Khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ tai biến y khoa tại Đà Nẵng
* Quảng Nam, Đà Nẵng tạm ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy
* Tạm đóng cửa phòng mổ Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng
Trưa 21-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) thăm và động viên sản phụ N.T.H (1986, trú Q. Liên Chiểu) đang được điều trị tích cực tại đây sau sự cố tai biến y khoa xảy ra tại Bệnh viện (BV)Phụ nữ Đà Nẵng. Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đến thắp hương, chia buồn với gia đình sản phụ H.P.T (1987, trú Q. Hải Châu) và sản phụ V.T.N.S (1986, trú Q. Cẩm Lệ).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và động viên sản phụ N.T.H. |
Thay mặt ngành Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân, đồng thời cho biết Bộ Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực làm rõ nguyên nhân vụ việc, sớm có kết luận cụ thể về nguyên nhân tử vong. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố, BV Đà Nẵng huy động tối đa nhân lực, kỹ thuật để điều trị, theo dõi sát những diễn biến của sản phụ N.T.H. Theo Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, khi sự cố xảy ra, Sở đã chỉ đạo BV Đà Nẵng tập trung hết sức lực, nguồn lực để cứu sống sản phụ nguy kịch. Tính đến hôm nay sản phụ đã tạm thời ổn định. Ts.Bs Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết: sản phụ H. đang có dấu hiệu hồi phục, hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi thêm...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, sự cố y khoa vừa xảy ra là nghiêm trọng, đồng thời cũng mong bệnh nhân và gia đình thông cảm, chia sẻ với ngành y tế. Đối với nghi vấn xung quanh việc sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW spinal 0,5% Heavy, ông Sơn cho biết, với một sự cố y khoa, đặc biệt là sự cố y khoa nghiêm trọng vừa xảy ra cần phải phân tích rất nhiều yếu tố, trong đó có cả sự an toàn của người bệnh, các thuốc đã được sử dụng, quy trình, kỹ thuật và các phản ứng sau khi có tai biến. Với loại thuốc này, cần phân tích về độ an toàn, có độc chất, nhiễm trùng, tạp chất hay không...
Sở Y tế TP Đà Nẵng đã niêm phong 120 lọ thuốc gây tê còn lại và gửi mẫu ra Viện kiểm nghiệm Trung ương. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu đơn vị này làm các xét nghiệm, sớm có kết quả để phục vụ cho công tác thẩm định, đánh giá của hội đồng chuyên môn về nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, về độ an toàn của thuốc thì sẽ có kết quả sau khoảng 1 tuần nhưng để đánh giá có tạp chất trong thuốc hay không thì phải mất 1,5-2 tháng... Cũng theo ông Sơn, tỷ lệ các BV dùng thuốc Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy ở số lượng lớn, dù không phải toàn bộ nên muốn quy kết do thuốc hay không phải chờ chứng cứ khoa học. Ông Sơn cho biết: Tôi cũng phải kiểm tra lại vì chưa nắm được những khuyến cáo về phía ngành y tế. Dĩ nhiên, việc khuyến cáo sử dụng một loại thuốc hay ngưng sử dụng một loại thuốc rất ảnh hưởng đến công tác điều trị, đặc biệt là công tác mua sắm. Chúng tôi sẽ tổng hợp lại tất cả các tài liệu và sẽ có phản ứng kịp thời nhất...
Theo Bs.Ck2 Ngô Thị Kim Yến, sau sự cố y khoa này, Sở báo cáo ngay cho Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan. Đồng thời tiến hành nhiều công việc để tìm nguyên nhân, trong đó việc đầu tiên là tìm xem lô thuốc đang dùng có vấn đề gì không và tổ chức niêm phong toàn bộ 120 ống còn lại. Bs Yến cho biết: Việc sử dụng thuốc nói chung và việc sử dụng thuốc gây tê, gây mê luôn nằm trong quy trình kiểm soát chặt chẽ. Sau vụ việc này, chúng tôi sẽ rà soát về mặt chuyên môn, việc sử dụng thuốc, chỉ định mổ tại các bệnh viện đồng thời sẽ đưa thuốc gây tê vào diện kiểm soát đặc biệt. Đối với BV Phụ nữ, phòng mổ sẽ tạm đóng cửa cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng...
