Khẩn trương điều tra, làm rõ vụ "xẻ thịt" rừng ở Vân Canh

Thứ ba, 21/03/2023 17:21
Nhiều cây rừng gỗ lớn ở rừng phòng hộ Vân Canh do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Vân Canh (đóng tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) quản lý bị “xẻ thịt”. Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh và các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Đồng thời, đề nghị trưng cầu giám định lâm sản bị thiệt hại để có cơ sở xử lý hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Từ Trạm quản lý bảo vệ rừng Làng Cam, thuộc BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh, đóng tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, chúng tôi men theo con đường mòn đi sâu trong rừng phòng hộ Vân Canh.

Sau khi lội bộ hơn 1 tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều con suối, đồi núi, chúng tôi đến được khu rừng thuộc tiểu khu 316, xã Canh Liên. Tại khu vực suối Cố, có một lán trại nhỏ dựng dưới tán cây rừng. Bên trong lán trại có nhiều đồ vật như xoong, nồi, quần áo và các can nhựa đựng nhiên liệu máy cưa.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.
Một gốc cây bị cưa hạ.
Thân cây gỗ bị cưa hạ chưa được "xẻ thịt" còn lại tại hiện trường.

Tiến sâu thêm vào trong rừng khoảng chừng 500m, chúng tôi thấy có nhiều gốc cây có đường kính khoảng 30 đến 70cm đã bị cưa hạ không thương tiếc. Nhiều cây rừng chỉ mới bị cưa hạ, thân cây bị “xẻ thịt”, cắt khúc chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Có cây chỉ mới bị cưa hạ, gốc cây còn rỉ nhựa, lá cây vẫn còn xanh. Nhiều cây đã bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc. Tại hiện trường để lại bột cưa và những mảnh gỗ viền, vụn cây không sử dụng được. Cả khu rừng ngổn ngang những dấu tích mới, cũ.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 20/3, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh cùng với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, BQL rừng phòng hộ huyện Tây Sơn và BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh tiến hành kiểm tra hiện trường xác định: Khu vực rừng bị tàn phá thuộc khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên, huyện Vân Canh do Trạm quản lý bảo vệ rừng Làng Cam, thuộc BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh quản lý. Khu vực này đã được giao cho một số hộ dân ở xã Canh Tiến, huyện Vân Canh tuần tra, bảo vệ.

Qua kiểm tra hiện trường cho thấy, tại khu vực rừng phòng hộ này đã có 15 cây rừng bị khai thác. Cụ thể, tại Lô 8, Khoảnh 6, Tiểu khu 316, xã Canh Liên có 10 cây đường kính gốc từ 15cm đến 50cm, chủng loại Ké nhóm V, Sổ nhóm VII, thuộc loài thông thường đã bị khai thác; Tại lô 5, khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên có 3 cây đường kính gốc từ 36cm đến 42cm, chủng loại: Ké nhóm V, thuộc loài thông thường và Tại Lô 12, Khoảnh 6, Tiểu khu 316, xã Canh Liên cũng có 2 cây đường kính gốc 35cm và 38cm, chủng loại Trâm nhóm V, thuộc loài thông thường cũng đã bị đốn hạ.

Lực lượng chức năng nhận định, thời gian khai thác ở khu vực này là vào khoảng đầu tháng 3/2023; trong đó có 1 cây khai thác khoảng tháng 10/2022, dấu vết khai thác đã cũ.

Tổng số cây bị khai thác trái pháp luật là 15 cây, tuy nhiên, số cây lấy được gỗ ra khỏi hiện trường 6 cây, đường kính từ 25cm đến 50cm, số còn lại cây nhỏ hoặc rỗng ruột. Tổ Công tác chưa xác định được cụ thể khối lượng lâm sản đã bị khai thác trái pháp luật. Trong quá trình kiểm tra thì chưa xác định được đối tượng đã khai thác số gỗ nói trên.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, khu vực rừng phòng hộ này lần đầu tiên phát hiện một số gốc mới chặt, đang còn hiện trạng ban đầu. Do tình hình thời tiết năm nay mưa nhiều nên lợi dụng lúc trời mưa sơ suất đã xảy ra việc lén lút thực hiện cưa trộm.

“Việc xác định gỗ phải có cơ quan điều tra, xác định chiều cao của thân cây, tương quan đường kính gốc chặt, với chiều cao, phải bằng phương pháp tính toán cụ thể mới tính khối lượng. Tại hiện trường chỉ còn lại gốc chặt. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đề nghị trưng cầu giám định lâm sản bị thiệt hại để có cơ sở xử lý hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định”, ông Sáu cho hay.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Tưởng, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Làng Cam cho biết, Trạm đã phát hiện vụ việc này khoảng 2 tuần nay. Khi phát hiện sự việc, đã tiến hành lên hiện trường kiểm tra, kiểm đếm số cây bị thiệt hại và báo cáo sự việc lên BQL rừng phòng hộ huyện Vân Canh.

“Bữa trước có 4 cây bị cưa hạ rồi báo cáo có các hộ dân cưa cây làm nhà nghĩa địa. Dân ở đây theo phong tục miền núi nó vậy, mình thấy dân họ khóc dữ quá nhưng cũng không cho họ vào phá rừng”, ông Tưởng cho hay.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.

Liên quan đến vụ việc trên, chiều 21/3, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết sau khi kiểm tra tình hình thực tế khai thác gỗ trái phép ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh, lãnh đạo Sở giao cho Chi cục kiểm lâm đánh giá, kiểm tra toàn bộ tất cả cây bị khai thác trái phép này báo cáo cụ thể cho Sở NN&PTNT và trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý.

"Với mức độ vi phạm tới đâu sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, có thể là truy tố trách nhiệm hình sự đối với đối tượng này. Qua đây, phải nói rằng rất đáng tiếc để xảy ra vụ việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo cho Chi cục kiểm lâm phối hợp với BQL rừng phòng hộ Vân Canh, tại vì đây là diện tích chủ rừng là BQL rừng phòng hộ Vân Canh tăng cường tuần tra kiểm soát không để xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian sắp tới”, ông Phúc nói thêm.

Theo CAND