"Khi chết hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn"

Thứ bảy, 13/11/2021 19:35

Kazik là người tiên phong trùng tu Mỹ Sơn sau chiến tranh, rồi suốt mười mấy năm ròng sống chết với nơi này. Kazik từng nói: "Sống tôi vốn là cư dân Mỹ Sơn, khi chết hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn".

Kazik (người đàn ông mặc áo dài) khi tham gia trùng tu di tích ở Huế.

1- Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ người có thời gian dài cộng sự cùng Kazik tại khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong một lần trò chuyện, họa sĩ đã tâm sự: "Những ngày đầu Kazik đến Quảng Nam, Việt Nam là những ngày dài gian khó. Với tư cách một chuyên gia ngoại quốc nhưng chưa bao giờ ông đòi hỏi một yêu sách nào dù nhỏ nhất trong cuộc sống hay sinh hoạt hằng ngày. Kazik ngày xưa vẫn theo bạn bè như Thái Bá Lợi, Vĩnh Quyền, Đà Linh, Trần Phương Kỳ và mình (Nguyễn Thượng Hỷ) lang thang quán cóc, vài ba xị đế… rồi đàm đạo".

Cũng thông qua họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ, một người bạn khác của Kazik lại kể, Kazik tự nhận mình là con khỉ lớn (Le grand singe de My Son), bởi thân hình vạm vỡ cao to, râu ria xồm xuề. Có lần đang uống bia "góp" với nhau ở khách sạn Phương Đông- nơi dành cho các chuyên gia nước ngoài- thì hết tiền; cuộc vui đang tới mà đột ngột chấm dứt thì còn gì là hứng thú. Thế là rượu gạo, ông bằng lòng cái rụp.  Cái lối phát âm ngọng nghịu từ rượu gạo bằng tiếng Việt của ông thật dễ thương, đầy ấn tượng, vừa gần gũi thân thiết, vừa thể hiện sự tế nhị, ông hiểu tình hình thực tại của những người bạn Việt. Chẳng có chút gì ngăn cách giữa Tây- Ta. 

Chỉ bằng sự cảm nhận đó thôi cũng đủ để một người Ba Lan như ông trở thành một người Việt Nam "chơi" được! Đến lúc riu liu say, ai cũng muốn về với vùng ngự trị tâm thức, sống trong cảnh giới riêng của mình, tự do suy tưởng, chiêm nghiệm, mơ mộng bên những tượng đá Chàm. Kazik cũng trở nên lặng lẽ, trầm tư, thỉnh thoảng lấy bút phác thảo, ký họa về những ý tưởng vừa nảy sinh. Ông vẽ trên bất cứ chất liệu nào tiện tay. Lúc hơi "xỉn xỉn", ông nằm dài trên nền gạch, ngắm nhìn trăng sao. Chỉ ngôi sao lấp lánh xa lắc trên nền trời cao, bất giác ông thốt lên "Tôi giống như một vì sao kia, cô đơn, hạnh phúc". 

2- Kazik được mọi người tụng xưng là chàng hiệp sỹ của những tháp Chăm. Điều ấy quả không sai, bởi như chúng ta biết từ năm 1981 kiến trúc sư Kazik là một trong số những người đầu tiên vào tháp Mỹ Sơn hoang vu. Trong đoàn của ông có 8 người Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại do đụng mìn, thiếu thốn, gian khổ, bệnh tật… Đến năm 1991, tức 10 năm sau, Hiệp định Văn hóa Việt Nam- Ba Lan kết thúc, chỗ dựa "hành chính" cuối cùng cho lao động của ông không còn, nhưng ông vẫn tình nguyện bám trụ, miễn sao được sống cùng những ngôi tháp (Hân Hương). 

Nhiều mùa đông buốt giá ông vơ lá, bẻ cây đốt sưởi đằng đẵng đợi bạn bè quyên góp tiếp tế đồ ăn, để người hiệp sỹ không một xu thù lao trụ lại Việt Nam đeo đuổi các cuộc trùng tu những di tích trên dải đất miền Trung. Bằng trái tim, Kazik lắng nghe tiếng vọng từ mỗi phế tích, từ lòng đất sâu, tiếng vọng tâm linh đâm qua thời gian gọi ông, gọi mãi… Ông như người cầm ngọn đuốc soi làm hiện lên những khuôn mặt lịch sử xa xôi chập chờn trong bóng tối quá khứ…

Ông Hoàng Châu Sinh, nguyên là một lãnh đạo huyện Duy Xuyên kể câu chuyện rất cảm động, có lần ông lên núi gần khu vực tháp, tình cờ gặp 4 em nhỏ người địa phương kiếm củi. Nhìn cảnh các em nhỏ quây quần giở nắm cơm ghế nhiều khoai sắn chấm muối ăn ngon lành, ông nheo mắt cười với bọn trẻ. Liền sau đó, ông đi nhanh về lán mang đến cho các em bánh và cả suất ăn trưa của mình. Các em tỏ ý ngần ngại, ông ra hiệu đừng lo cho ông. Các em và những người đi cùng cảm động, khóe mắt ươn ướt trước tấm chân tình của ông. Nhiều người còn cho biết, sau câu chuyện ấy và bao câu chuyện tương tự khác ở vùng Mỹ Sơn đã truyền tụng câu chuyện giàu chất huyền thoại về ông. Một ông Tây to lớn, hiền từ, tốt bụng. 

3- Bây giờ tôi hay nhớ Kazik. Ba tháng trước khi Kazik đột ngột qua đời khi đang tham gia dự án trùng tu cố đô Huế, họa sỹ Lưu Công Nhân có thư nhờ tôi sao lục bài bút ký của anh viết về một đêm trăng sao thao thức trong kalan hoang lạnh giữa Mỹ Sơn với Kazik từ năm 1987 và hỏi "Bây giờ Kazik ở đâu?'. Thư phúc đáp của tôi quá muộn để bây giờ có thể báo tin với Lưu Công Nhân rằng Kazik đã về đỉnh núi vàng Meru huyền thoại, nơi lưu trú các thần Champa. Ở đó anh sẽ phục sinh trong hào quang Bảo tồn Visnu…" (Nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền)

Và một câu chuyện không phải ai cũng biết, trước ngày đi xa không lâu, Kazik đã trao cho chính quyền huyện Duy Xuyên bản vẽ thiết kế "Nhà trưng bày văn hóa Chapa Trà Kiệu" kèm theo những lời chỉ dẫn khá sâu sắc và cụ thể…. Điều này giúp rất nhiều khi triển khai công trình này.

Kazik qua đời ở tuổi 53, khi sự nghiệp và những hoài bão của ông đang còn dang dở. Gắn bó gần như một đời với Hội An, Mỹ Sơn nhưng con tim giàu nhân ái ấy đã ngừng đập trên đất Huế khi ông tham gia trùng tu di tích tại đây.

VÕ VĂN TRƯỜNG