Kháng nghị giám đốc thẩm vụ Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công sản

Thứ năm, 26/09/2019 11:41

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ra quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSST ngày 13-6-2019 của Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội về phần xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và đồng phạm gây ra; phần kết luận các giao dịch liên quan đến 7 tài sản của Nhà nước là giao dịch dân sự vô hiệu và xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu; phần nội dung ghi thêm trong bản án in so với nội dung bản án đã tuyên tại Hội trường xét xử.

 

Sai lầm nghiêm trọng

VKSND Tối cao xác định, bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm có những nhận định và kết luận về giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm gây ra cho Nhà nước không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, không có căn cứ và không đúng pháp luật. Cụ thể, theo VKS, mục đích của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động đến những người có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý Nhà nước để được chuyển giao quyền sở hữu, quyền quản lý, khai thác đối với 7 tài sản của Nhà nước sang cá nhân Vũ và các Cty của Vũ không thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Phan Văn Anh Vũ có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng, cho thuê, khai thác, sử dụng, góp vốn... nhằm hưởng lợi từ những giá trị tăng thêm của các bất động sản.

Đồng thời, trong quá trình chuyển giao, Vũ và các đồng phạm dùng quyền lực để Vũ và các Cty của mình còn được hưởng những ưu đãi về giá, hệ số sinh lợi của bất động sản, từ đó gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Đối tượng hướng đến của Phan Văn Anh Vũ là những diện tích đất lớn nằm ở vị trí trung tâm, có giá trị sinh lợi cao tại TP Đà Nẵng và TPHCM. Trên thực tế, trong thời gian từ khi thực hiện hành vi phạm tội đến khi Phan Văn Anh Vũ bị phát hiện khởi tố, giá trị của 7 tài sản của Nhà nước nêu trên đã tăng lên gần 10 lần.

Thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm gây ra phải được xác định không chỉ là những ưu đãi về giá, hệ số sinh lợi mà Phan Văn Anh Vũ có được khi nhận 7 tài sản của Nhà nước mà còn bao gồm thiệt hại do Nhà nước đã mất đi quyền khai thác, quản lý, sử dụng 7 tài sản nói trên, giá trị tăng thêm của các tài sản này và cả những thiệt hại khác mà Vũ đang gây ra trong quá trình sử dụng. Do đó, hậu quả thiệt hại của vụ án phải bao gồm các thiệt hại nêu trên và được tính từ khi Phan Văn Anh Vũ cùng các Cty của Vũ làm các thủ tục để nhận chuyển giao tài sản đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện và ngăn chặn (thời điểm khởi tố, điều tra vụ án). Vì vậy, VKS cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào Kết luận giám định số 01 và 02/HĐĐG1339-KL ngày 27-12-2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm gây ra tại thời điểm khởi tố vụ án hơn 1.159 tỷ đồng là có cơ sở, phù hợp với mục đích, bản chất, diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo.

VKSND Tối cao khẳng định, Tòa án cấp phúc thẩm không nhận định, đánh giá hậu quả thiệt hại của hành vi phạm tội mà Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm đã gây ra mà lại xác định số tiền hơn 135 tỷ đồng cùng với khoản thu lợi từ việc cho thuê tài sản 5,82 tỷ đồng là hậu quả của hợp đồng vô hiệu giữa Vũ và các cơ quan Nhà nước là không đúng với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, "dân sự hóa" hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án. Việc đánh giá, xác định thiệt hại cho Nhà nước của Tòa án cấp phúc thẩm như trên là chưa phù hợp với quan điểm, đường lối xử lý đối với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là yêu cầu thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có và khắc phục hậu quả hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế đã gây ra trong giai đoạn hiện nay.

Tự thêm nội dung vào bản án

Qua xác minh theo thủ tục giám đốc thẩm, kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy, Tòa án cấp phúc thẩm đã bổ sung nhiều nội dung vào Bản án in số 346/2019/HS-PT ngày 13-6-2019 so với nội dung Bản án đã tuyên tại hội trường xét xử.

Cụ thể các nội dung: Tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền 135.388.822.503 đồng của Cty Bắc Nam 79 và Cty Nova 79 hưởng lợi từ giao dịch vô hiệu; buộc Cty Bắc Nam 79 phải bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất tại số 15 Thi Sách, Quận I, TPHCM là 6.777.262.500 đồng và nộp tiền thuê đất kể từ ngày nhận bàn giao đất theo quy định của pháp luật; tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền 417.529.398.430 đồng của bị cáo Phan Văn Anh Vũ sử dụng vào việc phạm tội và số tiền 5.820.000.000 đồng của bị cáo Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính từ việc phạm tội.

Ngoài ra, bản án in còn ghi thêm một số nội dung về việc tạm giữ tiền của Cty Bắc Nam 79 và Cty Nova 79. Những nội dung bổ sung như trên đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 261 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc, sự đúng đắn, khách quan của hoạt động xét xử và ban hành bản án, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét đầy đủ những nội dung tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 06/QĐ-VKS(P3) ngày 14-2-2019 của VKSND TP Hà Nội. Cụ thể, sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14-2-2019, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội quyết định kháng nghị phúc thẩm Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2019/HSST ngày 30-1-2019 của TAND TP Hà Nội; trong đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của Nhà nước do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.159 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSPT ngày 13-6-2019, Tòa án cấp phúc thẩm chưa nhận định và quyết định về nội dung kháng nghị này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong xét xử.

Trên cơ sở những phân tích trên, VKSND Tối cao đã quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSPT ngày 13-6-2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội về phần xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra; phần kết luận các giao dịch liên quan đến 7 tài sản của Nhà nước vô hiệu là giao dịch dân sự (vô hiệu) và xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu; phần nội dung ghi thêm trong bản án in so với nội dung bản án đã tuyên án tại Hội trường xét xử.

Đồng thời, VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSPT ngày 13-6-2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật về các nội dung sau: Xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm gây ra tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.159 tỷ đồng; hủy phần tuyên bố các giao dịch, hợp đồng của Cty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, Cty cổ phần Nova Bắc Nam 79 liên quan đến việc giao, mua/bán; thuê/cho thuê đối với 7 tài sản của Nhà nước bị vô hiệu toàn bộ theo quy định của pháp luật dân sự và xử lý tài sản do giao dịch vô hiệu, để xét xử phúc thẩm lại.

KIM ANH – TTXVN