Khát khao Trường Định

Thứ năm, 05/02/2015 08:00

(Cadn.com.vn) - Niềm vui đến với người dân Trường Định, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) khi ngày 12-1 vừa qua, Chi hội nuôi trồng thủy sản của thôn đã được ngành chức năng quyết định cho “nâng cấp” thành Tổ Hợp tác nuôi trồng thủy sản, có Ban Chủ nhiệm, có tư cách pháp nhân... Dù còn nhiều việc phải làm, song quyết định này thực sự là tin vui của người dân nơi đây trong mùa xuân năm nay...

Ông Mai Phước Binh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác tâm đắc đọc cho chúng tôi nghe mãi câu vè mà người dân nơi đây ứng tác: “Một rổ tôm sú bằng 1 sào ruộng cả năm...”.  Nhưng ông Binh vẫn còn trăn trở, thành lập Tổ hợp tác rồi không phải nghiễm nhiên ước mơ đổi đời thành hiện thực, mà còn khối việc phải làm.

Ông Binh cho biết, Tổ Hợp tác nuôi trồng thủy sản của Trường Định hiện có 54 tổ viên, trong đó 34 tổ viên nuôi tôm, 20 tổ viên nuôi cá trên tổng diện tích 34 ha. Nghề nuôi tôm có ở Trường Định đã 15 năm, nhưng phát triển mạnh mới 2  năm nay. Có thể nói, con tôm đã làm đổi đời nhiều hộ dân ở làng quê còn nhiều khốn khó này. Ông Binh tính chi li, cứ lấy đơn vị 1 sào (500 m2) để làm cái “mốc” cái căn cứ để  “hạch toán”:  Mỗi năm 2 vụ, xuân- hè và hè -thu 1, mỗi vụ 1 sào nuôi trong 3 tháng,  đầu tư hết 3 triệu đồng con giống, 9 triệu đồng thức ăn, 2,5 triệu đồng xử lý môi trường, 1,5 triệu đồng điện, 1,8 triệu đồng nhân công, tổng cộng gần 16 triệu đồng. 1 sào tôm khi thu hoạch trung bình đạt 30 triệu đồng, vậy là người nuôi tôm lãi ròng hơn 14 triệu đồng... Thử hỏi bây giờ có nghề nào, công việc sản xuất kinh doanh nào khi bỏ vốn đầu tư ra lãi gần như gấp đôi như thế không? Quả là con số vô cùng hấp dẫn.  Gia đình ông Binh có 5.000 m2 hồ nuôi tôm, năm 2014 chỉ nuôi tôm trên 4.000 m2 đã thu hơn 2 tấn tôm thịt, doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Nông dân ở Trường Định xử lý môi trường hồ nuôi tôm để chuẩn bị vào vụ mới.

Với tổng diện tích gần 30 ha nuôi tôm, ở Trường Định trong 2 năm gần đây, những  hộ gia đình nuôi tôm thu về  vài trăm triệu đồng đã không còn là hiếm. Ông Binh bảo, cái thuận lợi cho nghề nuôi tôm ở Trường Định là, đồng đất Trường Định nằm sát ven sông Cu Đê, đây là một trong những con sông hiếm hoi ở miền Trung còn giữ được dòng nước tương đối trong lành, chưa bị ô nhiễm bởi sự tác động tàn phá  của con người. Mỗi mùa mưa lũ, đồng đất Trường Định đều được sông Cu Đê “dọn” sạch sẽ, thau phèn, rửa chua, đón những con nước mát lành, vì vậy rất hợp với nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là với con tôm.

Tuy có những khó khăn, nhất là về vốn đầu tư ban đầu và cũng có những rủi ro không nhỏ, nhưng nhìn chung, thiên nhiên đã ban tặng cho Trường Định thuận lợi nhiều hơn cái khó. Theo ông Mai Phước Sắt, Trưởng thôn Trường Định, cái thuận lợi, cái lợi ích hiệu quả từ nghề nuôi tôm đã rõ, đã hiển hiện ra trước mắt, nhưng số hộ nông dân nuôi tôm của thôn hiện cũng chỉ  là tỷ lệ rất nhỏ. Cả thôn có 243 hộ, chỉ vài ba chục hộ tham gia nuôi tôm, còn tất cả vẫn trông chờ vào hơn 70 ha đất nông nghiệp. Hàng trăm năm nay vẫn thế, hơn 70 ha ruộng của Trường Định chỉ trông vào nước trời, chưa có một hệ thống kênh mương thủy lợi nào được triển khai, mỗi năm cũng trồng lúa 2 vụ, nhưng chủ yếu trông chờ vào vụ đông-xuân, tức là sau mùa mưa lũ.

Đồng đất khô cằn, năng suất lúa, hoa màu của Trường Định có thể nói là cực thấp. Lại lấy đơn vị 1 sào đất trồng lúa để hạch toán, 1 sào lúa ở Trường Định mỗi vụ có năng suất xấp xỉ 2 tạ lúa, tức là 1 ha chỉ thu 4 tấn lúa. Một năm cứ cho là trồng hết 70 ha ruộng thu được 280 tấn lúa. Chừng ấy “nuôi” hơn 200 hộ dân, dù không đói, nhưng cuộc sống cứ ngày qua ngày, lam lũ, lo âu hằn trên từng nét mặt... Chưa hết, năm 2011 dự án khu đô thị Thủy Tú phía Tây Hòa Vang đã quy hoạch toàn bộ diện tích đồng đất của Trường Định, suýt nữa nơi đây đã trở thành dân thành thị bất đắc dĩ.

Mong ước của người dân Trường Định là được thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
trên diện tích hơn 70ha đất trồng lúa khô cằn này.

Rất may, sang năm 2014, dự án này đã ngừng lại không triển khai nữa, người dân lại “an tâm” tiếp tục trồng lúa, nhìn sang những hồ nuôi tôm ngay sát kế bên mà luôn thầm ước, khát khao... Ông Sắt khẳng định, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thì cuộc sống người dân Trường Định mới đổi thay được. Trong thời gian qua, bà con trong thôn đã nhiều lần đề đạt cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa,  để thay vào đó những mô hình phát triển sản xuất khác, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, song nguyện vọng này chưa được phản hồi.

Thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống là phù hợp với chủ trương, mục đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Hy vọng chính quyền, các ban ngành chức năng sớm xem xét những nguyện vọng của người dân Trường Định để họ sớm hiện thực ước mơ đổi đời.

Hồng Thanh