Khẩn trương chống xâm thực bãi biển
Trưa 19-1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường đoạn bờ kè kéo dài từ bãi tắm Sao Biển 1 qua Sao Biển 2 tại P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn bị sóng biển ngoạm sâu, đánh sập gây sạt lở nghiêm trọng.
Đà Nẵng đang lên phương án tăng cường khả năng chống chịu của bờ biển. Ảnh: CÔNG KHANH |
Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương gia cố, có báo cáo đánh giá nguyên nhân đồng thời đề xuất phương án triển khai xây dựng hệ thống kè biển song song với đường ven biển, tạo nên mặt tiền phía biển vừa thoáng đẹp vừa có khả năng chống chịu với thiên tai.
Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu ngành chức năng khảo sát, đánh giá |
Nước biển ngoạm sâu, đánh bay kè
Tại hiện trường bãi tắm Sao Biển 1 và Sao Biển 2 thuộc P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, một đoạn bờ kè dài chạy theo khu tắm nước ngọt và lối xuống biển đã bị sóng “giật” gây sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Nhiều khối bê tông chỉ còn dính vào lan can, phía dưới chân đã bị ngoạm sâu tạo nên nhiều hàm ếch, mỗi khi sóng đánh là nước xộc thẳng vào lôi cát ra. Hiện tượng sạt lở còn có nguy cơ tiến sát khu vực nhà hàng, khách sạn tiếp giáp với các bãi tắm này. Theo đại diện Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, hiện tượng xảy ra cách đây khoảng 3 tuần, và chỉ trong một thời gian ngắn đã gây thiệt hại về cơ sở vật chất cũng như ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và du khách. “Hồi trước bước xuống các bậc đá là có một bãi cát vui chơi trước khi ra tới mép nước biển. Khoảng cuối tháng 11-2017 thì bắt đầu có hiện tượng nước biển xâm thực. Giờ đứng trên bậc đá thò chân xuống là đã chạm nước rồi. Thủy triều lên bãi cát cũng đã biến mất”, nhân viên cứu hộ bãi tắm Sao Biển 1 cho hay.
Theo ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch đã tiến hành phong tỏa khu vực sạt lở để tiến hành gia cố, khắc phục đồng thời cập nhật diễn biến, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng tiến hành khảo sát và có phương án lâu dài. “Lực lượng bảo vệ, cứu hộ cũng sẽ túc trực thường xuyên, không để người dân tắm ở khu vực này. Khi nào khắc phục xong và được đánh giá an toàn thì bãi tắm mới hoạt động trở lại”, ông Cường cho hay.
Được biết, hiện tượng xâm thực, sạt lở bãi biển Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện rõ ràng từ đầu năm 2017 tại bãi biển Mỹ Khê. Có đoạn sóng ngoạm sâu vào hơn chục mét tạo nên các ao xoáy gây ảnh hưởng đến việc buôn bán, kinh doanh của người dân cũng như tắm biển của du khách. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường lúc đó, bờ biển sạt lở đều diễn ra hằng năm nhưng mới có dấu hiệu nghiêm trọng hơn do dòng chảy theo mùa thay đổi bất thường, dòng nước chảy rút xa bờ và địa hình đáy biển không đồng nhất. Mặt khác, nhiều cống xả nước từ khu vực dân cư ra biển Đà Nẵng đang bị quá tải khi có mưa. Nước mưa chảy tràn ra ngoài khiến bờ biển bị chia thành nhiều dòng chảy.
Bờ kè chạy dài từ bãi tắm Sao Biển 1 qua Sao Biển 2 bị nước biển xâm thực |
Khẩn trương tăng khả năng chống chịu của bờ biển
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện tượng sạt lở, bồi lấp rất khó lường, trước đây chưa từng có. Năm 2017 cơ quan chức năng ghi nhận điểm sạt lở nghiêm trọng ở khu vực phía trên của bãi biển Mỹ Khê thì nay đã dịch chuyển về phía bãi tắm Sao Biển. Hiện thành phố đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch nghiên cứu xây kè chống sạt lở đồng thời ngành chức năng phải tiến hành khảo sát, đánh giá nguyên nhân để có biện pháp bảo vệ bờ biển lâu dài.
Ông Huỳnh Đức Thơ đánh giá hệ thống kè của bãi tắm cũng như một số nhà hàng chạy dọc bờ biển hiện tại sẽ chống chịu được tác động của sóng biển ngày càng có diễn biến phức tạp. Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT có nghiên cứu, đánh giá bài bản để đưa ra biện pháp lâu dài chứ không thể chắp vá, giải quyết cục bộ khi không có các thông số chính xác. Ông Thơ yêu cầu, trước mắt, song song với việc gia cố đoạn kè của bãi tắm, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cảnh báo, hướng dẫn người dân và du khách đến các khu vực an toàn, Sở Xây dựng phải nhanh chóng khắc phục, gia cố khu vực sạt lở, khi đạt yêu cầu mới hoạt động trở lại.
Về lâu dài, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng hệ thống bờ kè kiên cố, đủ khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, có thể nghiên cứu lồng ghép với hệ thống đường đi bộ ven biển đang có chủ trương triển khai. “Với hiện trạng này, đường đi bộ ven biển sẽ rất tốn kém nhưng phải huy động các nguồn lực để đầu tư trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá toàn diện. Nếu lồng ghép xây dựng cùng lúc, Đà Nẵng sẽ có một mặt tiền biển thông thoáng, đảm bảo mỹ quan có khả năng chống chịu cao”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, có thể nghiên cứu việc lồng ghép hai trong một là vừa làm kè khớp nối với hệ thống đường đi bộ ven biển theo hướng kêu gọi thêm nguồn lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, resort. Vì đây sẽ là các công trình mà bản thân doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn.
CÔNG KHANH