, những người lớn tuổi trong làng cam kết đối phó với bất cứ Cty dầu nào dám đến gần nhà của họ. Khu vực Napo, bao gồm cả Yasuni, hiện là một trong 14 khu vực bị tàn phá nhiều nhất trên thế giới.
Ecuador có tỷ lệ phá rừng cao nhất Châu Mỹ La-tinh, một phần vì dầu nằm sâu trong rừng nên hệ thống đường bộ phải được xây dựng tiếp cận những nơi này. Những con đường làm tổn hại đến các loài động vật bị đe dọa và bị săn bắn bất hợp pháp. Mối đe dọa này còn vượt ra ngoài Yasuni.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu là việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và phá rừng. Ngoài ra, còn rất nhiều những quan ngại khác.
Một cuộc chiến có ý nghĩa toàn cầu
Các tổ chức địa phương như Accion Ecologica có trụ sở tại thủ đô Quito thu thập được hơn một nửa số chữ ký cần thiết trước tháng 4 để tổ chức cuộc trưng cầu quốc gia về ngăn chặn khai thác dầu ở Yasuni. Trong khi đó, Tổng thống Correa tự tin, chính phủ của ông có thể thuyết phục được cộng đồng quốc ký thỏa thuận 3,6 tỷ USD với Ecuador.
Hơn nữa, các nỗ lực dẫn đến Sáng kiến Yasuni-ITT không chỉ giới hạn ở Ecuador. Tháng trước, nhiều nhóm bản địa, phi chính phủ quốc tế tập trung ở đây dưới sự bảo trợ của Liên minh toàn cầu về các Quyền của thiên nhiên, đã tuyên bố không chỉ chiến đấu cho Yasuni, mà còn cho sự thành công tiếp theo ở nhiều nơi khác.
An Bình
(Theo CNN)