Khát khao một cây cầu

Thứ ba, 30/03/2021 20:59

Cây cầu tre xóm Đông thôn Cẩm Đồng mới bị ghe tàu hút cát trộm đâm gãy trụ cách đây nửa tháng, người dân mới dựng lại đi tạm.

Có lẽ ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam, duy chỉ còn 2 cây cầu tre bắc ngang sông Vĩnh Điện ở thôn Cẩm Đồng, xã Đại Phong, thị xã Điện Bàn"- ông Nguyễn Tú, một người dân của thôn khẳng định với tôi như thế. Tôi không dám hoàn toàn công nhận lời khẳng định của ông Tú, nhưng trong chiều tà, cứ đứng ngắm nhìn mãi hai cây cầu tre, thì phải công nhận, giữa khung cảnh làng quê sông nước yên bình,  hai cây cầu tre như hai "điểm nhấn",  đầy tính nghệ thuật về một vùng nông thôn Việt Nam ngàn năm còn hiện hữu. Ông Tú quả là tinh ý, đoán được ý nghĩ của tôi: "Ôi chao, anh chờ chút nữa, đám thanh niên, khách du lịch từ thành phố kéo nhau về, chờ người dân đi làm đồng qua cầu là xúm nhau "săn" ảnh". Vậy mà dứt lời, ông lại trầm ngâm than phiền: "Hai cây cầu nhìn đẹp vậy, nhưng lại là nỗi buồn, trăn trở với người làng tôi suốt mấy chục năm qua".  

Thôn Cẩm Đồng có từ mấy trăm năm nay, nhưng đò ngang cách trở, muốn về trung tâm xã Đại Phong phải đi vòng qua thị xã Vĩnh Điện, xuôi theo QL1A, qua cầu Câu Lâu, rồi mới ngược lên phía Gò Nổi. Thôn có hơn 400 hộ dân, vốn là dân đồng bãi ven sông, ngoài mấy sào ruộng, tất cả đời sống phụ thuộc vào việc canh tác rau màu trên 100 ha bên bãi Gò Đình. Ngặt nỗi, từ thôn sang đến bãi Gò Đình, phải qua con sông Vĩnh Điện, một nhánh của sông Thu Bồn chảy về hướng Đà Nẵng. Con sông chỉ rộng chừng gần 100 mét, mà lại sâu thăm thẳm, mấy chục năm qua, người dân Cẩm Đồng muốn qua sông sang đồng bãi, phải tự bắc hai cây cầu tre để men theo mỗi ngày. 

Tôi hỏi ông Tú, vậy có còn con đường nào khác không phải qua sông không? Ông Tú cười, còn con đường nữa, nhưng cũng phải vòng lên thị xã Vĩnh Điện, ngược theo QL1A, rồi ngược lên xã Điện Phước, vòng về bãi Gò Đình, những gần 20 km lận. Với người nông dân mà đi làm đồng, làm ruộng chừng ấy cây số là điều không thể.  Thôi thì trong thôn, mỗi hộ góp vài trăm nghìn đồng, một cây tre, xúm vào bắc cây cầu qua sông. Để đi lại cho thuận tiện, bà con bàn nhau bắc hẳn hai cây cầu, gọi là cầu xóm Đông và cầu xóm Nam. Năm nào cũng thế, hết mùa mưa lũ là bà con lại hò nhau góp tiền, góp tre làm cầu, qua năm sau mùa mưa lũ đến, cầu trôi đi, lại chờ hết mưa lũ, góp tre, góp tiền làm cầu... Cái vòng luẩn quẩn trôi cầu, làm cầu nó cứ thế mấy chục năm qua. Không làm cầu không được, thu nhập đời sống hàng ngày trông chờ vào những luống  rau, luống ớt, vạt bắp, vạt bí bên Gò Đình, nghỉ ngày nào là "đói" luôn.  Ấy vậy mà cũng chưa yên đâu, cầu vừa làm xong, chưa đến mùa mưa lũ, vậy mà sáng hôm sau gãy gập đôi. Đấy là "cái tội" của đám tàu ghe hút cát trộm trên sông Thu Bồn, nửa đêm luồn sông Vĩnh Điện vào bãi tập kết cát, đâm gãy trụ cầu. Biết bao nhiêu lần như thế, bà con chẳng biết kêu ai, thôi đành nuốt giận vào lòng, xúm nhau chống lại cây cầu.

