Khát vọng vùng cửa biển
Với đội tàu "khủng" đánh bắt xa bờ cùng với hàng trăm tàu thuyền đánh bắt vùng khơi, lộng, nhiều ngư dân vùng cửa biển các xã Gio Việt, Gio Hải, TT Cửa Việt (H. Gio Linh, Quảng Trị) vẫn quyết tâm cho con cháu xuất ngoại tìm việc. Hiện tượng xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản rầm rộ từ cuối năm 2016, kéo sang năm 2017 và hiện như làn sóng sôi sục từng kiệt, xóm.
Tàu đánh bắt hải sản thiếu lao động nên ra khơi thưa thớt. |
Đi xa mới...khá
Thấu hiểu nghề biển gian nguy nên khi quyết định cho con xuất ngoại lao động làm đánh bắt cá tại Hàn Quốc, lão ngư Nguyễn Văn Hoàng (xã Gio Việt, H. Gio Linh) với 40 năm "chinh chiến" nghề biển đắn đo, trằn trọc lắm mới hạ được quyết tâm "rút" con đang làm tại KCN miền Nam ra ghi danh học tiếng Hàn. "Có nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nên nhà tui mới mạnh dạn vay thêm cho đủ kinh phí, tin chắc nó qua bên đó làm ăn chăm chỉ thì một đôi năm là trả hết nợ, còn tích cóp vốn liếng cho mai ni", ông Hoàng chia sẻ. Đi cùng với con ông Hoàng còn có nhiều thanh niên ở Gio Việt, Gio Hải, chủ yếu là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Giải pháp lao động ở nước ngoài không chỉ là phù hợp thời điểm mà điều khiến gia đình ông Hoàng có niềm tin nhất chính là những câu chuyện có thực, không hề xa xôi ngay ở vùng cửa biển đã xuất ngoại trước đó. "Như nhà ông bà Cúc - Ái ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt có đến mấy người đi lao động nước ngoài ở Nhật và Hàn, đời sống gia đình vì rứa mà khá hơn, nhà cửa khang trang hơn. Hay như hộ ông Thành ở Gio Hải có 3 người con và con dâu xuất ngoại sang làm ở Đài Loan trước khi xảy ra sự cố môi trường biển. Chừ đi xa mới...khá là chuyện không bàn cãi chi nữa", ông Hoàng nói thêm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Việt Trần Nam Hải cho biết, 9 tháng qua đã có hơn 60 con em ngư dân XKLĐ, hàng chục trường hợp khác đã học xong ngoại ngữ, chờ gọi. Chưa kể hàng trăm lượt người khác đã và đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản trước đó đã thôi thúc nhiều gia đình hào hứng cho con em nối bước. "Chừ đi xuất khẩu có hỗ trợ kinh phí đàng hoàng, nỏ ai dại đi chui rồi vỡ mộng. Nếu chưa có điều kiện đi nước ngoài, thanh niên ào ào vào các KCN ở phía Nam. Chuyện đó không còn lạ", bà Lê Thị Chút, xã Gio Hải tâm sự. Ông Phan Văn Tính, cán bộ Chính sách, LĐ - TB và XH xã Gio Hải cũng cho biết hiện trên địa bàn xã có khoảng 500 người đang lao động ở các tỉnh thành trong cả nước. 185 người đang lao động tại nước ngoài. Nhiều hộ khá lên từ nguồn tiền con cháu gửi về...
Còn tại TT Cửa Việt, bà Lê Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn cho hay nhiều chị em trên địa bàn chủ yếu chọn sang Đài Loan để phụ giúp việc nhà, chăm sóc người già. Nam thanh niên thì sang Hàn Quốc và Nhật Bản, đến nay có 450 lao động sang làm việc tại Hàn, Nhật, Đài Loan. Tại khu phố 6, chúng tôi thấy nhiều tấm biển quảng cáo, thông báo tuyển lao động dán tận từng ngõ kiệt. Hỏi bất kỳ ai nơi đây, họ cũng đều cho biết hiệu quả của việc đi XKLĐ là đáng kể, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Sự đổi thay ấy có thể nhận thấy qua những ngôi nhà vững chãi, cao tầng...
Năm 2017 sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân vùng cửa biển Cửa Việt vẫn gặp khó khăn. |
Đỏ mắt tìm... bạn thuyền
Trong khi chuyện XKLĐ sôi sục chừng nào thì cảnh người ở lại trái ngược bấy nhiêu. Tại nam Cửa Việt, nơi có khu neo đậu lớn nhất tỉnh, không chỉ chủ thuyền mà cả bạn thuyền cũng rơi vào cảnh khó. "Cả ngàn thanh niên đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa quê, thử hỏi chủ tàu dễ dàng kiếm mô ra cho đủ lao động. Tới cao điểm vụ đánh bắt mới thấy hết sự căng thẳng về nhân lực, có khi phải hoãn chuyến", ông Bùi Văn Tấn (TT Cửa Việt) lo lắng. Ông Trần Nam Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Việt (H. Gio Linh) cho rằng giữa chủ và lao động là mối quan hệ "đóng tàu rủ bạn", không có nhiều ràng buộc quyền lợi dẫn đến người làm thuê dễ...buông.
Họ "nhảy" việc và khi đối mặt với sự bấp bênh thì không ngần ngại chọn phương án đổi việc, trong đó có XKLĐ. Con em nhiều gia đình học xong lớp 12 là đăng ký XKLĐ ngay chứ không phải tính phương án học nghề hay vào đại học. Thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ đã đến mức báo động. Tại Cửa Tùng, nhiều chủ tàu cá cũng bày tỏ sự lo lắng khi lao động tại chỗ đã hụt rõ rệt. "Tàu chúng tôi trước đây có nhiều bạn thuyền ở Gio Hải, Gio Việt ra đăng ký. Chừ trong đó thiếu, họ phải ở lại với bà con mình, thành ra tụi tui phải bỏ công đi tìm người nơi khác. Nếu làm việc chung lâu năm, quen sẽ thuận lợi hơn", ông Nguyễn Thanh Tùng (TT Cửa Tùng) tiếc nuối.
Sau nhiều ngày tìm hiểu tại vùng cửa biển, chúng tôi nhận ra dù XKLĐ đang mang lại sự đổi thay thực sự nhưng ngư dân vẫn mong muốn con em có được việc làm tại chỗ gắn với nghề biển, hậu cần nghề cá và làm giàu từ nghề truyền thống này. Và khát vọng ấy dường chưa từng nguôi trong họ..."Đa phần hết thời gian lao động nước ngoài thì đều tìm cách để đăng ký đi xuất khẩu lao động trở lại vì thu nhập vẫn nhỉnh trội. Số người có được vốn kha khá để góp mua tàu hoạt động khai thác trên biển là không nhiều", ông Trần Nam Hải nói về thực tế đang diễn ra. Nếu như vấn đề lao động nước ngoài đã cho những tín hiệu vui thì cũng không còn sớm để tìm lời giải cân đối lao động và nghiên cứu tạo việc làm tại chỗ mà bất kỳ người dân nào cũng mong đợi. Người đi làm ăn xa, XKLĐ lúc trở về có tìm thấy cơ hội trên quê hương mình hay lại rơi vào bấp bênh, không ổn định, lại tiếp tục loay hoay tìm việc.
BẢO HÀ