Khaled al-Asaad - “Ngài Palmyra” của Syria
(Cadn.com.vn) - Đó là nhà khảo cổ học kỳ cựu người Syria Khaled al-Asaad, người vừa bị Nhóm Hồi giáo cực đoan IS giết hại. Ông là một chuyên gia đã gắn bó và cống hiến cả cuộc đời để nghiên cứu thành phố cổ Palmyra, miền Trung Syria.
Những cống hiến to lớn
Sinh ra trong gia đình có tiếng tăm ở Palmyra vào năm 1934, ông Asaad theo học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Damascus. Sau đó, ông giữ chức Giám đốc Cơ quan quản lý bảo tàng và cổ vật quốc gia Syria và có nhiều cống hiến to lớn cho lĩnh vực khảo cổ học ở quốc gia này. Điều đáng nói là ông Asaad chưa từng trải qua bất kỳ khóa học chính thức nào về khảo cổ và tất cả những kiến thức ông tích lũy được đều nhờ tự tìm hiểu.
Nhà khảo cổ học và cựu quan chức Syria Amr al-Azm đánh giá ông Asaad là “biểu tượng của ngành khảo cổ học Palmyra”. “Nếu bạn muốn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến khảo cổ học hay các di tích cổ ở Palmyra, người đầu tiên bạn phải tìm đến là ông Asaad. Ông ấy được mệnh danh là “Ngài Palmyra”, ông Azm nói. Ông Asaad là người đi tiên phong trong việc khai quật và khôi phục các di tích và theo đuổi chúng trong 4 thập kỷ qua.
Ông Asaad được biết đến qua nhiều bài báo khoa học về các nghiên cứu khảo cổ ở Palmyra trong suốt vài thập kỷ qua. Ngoài ra, ông còn tích cực hợp tác với các đoàn khảo cổ học từ Mỹ, Pháp, Đức và Thụy Sĩ để thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về thành phố cổ này. IS cáo buộc ông Asaad làm việc cho chế độ Tổng thống Bashar al-Assad vì ông từng là thành viên của đảng cầm quyền Baath. Khi ông về hưu vào năm 2003, con trai ông là Walid tiếp nối công việc tại các địa điểm khảo cổ và cả hai đều bị IS bắt giữ hồi tháng trước.
Việc ông Asaad bị IS sát hại là tổn thất lớn đối với văn hóa – lịch sử Syria. Ảnh: BBC |
Hy sinh vì công lý
Palmyra được xem là một trong những điểm khảo cổ giá trị nhất ở Trung Đông bởi nó tọa lạc ở điểm giao thoa của các nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Ba Tư cổ đại, với nhiều ngôi đền có niên đại từ thế kỷ I, II. Kể từ khi IS tràn vào Palmyra hồi tháng 5, giới chức và các nhà khoa học lo ngại chúng sẽ phá hủy thành phố cổ 2.000 tuổi và là một di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Trước đó, nhiều di sản ở thành phố này bị phá hủy trong các cuộc xung đột bùng phát từ tháng 3-2011 giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập. Tháng 12-2014, LHQ cho biết, gần 300 di sản văn hóa ở Syria, trong đó có Palmyra, bị phá hủy hoặc bị cướp. Hành động tàn phá một di tích có giá trị về lịch sử và văn hóa như vậy theo UNESCO là “mất mát to lớn của nhân loại”.
Ông Abdul Karim cho biết, IS cố gắng moi móc thông tin về nơi chôn cất một số kho báu được giấu kín từ ông Asad nhưng ông thẳng thừng từ chối và đó là cái cớ để chúng hành quyết ông. IS chặt đầu và treo xác ông Asaad lên cột được dựng từ thời La Mã ngay giữa quảng trường chính của Palmyra – nơi ông đã gắn bó hơn 50 năm với nhiều cống hiến to lớn về kiến trúc, văn hóa và lịch sử.
Trước đó, theo ông Maamoun Abdul-Karim, chuyên gia khảo cổ kỳ cựu Asaad đã từng nhiều lần được đề nghị rời khỏi Palmyra vì lý do an ninh sau khi thành phố này bị IS tấn công nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối. Nhà sử học, nhà văn Tom Holland nhận xét thái độ kiên quyết của ông Assad đối với IS “là thà chết để bảo vệ lẽ phải và ông Asaad xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng”.
An Bình
(Theo BBC)