Khánh thành Di tích Lịch sử- Văn hóa đình làng Phước Thuận
Đà Nẵng- Ngày 1-5, UBND xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) phối hợp với nhân dân thôn Phước Thuận Phước Hậu tổ chức lễ khánh thành Di tích Lịch sử Văn hóa Đình làng Phước Thuận với sự tham dự của đại diện lãnh đạo TP, huyện, xã; cùng quý vị đại biểu và đông đảo người dân trong thôn đến tham dự.
Các đại biểu cắt băng khánh thành đình làng. |
Đình Phước Thuận (tiền thân là đình Phước Sơn) ban đầu được lập bằng tranh tre nứa lá ở Cồn Am, xứ Bàu Dài (nay là Xóm Trên thôn Phước Thuận). Về sau, Đình được dời về xứ Cây Trôi cho đến ngày nay. Đến thời Tây Sơn, niên hiệu Thái Đức (1778 – 1793), đình làng được xây dựng khang trang bằng gỗ và vật liệu tại chỗ, còn lưu dấu tích ở ruộng Hồ Lư là nơi lấy đất sét sản xuất gạch ngói ngày xưa… Vào đời Tự Đức (1848 – 1883), Đình được trùng tu sửa chữa lại, là một trong những ngôi đình bề thế nhất, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật trên đất Hòa Vang lúc bấy giờ và được dân gian ca ngợi qua câu ca: “Đi vô xem đình La Qua (Điện Bàn), đi ra trông đình Phước Thuận (Hòa Vang)”.
Đình làng Phước Thuận hiện tọa lạc tại thôn Phước Thuận Phước Hậu (xã Hòa Nhơn), trong khuôn viên có diện tích khoảng 3.000m2. Trải qua thời gian và chiến tranh, đình Phước Thuận đã bị hư hại hoàn toàn. Năm 2000, đình được trùng tu, xây dựng lại nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghi, bề thế của đình làng. Năm 2019, Đình Phước Thuận được Nhà nước cho đại tu với kinh phí 5,8 tỷ đồng, dự kiến khánh thành vào năm 2020 nhưng vì lý do dịch Covid-19 nên được hoãn lại và tổ chức khánh thành vào ngày 1-5-2021. Hiện nay, đình còn lưu giữ được các hiện vật: Bộ lỗ: bao gồm hai cái siêu, hai cái rìu, hai tay văn và hai tay võ. Đây là các hiện vật được sử dụng trong các ký đại lễ, rước sắc phong. Sắc phong: đình còn lưu giữ được 14 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban và Đình Phước Thuận được UBND TP Đà Nẵng công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp thành phố tại quyết định số 5874/QĐ-UBND ngày 30-8-2006.
Tiên Sa