Tôi hỏi ông Tú cùng bà con thôn Cẩm Đồng, sao bà con mình không đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ để làm một cây cầu nhỏ, nhưng kiên cố, chắc chắn hơn nhỉ?. Ông Tú lắc đầu ngao ngán, đã đề nghị cả chục lần rồi, nhưng người ta bảo, sang bãi Gò Đình chỉ để trồng bắp, trồng bí, trồng ớt không có trường học, không có người dân ở, "không cần thiết" phải làm cầu.

Cây cầu tre xóm Nam, thôn Cẩm Đồng cũng lắc rung bần bật vì lượng người qua lại quá nhiều khi cây cầu tre xóm Đông đã bị hư hỏng.

Bà con thôn Cẩm Đồng cũng cho biết, có những cuộc họp cử tri, bà con đưa ra ý kiến, thôn có hơn 400 hộ dân, mỗi hộ tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng, được hơn 800 triệu đồng, đề nghị chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ chừng đó nữa, bắc một cây cầu nhỏ, kiên cố hơn bằng bê tông cốt sắt, nhưng ý kiến của người dân vẫn rơi vào im lặng.
Mang nỗi băn khoăn, trăn trở của bà con thôn Cẩm Đồng, tôi trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Đại Phong -Dương Hiển Công. Ông Công cho biết, thực ra bãi Gò Đình hơn 100 ha trước đây là nơi sản xuất của 4 thôn, Cẩm Phú 1 và 2, Tân Thành và Cẩm Đồng. Cũng như  thôn Cẩm Đồng, những thôn kia phải qua sông Thu Bồn để canh tác sản xuất, đò ngang cách trở, không thể qua sông mãi được, đành phải để đất bỏ hoang. Xã Điện Phong đã đạt danh hiệu nông thôn mới từ năm 2013, tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, để bà con thôn Cẩm Đồng đến nơi sản xuất khó khăn cách trở như lâu nay, chính quyền xã cũng trăn trở, suy nghĩ lắm, nhưng chưa có cách nào giải quyết. UBND xã cũng nhiều lần đề nghị lên cấp trên, ngành chức năng xem xét, có hướng xây dựng cho thôn Cẩm Đồng một cây cầu nhỏ qua sông đến nơi sản xuất. Nhưng cũng như ý kiến phản ánh của bà con thôn Cẩm Đồng, ý kiến trả lời là, chỉ là nơi sản xuất thì "chưa cần thiết" phải làm cầu?! Vậy là mỗi năm đến mùa mưa lũ, UBND xã chỉ còn mỗi cách là hỗ trợ cho người dân thôn Cẩm Đồng một khoản kinh phí nho nhỏ để người dân tự bắc lại cầu tre tạm qua sông, mặc dù biết người dân qua sông trên những cây cầu tre ọp ẹp, hoặc phải bơi ghe thuyền trong mùa mưa lũ là rất nguy hiểm.

Qua câu chuyện trên đây, người dân thôn Cẩm Đồng, chính quyền xã Đại Phong đề nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam sớm xem xét, tìm hiểu thực trạng thực tế tại địa phương, có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân thôn Cẩm Đồng xây dựng một cây cầu, dù nhỏ thôi, nhưng kiên cố, chắc chắn, để người dân qua sông mỗi ngày bớt đi những lo âu, nhọc nhằn, thuận tiện cho việc tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đó cũng là khát khao của người dân thôn Cẩm Đồng.

HỒNG THANH