"Khát" việc ở làng thanh niên lập nghiệp
(Cadn.com.vn) - Dù sinh sống nơi đây nhiều năm nhưng hàng chục hộ dân ở làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới ở xã biên giới Hương Phong (H.A Lưới, TT-Huế) vẫn không có đất sản xuất dẫn đến tình trạng những cặp vợ chồng trẻ phải thất nghiệp, chạy ăn từng bữa, có hộ trở về nơi ở cũ.
Giữa cái nắng oi bức một ngày giữa tháng 4, ngược đại ngàn, chúng tôi đến làng thanh niên lập nghiệp tỉnh TT-Huế ở xã Hương Phong, H. A Lưới- nằm sát biên giới Việt - Lào. Dự án (DA) Làng TNLN A Lưới do Tỉnh đoàn TT-Huế làm chủ đầu tư, hiện có 45 hộ dân sinh sống. Các hộ dân được chọn đến làng này đều là các cặp vợ chồng trẻ đến từ các huyện: Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới...
Cổng vào làng thanh niên lập nghiệp. |
Ăn vội miếng cơm rồi nhanh chóng vào rừng tràm vác gỗ thuê, anh Hồ Văn Toàn, một hộ dân ở làng lập nghiệp này bảo rằng từ lúc lên đây, gia đình anh rơi vào cảnh khó khăn hơn. Nguyên nhân, theo anh Toàn là dù bản cam kết giữa các hộ gia đình với Tỉnh đoàn TT-Huế là khi lên lập nghiệp thì mỗi gia đình ngoài việc được hỗ trợ tiền làm nhà, cấp 2.000 m2 đất ở và đất vườn còn được cấp từ 1-3 ha đất rừng sản xuất, hỗ trợ 14 triệu đồng/ha để khai hoang, mua cây giống. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, kể từ khi lên đây, đến nay gia đình anh chưa nhận được một mét vuông đất sản xuất nào. "Đất vườn thì cằn cỗi, nằm sát con suối nên trồng cây gì cũng khó. Từ khi đến làng này ở, tui chỉ có đi làm thuê"- anh Toàn chia sẻ.
Vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn (34 tuổi), Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hương Phong cũng là một trong những hộ được chọn đến sinh sống tại làng TNLN A Lưới. "Vợ tôi là giáo viên mầm non, nếu tính tiền lương của cả hai thì cũng đủ sống nhưng do có con nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo nên vợ chồng tôi quyết định vào làng này sinh sống để được cấp đất sản xuất. Hy vọng có thêm chút thu nhập chữa bệnh cho con. Ai ngờ, đến đây ở hơn 3 năm nhưng gia đình tui vẫn không được cấp đất như cam kết ban đầu của Tỉnh đoàn TT-Huế"- anh Tuấn bức xúc.
Không có đất sản xuất, cuộc sống của hộ anh Nguyễn Sỹ Dức, công an viên xã Hương Phong cũng rơi vào cảnh bế tắc. Anh Dức đến làng này sinh sống và được bà con tín nhiệm bầu làm công an viên từ năm 2013. Lương tháng hơn 1 triệu đồng; trong khi đó vợ anh ở nhà nuôi con nhỏ. "Cứ nghĩ rằng, khi lên làng lập nghiệp, nhà em sẽ có đất để sản xuất nhưng đã mấy năm nay vẫn không được cấp đất nên cuộc sống gia đình em khó khăn chồng chất. Ngoài công việc công an viên, em còn phải kiếm thêm việc làm thuê, làm mướn để lo cho từng bữa ăn của cả gia đình"- anh Dức buồn bã nói. Không chỉ không có đất sản xuất mà 45 hộ dân ở làng TNLN A Lưới sau nhiều năm sinh sống đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đất ở, đất vườn theo cam kết ban đầu của DA.
