Khi chính trị gia hết thời
(Cadn.com.vn) - Có lẽ, thời kỳ vàng son thống trị nền chính trị Italia của tỷ phú Silvio Berlusconi đã qua lâu lắm rồi. Giờ đây, thậm chí, Thượng viện nước này chuẩn bị bỏ phiếu để trục xuất vị chính trị gia kỳ cựu ra khỏi cơ quan quyền lực này.
Với một cuộc bỏ phiếu có thể quyết định số phận chính trị u ám của người 3 lần nắm quyền Thủ tướng Italia, ông Berlusconi chắc chắn sẽ "chiến đấu" đến hơi thở cuối cùng. Cuộc chiến được coi là quan trọng nhất đối với ông trùm truyền thông trong lúc này không gì khác ngoài việc ông có thể sẽ bị trục xuất ra khỏi Thượng viện, mở đường cho khả năng bắt giữ vị chính trị gia kỳ cựu này.
Trước tình thế nước sôi lửa bỏng này, ông Berlusconi yêu cầu các thượng nghị sĩ trì hoãn việc bỏ phiếu vì ông tuyên bố có bằng chứng mới chống lại các cáo buộc hình sự về tội gian lận thuế mà Tòa án Tối cao hồi đầu tháng 8 đã kết tội ông 4 năm tù.
Thậm chí, ông Berlusconi còn cảnh báo, nếu ông thực sự bị trục xuất, sẽ dẫn đến một "cuộc đảo chính" vì đây rõ ràng là cuộc bỏ phiếu mang động cơ chính trị. Ông còn cho rằng, một cuộc bỏ phiếu trục xuất ông sẽ là "vết nhơ không thể xóa nhòa" của nền dân chủ Italia.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Berlusconi cho đến nay đã không gây được tiếng vang với những người dân đã quá mệt mỏi với vị chính trị gia lắm tiền nhiều tật này.
Nguy cơ bị trục xuất của ông Berlusconi đang dần hiện rõ bất chấp nỗ lực cứu vãn số phận chính trị bằng việc giải thể đảng Nhân dân Tự do (PDL) để tái lập đảng Forza Italia, cũng chính tên đảng mà cựu Thủ tướng sáng lập và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1994. Bởi lẽ, hiện đảng của ông Berlusconi chỉ chiếm thiểu số tại Thượng viện cũng như tại Ủy ban đặc trách về quyền miễn truy tố của các thượng nghị sĩ.
Trong khi đó, bản thân ông Berlusconi lại "đổ thêm dầu vào lửa" khi tuyên bố chính thức rút khỏi liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, động thái này sẽ không khiến chính phủ tan rã. Sự việc rõ ràng khác biệt với lần cuối cùng ông Berlusconi đe dọa rút khỏi liên minh trong tháng 9, vốn khiến người ta lo sợ dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Enrico Letta.
Nguyên nhân do nhóm Trung hữu Mới do Phó Thủ tướng Angelino Alfano lãnh đạo - vốn tập hợp những người trung thành với ông Berlusconi trước đây, song đã rời bỏ vị cựu Thủ tướng này để thành lập đảng mới - tuyên bố sẽ ở lại liên minh ngay cả khi ông Berlusconi bị trục xuất.
Bị trục xuất khỏi Thượng viện có nghĩa là ông Berlusconi buộc phải rời khỏi Quốc hội lần đầu tiên kể từ khi được bầu vào năm 1994, sẽ trở thành vết đen không thể xóa nhòa trong sự nghiệp của vị chính trị gia lừng lẫy này.
Thanh Văn