Khám thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết
Khi mang thai, bạn cần lưu ý các giai đoạn tuổi thai để khám, theo dõi và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Nắm rõ các giai đoạn phát triển của thai kỳ cùng những cột mốc khám thai và tầm soát các bệnh lý sớm sẽ giúp mẹ theo dõi hoàn toàn quá trình phát triển mạnh khỏe của bé yêu.
* Thai 6-10 tuần tuổi: xác định thai, tim thai, số lượng thai, ngày dự sinh... Trong lần khám thai đầu tiên này, các xét nghiệm cần làm bao gồm các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý của mẹ sẵn có: công thức máu, sắt, nhóm máu, Rhesus, các bệnh lây truyền (viêm gan B, giang mai, HIV) và xét nghiệm nước tiểu.
Nếu bạn hoặc gia đình có tiền sử nguy cơ như đái đường, béo phì, ung thư cổ tử cung, bạn sẽ được tư vấn làm một số xét nghiệm bổ sung cần thiết.
* Thai 11-14 tuần tuổi: thời điểm sàng lọc quan trọng nhất trong cả thai kỳ, bạn cần làm siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm double test.
* Thai 16-18 tuần tuổi: sàng lọc hình thái sớm và làm triple test.
* Thai 22-23 tuần tuổi: thời điểm sàng lọc tốt nhất về hình thái thai nhi giúp phát hiện hầu hết dị tật nếu có.
* Thai 24-28 tuần tuổi: sàng lọc đái đường thai kỳ và theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi. Nếu bạn mang thai con so thì thời gian này cần được tiêm phòng uốn ván lần 1.
* Thai 32-34 tuần tuổi: Siêu âm thai nhằm đánh giá vị trí, cân nặng ước tính của thai và các phần phụ nhau ối. Khám thai giúp phát hiện các bệnh lý thường gặp ở thai phụ 3 tháng cuối như tăng huyết áp, đái đường, viêm nhiễm phụ khoa. Các xét nghiệm cần làm là cấy dịch âm đạo tìm Streptococcus B (một lần duy nhất) và xét nghiệm nước tiểu hằng tháng cho đến lúc sinh.
Cần thực hiện mũi tiêm phòng uốn ván cho thai con rạ và mũi thứ hai đối với con so trong thời gian này.
* Thai 38-41 tuần tuổi: bạn cần khám theo mỗi tuần/lần để đo tim thai, theo dõi nước ối và tiên lượng về chuyển dạ.
ThS-BS ĐỒNG THỊ HỒNG TRANG