Không có sổ đỏ đồng nghĩa với việc không được vay vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi, sản xuất khiến cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Anh Hồ Văn Đông, trưởng khu B làng TNLN A Lưới bức xúc: Cứ tưởng lên làng TNLN cuộc sống của gia đình sẽ ấm no hơn nhưng giờ đây tôi đang thất nghiệp vì chưa được cấp đất rừng sản xuất. Không đất sản xuất, vợ anh là giáo viên mầm non đành "cắm" sổ lương vay hơn 100 triệu đồng để chồng ở nhà chăn nuôi, trồng cây trong vườn nhưng chẳng có kết quả gì. Cuộc sống gia đình anh đành phải trông chờ vào đồng lương ít ỏi của vợ. "Đến nay chúng tôi chưa được cấp sổ đỏ. Vậy nên mới đây có DA của huyện hỗ trợ chăn nuôi bò, gia đình tôi cũng đành chịu vì không vay được vốn"- anh Đông cho biết.
Nhiều hộ dân ở làng TNLN A Lưới rất lo lắng vì vừa qua, họ có hỏi xã thì xã nói, nếu người dân muốn làm sổ đỏ cho đất ở và đất vườn, thì mỗi hộ phải đóng hàng chục triệu đồng. "Chúng tôi lên vùng kinh tế mới theo dự án của đoàn thanh niên. Đất chúng tôi đang ở là dự án bố trí và họ đã hứa cấp cho dân thì chúng tôi mới tình nguyện lên đây. Dân ở làng này kiếm tiền cho từng bữa ăn còn khó lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để nộp làm sổ đỏ"- Trưởng khu B làng TNLN A Lưới nói.
Nhiều người dân ở làng TNLN bức xúc vì không có đất sản xuất; không được cấp sổ |
Theo nhiều người dân ở làng TNLN A Lưới, do đời sống khó khăn, không có đất sản xuất, không có việc làm nên có hộ đã qua Lào hoặc đi Malaysia làm ăn. Điều đáng nói, có hộ Thái Văn Nghinh đã bỏ về quê ở cũ mặc cho nhà cửa cỏ mọc um tùm. Đem bức xúc của người dân trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh đoàn TT-Huế Nguyễn Duy Cường, Trưởng ban quản lý DA làng TNLN A Lưới, được biết: DA này được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt với kinh phí 24 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 19 tỷ đồng. DA kết thúc từ năm 2013 nhưng đến nay còn 20 hộ dân tại làng vẫn chưa được cấp đất sản xuất như cam kết ban đầu. Về việc 20 hộ dân chưa được cấp đất, theo anh Cường là vì quỹ đất ở xã Hương Phong khó khăn nên chưa thể bố trí. "Chúng tôi rất nhiều lần làm việc với UBND H. A Lưới về việc này nhưng địa phương vẫn chưa tìm ra được quỹ đất. H. A Lưới đang có kế hoạch thu hồi đất rừng của một số đơn vị và của người dân địa phương tự lấn chiếm để cấp cho các hộ dân này. Dù DA đã kết thúc nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục gắn kết, đồng hành với người dân để giải quyết vướng mắc" - anh Cường nói.
Trao đổi về việc người dân phản ánh muốn được cấp sổ đỏ cho đất ở và đất vườn thì phải đóng hàng chục triệu đồng/hộ, anh Cường cho biết: Nếu tính ra, mỗi hộ phải đóng khoảng 35 triệu đồng. Tuy nhiên, phía Tỉnh đoàn cũng đang làm việc với Cục Thuế tỉnh TT-Huế và Chi cục Thuế H.A Lưới để áp dụng các chính sách miễn giảm cho người dân... Như vậy, hai vấn đề mà các hộ gia đình ở làng TNLN A Lưới đang bức xúc là khi nào mới được cấp đủ đất sản xuất và cấp sổ đỏ đất ở, đất vườn như cam kết ban đầu thì vẫn chưa tìm được câu trả lời cụ thể. Được biết, một trong những mục tiêu của việc thành lập làng TNLN là nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa ở các địa bàn dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các vùng đặc biệt khó khăn để đưa vào sử dụng, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và nhân dân trên các địa bàn triển khai DA...
Thiết nghĩ, Tỉnh đoàn TT-Huế cần sớm tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện cho những thanh niên ở ngôi làng này sớm được có công ăn việc làm như cam kết ban đầu của DA. Lúc đó, mới đúng nghĩa với cái tên làng TNLN.
H.Lan