Cũng theo Bs Yến, mặc dù chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân sản phụ tử vong nhưng để loại trừ những nguy cơ có thể xảy ra, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố dừng sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW spinal 0,5% Heavy. Và Sở Y tế sẽ tìm thuốc thay thế loại thuốc gây tê này, các loại thuốc thay thế sẽ nằm trong vòng kiểm soát đặc biệt. Bs Yến cho biết: Trong thời gian từ giờ đến khi có kết quả, các BV sẽ tìm các thuốc thay thế. Vì thuốc gây tê này đấu thầu là của Pháp, do đứt hàng nên từ tháng 5, các đơn vị đều sử dụng thuốc của Ba Lan. Chúng tôi sẽ làm việc với các hãng để tìm các thuốc khác thay thế kịp thời...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên và tặng quà cho người nhà sản phụ N.T.H. |
Quảng Nam yêu cầu tạm dừng sử dụng thuốc Bupivacain QUẢNG NAM - Ngày 21-11, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh đã ký Công văn "khẩn" số 2092/SYT-NVY gửi các đơn vị y tế công lập, các bệnh viện đa khoa ngoài công lập về việc tạm thời ngừng sử dụng thuốc Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy (gọi tắt là thuốc Bupivacain) do Ba Lan sản xuất. Trước đó, báo chí phản ánh trường hợp sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng dẫn đến hai trường hợp tử vong, một trường hợp nguy kịch trong việc gây tê bằng thuốc Bupivacain do Cty CP Dược phẩm Trung ương CPCI - Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng. Để đảm bảo an toàn người bệnh, tránh sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra trong khám chữa bệnh, Sở Y tế Quảng Nam đề nghị các đơn vị y tế có cung cấp dịch vụ kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng thuốc gây tê nghiêm túc ngừng sử dụng thuốc Bupivacain (Cty CP Dược phẩm Trung ương - Chí nhánh Đà Nẵng cung ứng) trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghệm Trung ương. Các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện Công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29-8-2019 về việc sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai. Đối với trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR quốc gia, đồng thời gửi Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Sở Y tế Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị tuân thủ phác đồ, quy trình, quy định chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh, giảm thiểu tai biến và sự cố y khoa xảy ra... TRẦN TÂN |
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã đưa tin, 8 giờ ngày 17-11, BV Phụ nữ TP tiếp nhận sản phụ V.T.N.S (1986, trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) mang thai hơn 38 tuần vào viện để sinh trong trạng thái đủ tháng, chuyển dạ, thai to, đa ối/vết mổ cũ. 11 giờ 20 cùng ngày, sau khi bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, sản phụ có biểu hiện khó chịu vùng mông, bứt rứt khó chịu, đau, chuyển mê nội khí quản... Sau đó, sản phụ có biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh nên được chuyển BV Phụ sản - Nhi, với chẩn đoán bệnh chính theo dõi ngộ độc thuốc gây tê tủy sống/mổ lấy thai, biến chứng co giật 2 chi dưới. Đến 20 giờ ngày 17-11, bệnh nhân tử vong. Tương tự, sản phụ N.T.H (1986, trú Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mang thai hơn 37 tuần vào viện lúc 10 giờ 50 ngày 17-11 trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15 giờ cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ.
Tuy nhiên sau khi gây tê tủy sống, sản phụ có các triệu chứng giống sản phụ S. trước đó như biểu hiện tê, đau vùng mông, đau vùng cùng cụt, khó chịu, bứt rứt nên chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ mổ lấy cháu bé ra ngoài, còn chị H. vẫn đang được điều trị hồi sức tích cực... Trước đó, ngày 22-10, sản phụ L.H.P.T (1988, trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) nhập viện để sinh với thai con so, đủ tháng. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, sau khi được gây tê cột sống để tiến hành phẫu thuật lấy thai thì sản phụ đột ngột lên cơn tím tái, khó thở, suy hô hấp rất nhanh và ngưng tim. Sau 60 phút hồi sức tích cực nhưng không hiệu quả, sản phụ được chuyển cấp cứu sang BV Đà Nẵng (lúc 17 giờ 45) để cấp cứu cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, sản phụ đã trụy tim, suy hô hấp và tử vong ngay sau đó...
Được biết, chiều cùng ngày, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp để nghe Sở Y tế và các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể, chi tiết về những vấn đề liên quan đến vụ tai biến y khoa vừa xảy ra tại BV Phụ nữ.
TRÍ DŨNG