Khi đất nghĩa trang không còn!
"Sống nhà, thác mồ"- từ quan niệm đã trở thành ý niệm mang tính tâm linh của người Việt Nam xưa nay, nên nhiều nơi trên cả nước, nghĩa trang được ví như "thành phố không người" bởi quy mô xây dựng các ngôi mộ rất hoành tráng, bề thế. Đà Nẵng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Với tốc độ phát triển đô thị và mật độ dân số đang có chiều hướng tăng nhanh, dự báo tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ không còn đủ quỹ đất để chôn cất người đã khuất.
Trung tâm hỏa táng An Phước Viên. |
Đất nghĩa trang không còn
Giám đốc Sở Xây dựng TP Vũ Quang Hùng cho biết: Hiện nay, toàn TP có hơn 700 ha đất nghĩa trang, nghĩa địa. Trong đó, hơn một nửa diện tích do BQL Nghĩa trang quản lý, còn lại khoảng 350ha là nghĩa trang, nghĩa địa tự phát. Để đáp ứng nhu cầu chôn cất người thân qua đời của người dân trong thời gian đến, TP đã quy hoạch 150ha đất, đến năm 2030, tiếp tục quy hoạch thêm khoảng 230ha nữa. Theo đó, tổng diện tích nghĩa trang được quy hoạch đến năm 2030 của toàn TP gần 1.200ha đất. So với quỹ đất quy hoạch của TP thì con số này không hề nhỏ. Được biết, ngoài 20 nghĩa trang liệt sĩ, hiện toàn TP có 3 nghĩa trang nhân dân do Sở LĐ-TB&XH TP quản lý là nghĩa trang Sơn Gà (Hòa Khương) với 19,6ha (cách đây 10 năm đã không còn quỹ đất) và 2 nghĩa trang Hòa Ninh, Hòa Sơn chủ yếu phục vụ cho giải tỏa và một phần đất an táng. Thành phố cũng có hơn 130 nghĩa trang tự phát. Nếu không có những giải pháp khuyến khích người dân chọn hình thức hỏa táng thì tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ không còn quỹ đất chôn cất người mất. "Vì thế, TP cần có chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có chính sách ưu đãi tối đa để người dân Đà Nẵng chuyển qua hình thức hỏa táng sau khi mất"- ông Vũ Quang Hùng khuyến cáo. Cũng theo ông Hùng, Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (Hòa Sơn, Hòa Vang) chỉ mới đạt khoảng 5% công suất, dù TP đã có chính sách ưu tiên miễn giảm đối với công dân Đà Nẵng.
Qua trao đổi với ông Lương Trọng Khánh- Phó Giám đốc quản lý Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, đơn vị đầu tư xây Trung tâm hỏa táng An Phước Viên- được biết, từ khi đi vào hoạt động năm 2010 đến hết tháng 6-2018, tổng số ca hỏa táng tại Trung tâm là 5.282 ca. Trong đó, chỉ có 1.408 ca người mới từ trần (Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận), số còn lại là hài cốt do di dời, bốc mộ. Tuy số ca là người Đà Nẵng từ trần được hỏa táng tăng theo từng năm (năm 2010: 27 ca, năm 2017: 220 ca; 6 tháng đầu năm 2018: 107 ca), nhưng so với công suất có thể thực hiện từ 6-8 ca/ngày thì số ca Trung tâm hỏa táng thực hiện bình quân hiện chưa đạt 1 ca/ngày. Mặc dù Trung tâm đã có nhiều nỗ lực phối hợp cùng các ban ngành chức năng tuyên truyền hình thức an táng vừa văn minh, tiết kiệm, vừa góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường đến với người dân Đà Nẵng.
Nghĩa trang ở Hòa Sơn đang ngày càng quá tải. Ảnh: P.T |
Vì sao nhiều người chưa chọn hỏa táng?
Theo ông Thái Đình Hoàng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, so với 2 đầu đất nước, hình thức hỏa táng vẫn còn khá mới mẻ với người dân Đà Nẵng nói chung, miền Trung- Tây Nguyên nói riêng. Hiện nay, từ Bình Thuận ra đến Thanh Hóa mới có một Trung tâm hỏa táng An Phước Viên. Thông qua tuyên truyền, đặc biệt là chính sách hỗ trợ của TP đối với người từ trần là người Đà Nẵng, nhận thức của người dân TP về hình thức hỏa táng ít nhiều cũng đã có sự thay đổi. Điều đó thể hiện khá rõ qua số lượng người từ trần được hỏa táng tại Trung tâm An Phước Viên tăng đều theo từng năm. Tuy nhiên, để đáp ứng công suất hiện có của Trung tâm cũng như thực hiện chủ trương của TP về an táng theo hình thức hỏa táng thì vẫn chưa đạt mong muốn, phải bù lỗ. Theo ông Hoàng, TP đã có chủ trương mở rộng tất cả mộ nằm trong diện giải tỏa không có thân nhân, chết vô thừa nhận do chính quyền địa phương hoặc các cơ quan đơn vị đứng ra tổ chức mai táng và tất cả bệnh nhân ở các trung tâm tập trung từ trần không có thân nhân thì đều được tổ chức theo hình thức hỏa táng. Nhờ nhiều hình thức được mở rộng hỗ trợ hỏa táng nên số lượng ca hỏa táng mỗi năm tăng đều. Tuy nhiên, khách quan thì vẫn chưa nhiều người Đà Nẵng chọn hình thức hỏa táng. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng, nguyên nhân chính xuất phát từ quan niệm "sống nhà, thác mồ" đã ăn sâu vào thói quen, tập tục, trở thành nhận thức tâm linh của người Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng. Ngoài ra, theo ông Hoàng còn có những trở ngại sau: "Đối với Đà Nẵng, trong quá trình giải tỏa đền bù liên quan đến mộ chí đều được bố trí đất để an táng. Bên cạnh đó, TP còn giải quyết tiếp việc bố trí đất dự phòng dành cho người mất. Hiện nay, việc bố trí đất cho người từ trần gần như không thu phí. Trong khi đó, cơ sở phục vụ cho hỏa táng lại chưa đồng bộ. Theo đó, TP chỉ mới có chính sách hỗ trợ hỏa táng cho người dân Đà Nẵng nhưng chưa xây dựng chính sách hỗ trợ lưu tro cốt, chưa xây dựng được nhà lưu tro cốt, chỉ có Trung tâm hỏa táng An Phước Viên tự làm mà thôi. TP cũng đang tính việc thực hiện xã hội hóa về vấn đề này, nhưng giá thành cao quá. Từ năm 2019 sẽ xem xét triển khai việc tổ chức xây dựng nhà lưu tro cốt cho đàng hoàng...".
Để người dân Đà Nẵng quen dần với hình thức hỏa táng, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH TP đang xây dựng chính sách hỏa táng lâu dài đối với từng loại đối tượng. Bên cạnh đó, cũng tính khả năng giao cho Sở Y tế quy định một số bệnh hiểm nghèo có tính lây lan nhanh cũng phải tổ chức hỏa táng. "Phải bằng nhiều giải pháp để đưa công tác hỏa táng đi vào quy củ. Về vấn đề bố trí đất, cần nghiên cứu lần lượt đến việc áp dụng chính sách thu tiền sử dụng đất, xã hội hóa các nghĩa trang, xây dựng các nghĩa trang mới với tính chất xã hội hóa, chỉ dành quỹ đất cho một số ít đối tượng. Không như hiện nay, đất gần như bố trí không. Trong khi đó, ở TPHCM, để mua một lô đất chôn cất người phải mất khoảng 40 triệu đồng. Giá thành cao như thế thì người ta sẽ tính tới chuyện hỏa táng"-ông Hoàng chia sẻ thêm.
P.THỦY
Trung tâm hỏa táng An Phước Viên xây dựng gần nghĩa trang Hòa Sơn với diện tích 7,4 ha gồm 2 nhà hành lễ, 2 lò thiêu hiện đại theo công nghệ của Hoa Kỳ không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài những trường hợp được hưởng chính sách ưu tiên của TP, chi phí đối với những đối tượng không thuộc diện miễn giảm có giá từ 3,9 đến 5,080 triệu đồng đối với người mới mất (gọi là hỏa táng áo quan). Nếu lưu giữ luôn tro cốt thì giá 8 triệu/ô. Riêng đối với hỏa táng cốt (di dời, bốc mộ) chỉ từ 1,3 đến 2,9 triệu đồng/ca. |