Khẩn trương triển khai các công trình văn hóa

Thứ bảy, 10/04/2021 20:41

Các công trình đầu tư cho văn hóa mang tính cấp thiết chẳng kém gì kinh tế song tiến độ triển khai rất chậm. Thậm chí, có những công trình chờ đợi mòn mỏi hàng chục năm tới giờ vẫn chưa biết khi nào triển khai!

Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng đến giờ vẫn chưa thể khởi công.

Chậm đến sốt ruột

Phải khẳng định Đà Nẵng thiếu công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn, tương xứng với vị thế của một đô thị văn minh, hiện đại. Đà Nẵng không thể trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Trung- Tây Nguyên như xác định của Trung ương nếu không có các thiết chế văn hóa xứng tầm. Theo quy hoạch chung TP  Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt mới đây, Đà Nẵng sẽ đầu tư mới Nhà hát lớn TP,  Trung tâm văn hóa TP, Quảng trường trung tâm TP, Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn, các công viên biển dọc vịnh Đà Nẵng... Nghị quyết của HĐND TP cũng xác định các công trình văn hóa cần tập trung nguồn lực triển khai sớm trong giai đoạn 2020-2025 gồm Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Nhà Văn hóa Thiếu nhi phía Tây TP, Công viên Thanh niên, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ, mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang...  Không cần phải nói thêm về vai trò, tính cấp thiết của các công trình văn hóa, nhưng nhìn lại thực tế, việc triển khai các công trình này rất chậm.

Trước tiên là Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng, theo kế hoạch khởi công từ cuối tháng 7- 2020, tuy nhiên đến nay vẫn còn đang trình Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế dự toán. Đây là công trình có kiến trúc độc đáo, nằm ở vị thế thuận lợi, khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng từ thành Điện Hải về sẽ là điểm tham quan văn hóa thu hút đông đảo người dân, du khách. Cuối tháng 3-2021, Thường trực HĐND TP đã đề nghị giữ nguyên hiện trạng Hội trường số 42 Bạch Đằng để phục vụ cho các kỳ họp HĐND TP. Sau này, khi TP xây dựng Hội trường kết hợp với Trung tâm hội nghị phục vụ chung cho các sự kiện chính trị sẽ bàn giao Hội trường số 42 để tổ chức các hoạt động của bảo tàng. Ngoài ra, Thường trực HĐND TP cũng đề nghị khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khởi công công trình vào 30-4-2021, trong đó nghiên cứu phương án quy hoạch Quảng trường Trung tâm TP đảm bảo khớp nối hài hòa về không gian, kiến trúc, cảnh quan với Bảo tàng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2). Kế hoạch khởi công vào cuối tháng 11-2020, song đến nay vẫn đang trình Sở Xây dựng thẩm định. Việc chậm trễ tiến độ này được lý giải do là dự án thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nên trong quá trình chuẩn bị đầu tư, các thủ tục lập dự án phải xin ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; trong bước thẩm định dự án phải xin ý kiến nhiều sở ngành và phải điều chỉnh hồ sơ dự án nhiều lần. Hoặc dự án mở rộng công viên vườn tượng APEC, kế hoạch hoàn thành vào ngày 8-4-2021 nhưng hiện thi công chưa đạt 50% khối lượng.

Cho đến nay, Đà Nẵng vẫn là địa phương duy nhất cả nước chưa có trụ sở Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh (TTVHĐA) đúng nghĩa, dù đây là thiết chế văn hóa cốt lõi. Hơn 10 năm “trôi dạt” nhiều địa điểm để nhường địa chỉ 84 Hùng Vương cho một dự án kinh tế vẫn đang “treo”, hiện TTVHĐA đang tá túc tạm tại Trung tâm Hội trợ triển lãm. Hơn 10 năm, những người làm văn hóa ở đây vẫn đang chờ được “an cư”, nhưng dự án TTVHĐA chưa biết khi nào triển khai. Theo thông tin hiện có đến nay, TP có chủ trương gộp chung khu đất 3,7 ha phía Đông Công viên Thanh niên để xây dựng TTVHĐA và Trung tâm Hành chính Q. Hải Châu. Về lâu dài, TP thống nhất quy hoạch tập trung khoảng 10 ha tại khu đô thị Đa Phước các công trình Nhà hát lớn TP, TTVHĐA, Nhà trưng bày các tác phẩm, hiện vật do các tổ chức, cá nhân tặng. Hiện nay, TP giao Hội Liên hiệp Thanh niên phối hợp với Sở Xây dựng, Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng hoàn thiện Quy chế, nhiệm vụ thi tuyển Cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế quy hoạch, kiến trúc Công viên Thanh niên. Trong đó, đối với TTVHĐA thống nhất chỉ đưa vào ở mức nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc tại cuộc thi. Việc triển khai phương án chi tiết được thực hiện ở bước sau. Dự kiến, công tác thi tuyển sẽ hoàn thành trong tháng 5-2021. Như vậy, sau hàng chục năm mòn mỏi chờ đợi, TTVHĐA giờ vẫn chưa biết khi nào triển khai.

Không thể chậm hơn nữa

Nhà Văn hóa Thiếu nhi phía Tây TP tại Q. Liên Chiểu dù đã nói từ lâu, bàn bạc rất nhiều song đến nay vẫn đang dừng ở khâu lập quy hoạch chi tiết 1/500. Tương tự Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã đề cập hàng chục năm nay, song tới giờ vẫn đang lập quy hoạch di tích đối với Khu danh thắng để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 6-2021. Sau khi Quy hoạch di tích được phê duyệt mới xúc tiến các bước kêu gọi đầu tư.

Ngoài ý nghĩa bảo tồn, việc đầu tư cho các công trình văn hóa còn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, vì vậy cũng cấp thiết cần đẩy nhanh tiến độ. Chẳng hạn với dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ (tổng vốn khoảng 100 tỷ đồng), ngoài giá trị bảo tồn còn là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách. Đây là di tích cấp TP, đã khai quật được hơn 100 hiện vật, tài liệu giá trị và được TP phê duyệt ranh giới sử dụng đất hơn 19 ngàn m2. Sau khi có chủ trương đầu tư di tích này thành cơ sở 2 của Bảo tàng điêu khắc Chăm, TP đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2021.

Tương tự với dự án mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang cũng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đây là quần thể di tích văn hóa lịch sử có giá trị tâm linh đặc biệt với TP. Nghĩa trủng Phước Ninh và Hòa Vang là 2 nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên ở Việt Nam, gắn liền với thành Điện Hải trong buổi đầu kháng Pháp (1858-1860). Theo phương án quy hoạch Dự án mở rộng Khu di tích quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang thì tổng diện tích hơn 15,7 ngàn m2 với các khu tượng đài, quảng trường, công viên ký ức, không gian cây xanh. Ngoài phần diện tích hiện tại của nghĩa trũng sẽ mở rộng thêm khoảng 6.000m2 lấy từ Bệnh viện Y học ổ truyền (cũ) phục vụ dự án. Hiện TP đã thống nhất phương án quy hoạch Công viên bên ngoài nghĩa trủng theo đề xuất của quận Cẩm Lệ, dự kiến sẽ khởi công dự án trong tháng 6-2021.

Rõ ràng, các công trình văn hóa cũng bức thiết, cần triển khai sớm để tương xứng với một đô thị hiện đại như Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH